Phó Bí thư Thường trực TP.HCM Phan Văn Mãi: "TP chưa đạt đỉnh dịch, có thể phải áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường"

Bạch Dương Thứ tư, ngày 21/07/2021 21:20 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp chiều tối 21/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM - ông Phan Văn Mãi - đã đánh giá, "với tình hình hiện tại, thành phố nghiêng về kịch bản tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường thêm những giải pháp cụ thể".
Bình luận 0
Phó Bí thư thường trực Thành ủy: TP.HCM chưa đạt đỉnh dịch, có thể phải áp dụng chỉ thị 16 tăng cường - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM. (Ảnh: B.D)

Ông Mãi cho biết, qua theo dõi thời gian qua, số ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện hàng ngày của thành phố tăng cao và đang diễn biến phức tạp. Thành phố đánh giá chưa đạt đỉnh dịch và sẽ còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.

Do vậy, trong 3 tình huống đã đề ra, cho đến thời điểm này, tình hình phù hợp hơn với tình huống thứ 2 là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường thêm một số biện pháp. Thành phố cũng đã chuẩn bị cho tình huống thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường.

Theo đó, tập trung tuyên truyền, vận động, giám sát để người dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn nhằm hạn chế việc tiếp xúc gây lây lan mầm bệnh đang rất nhiều trong cộng đồng.

Với một số khu vực nguy cơ rất cao, đông dân cư như nhà trọ của người lao động, giãn cách chưa đảm bảo thì thành phố sẽ tính toán giãn dân phù hợp nhằm tạo điều kiện để người dân ít tiếp xúc. Đây là việc đầu tiên để giãn cách triệt để người với người, nhà với nhà.

"Thành phố tiếp tục tuyên truyền, thực hiện triệt để một tuần hoặc 10 ngày tới nhằm ngăn chặn dòng lây lan để có thể lập đỉnh dịch thời gian này rồi thực hiện biện pháp tiếp" - ông Mãi nói.

Tiếp đó, thành phố phải tập trung cao vào phân loại, phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0 theo mô hình 5 tầng: Tầng 1 là người vừa test nhanh kháng nguyên dương tính sẽ tạm thời chờ ở phường, xã, thị trấn. Sau khi lấy mẫu đơn PCR dương tính, số không triệu chứng, không bệnh nền, không có bất thường thì sẽ được cách ly tập trung tại quận, huyện để theo dõi, chăm sóc (chiếm khoảng 70%).

Tầng 2 là F0 có triệu chứng, cần điều trị, chủ yếu điều trị ở bệnh viện quận, huyện. Tầng 3 là F0 có triệu chứng, có bệnh nền, cần điều trị ở tuyến cao hơn thì sẽ điều trị một phần ở bệnh viện quận, huyện và một phần ở các bệnh viện tuyến cao hơn. "Thành phố đánh giá ở tầng 2, 3, 4 chiếm khoảng 20-25%, còn lại tầng 5 là tầng rất nặng, tầng hồi sức. Thành phố đang tập trung nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân rất nặng làm sao để hạn chế tỷ lệ tử vong thấp nhất" - ông Mãi nói.

Mô hình phân nhóm, phân tầng theo 5 tầng sẽ giúp giảm tải cho ngành y tế thành phố khi những F0 không triệu chứng không cần đưa vào cơ sở điều trị, chủ yếu theo dõi và quản lý tại địa phương.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy: TP.HCM chưa đạt đỉnh dịch, có thể phải áp dụng chỉ thị 16 tăng cường - Ảnh 3.

TP.HCM đang triển khai xây thêm các bệnh viện dã chiến. (Ảnh: B.D)

Tuy nhiên, Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhận định: Thời gian qua, vẫn còn tình trạng F0 ở cơ sở theo dõi của bệnh viện dã chiến trở nặng nhưng chuyển bệnh viện còn khó khăn do các bệnh viện chưa đồng bộ 100%.

Ngoài ra, vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho khu phong tỏa, nhóm gia đình khó khăn cần tăng cường hơn vì phải thực hiện giãn cách triệt để, hạn chế việc đi ra ngoài. Đồng thời phải tập trung bảo vệ, mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy: TP.HCM chưa đạt đỉnh dịch, có thể phải áp dụng chỉ thị 16 tăng cường - Ảnh 4.

Phó Bí thư Phan Văn Mãi yêu cầu phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, thực phẩm cho người dân. (Ảnh: B.D)

Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhận định: Sản xuất là vấn đề rất quan trọng của thành phố, nếu không tiếp tục sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất, mất thị trường trong và ngoài nước. Thời gian qua, thành phố đề ra tiêu chí sản xuất an toàn với "3 tại chỗ" hoặc "2 điểm đến 1 cùng đường". 

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chưa an toàn tại những doanh nghiệp đã đăng ký "3 tại chỗ". Do đó, ngay tại các doanh nghiệp đã đăng ký "3 tại chỗ" vẫn phải thực hiện xét nghiệm nhanh để kiểm tra và xác định âm tính, đảm bảo không tiềm ẩn nguồn lây, không bị lây lan.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 16/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi  cho biết: Thành phố đặt ra kịch bản cụ thể cho 3 tình huống sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16: Kiểm soát được dịch (chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 10); dịch chưa được kiểm soát (áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường) và mất kiểm soát (cần thiết phải phong tỏa nhiều khu vực hoặc phong tỏa khu vực rộng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem