Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo VN nói về đề nghị bỏ tục đốt vàng mã

Thanh Hà (thực hiện) Thứ sáu, ngày 23/02/2018 15:15 PM (GMT+7)
Trước công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về đề nghị các chư tôn đức tăng ni tại chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện... tuyên truyền cho người dân bỏ tục đốt vàng mã, PV Báo Điện tử Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Hoà thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bình luận 0

Thưa Hòa thượng Thích Gia Quang, vừa qua Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn số 31 về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Nội dung trong đó, nêu rõ, đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Công văn này được gửi tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường), các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá. Vậy Hoà Thượng có thể nói cụ thể hơn về quan điểm của Giáo hội Phật giáo trong công văn này?

img

Hoà thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Tục đốt vàng mã trong Phật giáo không có. Tín ngưỡng du nhập từ Trung Quốc, từ đạo lão của Trung Quốc, dân tộc của mình cũng ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc cứ theo như vậy. Quan điểm của Giáo hội Phật giáo chúng tôi không có tục đốt vàng mã, bây giờ yêu cầu Phật giáo từ các thầy trụ trì các chùa phổ biến lan toả cho người dân hạn chế dần dần rồi đi đến từ bỏ tục đốt vàng mã. Cái đấy là theo chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, đề nghị bỏ tục đốt vàng mã liệu có được thực hiện một cách dễ dàng?

- Đấy là yêu cầu của Giáo hội, còn thực hiện tất nhiên trong giai đoạn đầu có thể chưa triệt để ngay, nhưng sẽ dần dần. Tôi hy vọng là như vậy. Các Chư tôn đức tăng ni thực hiện, tuỳ theo các vị hiểu Phật giáo kỹ hơn. Các vị còn hơi ngại về truyền thống văn hoá lâu ngày của bà con thì chắc dần dần sẽ tiến triển tốt.

Đối với những nơi còn ngại nét truyền thống chưa bỏ hẳn tục đốt vàng mã sau đề nghị bỏ tục lệ này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có biện pháp xử lý thế nào?

- Nhà chùa không có biện pháp xử lý gì, chỉ có tuyên truyền, đem giáo lý nhà Phật ra để giải thích cho bà con hiểu dần dần, từ đó vấn đề đốt vàng mã mới hạn chế được. Nhưng tôi nghĩ, khi các chư tôn đức tăng ni nói phải đem dẫn chứng, phải nói làm sao để mọi người nghe, vừa tin vừa phục. Mình nói cấm không thì rất khó. Đấy là tuỳ các vị nói tốt hay chưa tốt đối với Phật tử, nhân dân.

Với nhân dân đến lễ là vậy nhưng với các chư tôn đức tăng ni ở tại chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện...nếu không thực hiện theo công văn 31, tức là vẫn duy trì tục đốt vàng mã thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có biện pháp như thế nào?

img

- Tôi nghĩ, không phải không thực hiện được, mà có điều sẽ thực hiện được đến đâu. Có thực hiện triệt để được hay không. Còn việc các chư tôn đức tăng ni không thực hiện tốt công văn 31 thì cũng chỉ có thể nhắc nhở, cùng lắm đưa ra trước đại chúng, Trị sự nhắc nhở làm sao khuyên mang tính chất khuyến nghị để các vị hiểu rõ hơn, làm tốt hơn chứ không cứ theo phong tục, nấn ná thì không nên. Phật giáo thực ra không thể xử phạt. Phật giáo không có giáo quyền như các bên, không có việc bắt thôi trụ trì, hay không cho đi hạ… không làm cái đó được.

Khi gửi công văn 31 tới chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường, bên Giáo hội có cử Đoàn đến động viên các chư tăng, trụ trì?

- Giáo hội không cử Đoàn. Nhưng nếu đi cùng đoàn văn hoá thành lập thì có thể cử người đi cùng để cùng kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở các Chư tôn đức tăng ni cũng như người dân.

Vậy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị, phối kết hợp với Bộ VHTTDL để thực hiện tốt tuyên truyền bỏ tục đốt vàng mã hay chưa?

- Giáo hội Phật giáo chưa có công văn hay đề nghị với Bộ VHTTDL. Giáo hội mới chỉ có công văn riêng của Giáo hội nhắc nhở các vị sư địa phương thôi.

img

Giáo hội Phật giáo lên kế hoạch soạn thảo công văn này từ khi nào?

- Công văn này đã được Giáo hội Phật giáo soạn thảo từ mấy tháng trước và được thực bởi Ban Thường trực kết hợp với Ban văn hoá. Tại các phiên họp đại hội, Giáo hội Phật giáo đã nhìn thấy trước tình hình thực tế, đời sống tín ngưỡng của nhân dân như thế.

Nếu bây giờ tuyên truyền không đi đến đâu, Giáo hội có kế hoạch gì tiếp theo?

- Đúng như chị đã nói, nên có sự phối kết hợp liên ngành. Nên có văn bản liên ngành Văn hoá bao gồm Bộ VHTTDL, Hội đồng Giáo hội…cùng kết hợp ra thông tư, yêu cầu triển khai đồng bộ. Có như vậy việc thực hiện kết quả sẽ tốt hơn, sẽ khả thi hơn. Dần dần đi tới giảm thiểu, loại bỏ vàng mã. Theo tôi vẫn cần phải có một quá  trình từng bước giải quyết chứ không thể một sớm, một chiều được.

Xin cám ơn Hoà thượng Thích Gia Quang!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem