“Phổ cập hóa” tiến sĩ hay “tầm thường hóa” khoa học?

Trần Đức Vũ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) Thứ hai, ngày 25/04/2016 14:00 PM (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận xôn xao với vấn đề chất lượng một số đề tài luận án tiến sĩ tại một cơ sở đào tạo cấp T.Ư. Theo đó, hàng loạt tên của luận án tiến sĩ (TS) tại cơ sở này được đem ra phân tích, mổ xẻ. Để góp thêm một góc nhìn, Dân Việt xin đăng tải một bài viết của một bạn đọc – người đã bảo vệ luận án TS ở nước ngoài về một ngành thuộc khoa học xã hội, hiện làm việc tại một cơ sở khoa học trong nước về vấn đề này.
Bình luận 0

Đơn giản hóa tới mức “đáng lo ngại”

Trước tiên, cần phải nói rằng việc đào tạo TS ở ta đã được đơn giản hóa tới mức đáng lo ngại. Thứ nhất, nó đã tạo ra lối suy nghĩ rằng miễn là đã học đại học thì rồi ai cũng có thể trở thành TS nếu chăm chỉ và có… đủ tiền.

Các tiêu chí đòi hỏi cho đầu vào, mới nhìn thấy có vẻ là các đòi hỏi cao, thực ra lại chủ yếu rơi vào tính phức tạp của thủ tục hành chính, trong khi không hình thành được hệ thống đánh giá chính xác về năng lực tư duy lo-gic, khả năng có thể thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học của ứng viên, và những đòi hỏi tối thiểu để có thể tự đọc và phê bình các công trình đã công bố của các nhà nghiên cứu quốc tế.

Thực ra, các tiêu chí thường thấy trong các quảng cáo về chương trình đào tạo xưa nay vẫn được các ứng viên đáp ứng tương đối dễ dàng bằng sự hợp lý thông qua nhiều phương cách mà nhiều khi không dựa trên sự trung thực, và bằng sự tìm kiếm giúp đỡ theo kiểu ''có đi có lại'' từ chính các thầy, cô của cơ sở đào tạo.

img

Ảnh minh họa (Nguồn Báo Giao thông/Bizlive)

Ví dụ, người ta có thể xoay xở để có một bài báo công bố với tên của mình do thực tế không thể làm điều đó, có thể làm cho đề cương nghiên cứu của mình được chỉnh sửa đẹp đẽ bởi một người có kinh nghiệm và trình độ cao hơn mà không bị phát hiện… Toàn bộ hệ thống đánh giá năng lực thực sự của một ứng viên xem có tương thích với hoạt động nghiên cứu khoa học hay không đã không có hiệu quả, hoặc dễ dàng bị qua mặt. Đầu vào do đó đã có lỗ hổng.

Về đầu ra, hiếm khi người ta để cho chuyện một nghiên cứu sinh mất nhiều năm gắn bó với cơ sở đào tạo mà lại ra về “tay không”. Bởi điều này vừa ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở đào tạo và làm mất đi năng lực cạnh tranh trong khi thu hút người làm nghiên cứu sinh TS đã trở thành công việc không chỉ học thuật mà còn là nguồn thu của cơ sở đào tạo.

Phải khẳng định rằng, không có gì sai trong việc coi giáo dục cũng là một lĩnh vực kinh doanh, có thu, có đóng thuế và chuyện này phổ biến ở các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Úc, Singapore... Song sự cân bằng giữa tiêu chí về chất lượng và việc kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo nhân lực trình độ cao vì sự thăng tiến của xã hội là tối quan trọng. Nếu một nghiên cứu sinh có thể được hỗ trợ tối đa để tốt nghiệp cho bằng được, chuyện gì sẽ xảy ra khi nghiên cứu sinh đó giờ đã là TS đến lúc phải làm việc độc lập và đáng lo hơn là bắt đầu tham gia quá trình đào tạo các nghiên cứu sinh TS khác?

Một nghiên cứu sinh đỗ vớt với một tấm bằng TS mà nhờ đó chuẩn hóa hay củng cố vị trí của mình hoàn toàn trong tương lai tiếp tục nhân rộng những kiến thức nhiều lỗ hổng, nhận thức sai lệch, thói quen dễ dãi của mình cho cấp dưới hay các thế hệ tiếp theo. Những cỗ máy cái nhiều trục trặc này tiếp tục đẻ ra những sản phẩm kém chất lượng. Như thế, không có sự tiến bộ nào về khoa học mà ngược lại góp phần vào kéo cả nền khoa học về phía suy thoái, nhân rộng khoảng cách của khoa học Việt Nam với thế giới.

Không phải ai cũng có thể đào tạo TS

Việc đào tạo TS ở ta gặp nhiều hạn chế ở việc nó chưa hoàn toàn là việc của các cơ sở giáo dục, cụ thể là các trường đại học. So với các nước có nền giáo dục tiên tiến, các trường đại học đồng thời là trung tâm sôi động nhất của hoạt động học thuật, giảng dạy, và nghiên cứu. Một người vừa giảng dạy, vừa làm nghiên cứu, sẽ có đủ các kỹ năng cần thiết và căn bản để đào tạo các nghiên cứu sinh. Các trung tâm hay viện nghiên cứu khoa học có uy tín trên thế giới thường đặt trong và do các trường đại học lập ra do đó có sự gắn kết rất chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo người làm nghiên cứu.

img

Ảnh minh họa (Nguồn Dân trí)

Ở ta lại có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học được phép có cả chức năng đào tạo cao học (bậc thạc sĩ và TS) và nhiều điểm bất hợp lý xuất phát từ đây. Ví dụ, hoàn toàn có thể xảy ra chuyện một người có năng lực làm khoa học ở một cơ sở nghiên cứu khoa học đó đồng thời làm công tác đào tạo vốn đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và tri thức về sư phạm. Ngoài ra, người ta khó có thể bắt kịp với những thay đổi của thực tiễn nơi các trường đại học vốn buộc phải gắn việc hoạt động giáo dục và đào tạo với việc tạo tối đa khả năng tìm được việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đầu ra cũng đáng lo ngại ở chỗ hệ thống tạp chí khoa học của Việt Nam cũng rất không xứng tầm. Rất hiếm các tạp chí áp dụng chế độ phản biện kín (peer review) và trong nhiều trường hợp, các nghiên cứu sinh tiến sĩ có thể ''đi đêm'' để bài báo của mình có thể được chấp nhận đăng như là hoàn tất thủ tục.

Đăng bài ở tạp chí quốc tế với nghiên cứu sinh TS ở Việt Nam thì cho tới nay vẫn là chuyện trên trời. Các thầy cô hướng dẫn còn gặp khó chứ đừng nói học trò.

Tiền nào của nấy?

Một câu chuyện nữa là học phí làm nghiên cứu sinh TS thuộc lĩnh vực khoa học xã hội thực ra cũng khá rẻ, như một hình thức để “phổ cập hóa” bằng TS. So sánh đơn giản ở Australia khi làm nghiên cứu sinh TS, học phí một năm là khoảng 25.000USD, sinh hoạt phí trung bình 15.000USD/năm, tiền hỗ trợ làm nghiên cứu thực địa và dự hội thảo để báo cáo kết quả nghiên cứu khoảng 10.000USD. Trong 4 năm, một khoản chi tối thiểu bất kể từ nguồn nào cũng là khoảng 170.000USD/người, tương đương gần 3,5 tỷ đồng tiền Việt Nam.

Trong khi đó cả quá trình làm nghiên cứu sinh TS ngành khoa học xã hội ở Việt Nam tốn khoảng dưới 200 triệu đồng cho 4 năm (gồm 80 triệu đồng tiền học phí, ngoài ra là sinh hoạt phí và các khoản ''lễ lạt'' khác). Người ta hoàn toàn có xu hướng nghĩ rằng ''tiền nào thì của ấy'', rằng cứ đem ''chuẩn Tây'' là so thì biết bao giờ Việt Nam đào tạo được TS. Nhưng ta sẽ đi tắt đón đầu về khoa học và công nghệ của phương Tây thế nào đây khi dựa trên đội ngũ người làm khoa học mà trên hầu hết các phương diện là không tương đương với các ''chuẩn Tây''?

Vậy lựa chọn của công việc đào tạo nghiên cứu sinh TS ở Việt Nam bây giờ là gì? Là chạy theo chỉ tiêu và số lượng, theo doanh thu và phó mặc câu chuyện hậu TS hay là kiên quyết biến việc trở thành TS là hết sức khó khăn và thậm chí bất khả thi với nhiều người để rồi có những vị TS thực sự đủ sức làm ra các công trình xứng đáng là khoa học, ứng dụng được vào giải quyết hiệu quả vấn đề thực tiễn đặt ra? Là chấp nhận ''tầm thường hóa'' khoa học và ''đơn giản hóa'' đào tạo người làm khoa học hay là bằng mọi giá nâng cao công tác này để hiện thực hóa chiến lược xây dựng đất nước dựa trên đội ngũ nhân lực chủ chốt có chất lượng cao?

* Bài báo thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem