Xã hội hiện đại và một nền kinh tế phát triển vượt bậc đã không khiến Hàn Quốc tránh khỏi bóng đen của vấn nạn bạo lực tình dục, vốn đang ám ảnh mọi lĩnh vực ở quốc gia này.
Nổi tiếng là một nền điện ảnh đầy bản sắc với thật nhiều thể loại và đậm chất hiện thực khi cần, Hàn Quốc có những bộ phim về bạo lực tình dục cực kỳ đen tối và phần lớn đều lấy chất liệu từ những sự kiện có thật.
Cùng điểm lại một vài bộ phim đáng chú ý trong mảng đề tài gây nhức nhối này:
Sự im lặng (Silenced) - Khi nạn nhân chỉ có thể câm lặng, công lý cũng quay lưng
Bộ phim với sự góp mặt của nam diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Gong Yoo ra mắt năm 2011 đã làm rung chuyển cả xã hội Hàn Quốc vốn nhạy cảm với chủ đề tình dục.
Gong Yoo bên các bạn diễn nhỏ tuổi trong phim
Trong phim, Gong Yoo vào vai Kang In Ho - một thầy giáo mỹ thuật được phân công tới dạy ở một ngôi trường dành cho trẻ khiếm thính tại Gwangju. Vốn là một người có đời tư bất hạnh, Kang In Ho gửi gắm tình cảm của mình cho những đứa trẻ kém may mắn tại đây.
Nhưng điều anh không thể ngờ chính là đằng sau nỗi bất hạnh trời sinh của chúng, những đứa trẻ khiếm thính tại trường Inhwa lại còn phải gánh chịu sự hành hạ về thể xác và tinh thần của từ những người đứng đầu tại ngôi trường này.
Đằng sau những gương mặt trẻ thơ là nỗi đau không nói thành lời
Diễn xuất của những diễn viên nhỏ tuổi được ghi nhận là xuất sắc trong bộ phim này, trong khi màn thể hiện của Gong Yoo lại được báo chí quốc tế cho là khá “nhạt nhẽo”. Dù vậy, phim tạo được dư luận mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc lúc bấy giờ, bởi lấy đề tài ấu dâm và được chuyển thể lên màn ảnh từ một câu chuyện có thật.
Chính dư luận nước này cũng bị một số nhà phê bình lên án vì sự “giả tạo”, bởi đây là một câu chuyện có thật từ năm 2000, kẻ thủ ác bị trừng phạt rất nhẹ nhàng, và câu chuyện từng được xuất bản thành sách, làm thành phim truyền hình, nhưng đã không được mấy người chú ý.
Bộ phim đã thành công trong việc chỉ ra sự yếu kém và bạc nhược đến khó tin trong hệ thống hành pháp không thể làm gì nhiều để bảo vệ trẻ em trước những kẻ ấu dâm.
Han Gong Ju – Tội ác đằng sau giọt nước mắt thầm lặng của một nữ sinh
Thuộc dòng phim độc lập, Han Gong Ju có thể nói là bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Hàn Quốc năm 2013. Thẳng thắn, không khoan nhượng, đầy sâu sắc và thật mạnh mẽ, đạo diễn Lee Su Jin đã làm nên một bộ phim xuất chúng về những vấn đề nổi cộm tồn tại trong xã hội Hàn Quốc đương đại.
Điều làm cho Han Gong Ju trở thành tác phẩm kinh điển của chủ đề bạo lực tình dục trong điện ảnh Hàn Quốc, chính là cách nó lột tả những vấn đề trong môi trường sống của nhân vật chính – rất lạnh lùng, trầm lặng và đau đớn.
Poster gây ám ảnh của Han Gong Ju
Thông qua những trải nghiệm của nữ sinh Gong Ju, một thế giới đầy rẫy những xung đột văn hóa – xã hội mở ra, từ sự mục ruỗng trong quan hệ vợ chồng đến sự thối nát của cơ quan công quyền, từ vấn nạn bạo lực học đường đến khủng hoảng tuổi trung niên.
Song song với đó, Gong Ju vẫn phải học cách sống và hòa giải với quá khứ bi kịch của mình. Bộ phim nhắc nhở người xem một sự thật trần trụi rằng, nạn nhân của bạo lực tình dục đang có mặt khắp nơi, cũng như những kẻ thủ ác.
Hồi ức sát nhân – Cuộc chạy đua quá dài của công lý
Hồi ức sát nhân là bộ phim đỉnh cao trong mảng tâm lý tội phạm của điện ảnh Hàn Quốc. Bộ phim thứ hai của đạo diễn Bong Joon Ho dựa trên câu chuyện có thật về tên sát nhân hàng loạt được biết đến đầu tiên của Hàn Quốc, kẻ đã cưỡng hiếp và giết chết 10 phụ nữ trong giai đoạn từ 1986 đến 1991 – một vụ án tới nay vẫn chưa được phá giải.
Park Doo Man phát hiện xác chết đầu tiên của mình
Ba viên cảnh sát và một vụ trọng án nơi làng quê hẻo lánh. Những xác chết lần lượt lộ ra, trần trụi, co quắp trong đường hầm tăm tối. Thân xác những người phụ nữ bị kẻ thủ ác đối xử như rác rưởi.
Quá mệt mỏi trong hành trình phá án và lạc lối trong mê cung tâm lý bệnh hoạn của thủ phạm, Park Doo Man và Cho Yong Koo thậm chí phải dùng đến cách đánh đập nghi phạm để tìm ra manh mối. Cách phá án này bị viên cảnh sát trẻ tuổi đến từ Seoul Seo Tae Yoon phản đối.
Nhưng khi cả ba vừa xung đột vừa bắt lấy từng manh mối nhỏ một cách tuyệt vọng, họ không nhận được nhiều sự trợ giúp từ thế giới bên ngoài. Số lượng xác chết ngày một tăng.
Quá trình phá án đẩy các cảnh sát đến ngưỡng ranh giới của đạo đức và tội ác
Cuối cùng, khi hy vọng tìm được tên sát nhân ngày một mong manh, đến Seo Tae Yoon cũng phải tham gia vào cung cách phá án có phần “hoang dã” và man rợ của hai viên cảnh sát nông thôn.
Dù vậy, trong một xã hội hỗn loạn và đầy rẫy tội ác, những viên cảnh sát này lại được người xem đồng cảm, vì bằng cách của mình, họ đang cố gắng lập lại trật tự thế giới.
Hy vọng – Bộ phim được chào đón một cách đau lòng
Hy vọng (2013) dựa trên một vụ án từng gây chấn động Hàn Quốc vào năm 2008 (vụ án Nayoung). Phim kể lại quá trình phục hồi sau khi bị lạm dụng tình dục của bé gái 8 tuổi So Won.
Em bị một kẻ say rượu cưỡng hiếp và bỏ lại trên đường đến trường. Chấn thương về thể xác không là gì so với sang chấn về tinh thần, So Won sống tiếp trong sự sợ hãi chính bố ruột của mình.
Người mẹ bất lực kêu gào trước nỗi đau không thể bù đắp của con gái
Một cuộc đời bị hủy hoại, đổi lại chỉ là câu nói “Tôi chẳng nhớ gì cả” của kẻ thủ ác. Hắn ta nhận bản án 12 năm tù cho hành vi của mình.
Pháp luật không thể bảo vệ con em chúng ta một cách tuyệt đối, vậy các bậc cha mẹ hay chính chúng ta phải làm sao để bảo vệ những người thân yêu nhất, đồng thời không để bản thân mất niềm tin và hy vọng vào cuộc sống này?
Mẹ ơi, đừng khóc! – Vụ án khủng khiếp nhất lịch sử Hàn Quốc
Đạo diễn Kim Yong Han nói về bộ phim của mình: “Lạm dụng tình dục giống như sự tàn phá linh hồn của một con người, nhưng hầu hết mọi người đều không biết nỗi đau của nạn nhân.”
Năm 2012, Mẹ ơi đừng khóc! lên sóng. Phim kể lại câu chuyện cô bé 15 tuổi Eun Ha chuyển đến một trường học mới sau khi cha mẹ ly hôn. Eun Ha nảy sinh tình cảm với cậu bạn cùng lớp Jo Han, kẻ sau đó cùng bạn bè làm nhục và đe dọa cô bé bằng cảnh hãm hiếp đã quay lại.
Vụ việc được đưa ra tòa, nhưng những kẻ thủ ác vẫn chưa đến tuổi thành niên nên được xử trắng án. Eun Ha đau đớn tự sát vào chính ngày sinh nhật của mình, chỉ để lại một câu “Mẹ ơi đừng khóc” cho mẹ mình.
Cái chết là kết cục khó tránh cho cô bé không thể tìm ra lối thoát cho mình
Điều đau xót nhất là bộ phim không phải là sản phẩm hư cấu, mà dựa trên vụ án có thật vào năm 2004, khi một cô bé 15 tuổi bị 41 người thay nhau cưỡng hiếp.
Bộ phim đào sâu nỗi đau, cứa thêm nhát cắt vào vết sẹo sắp bị bỏ quên trong dư luận Hàn Quốc, là một gáo nước lạnh nhắc nhở công chúng về nạn bạo lực tình dục trong học đường nói riêng và xã hội Hàn Quốc nói chung, khi nỗi đau của nạn nhân là vô hạn, và hình phạt cho kẻ ác là hữu hạn.
Thậm chí tác phẩm mới nhất của Kim Ki Duk đã khiến khán giả bỏ chạy vì cảnh nóng quá thô bạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.