Trong không khí hàng vạn người dân và du khách thập phương đổ về khu vực phủ Thiên Trường (đền Trần, Nam Định) háo hức, chờ đợi xin ấn vào lúc 5h sáng ngày 15 tháng Giêng thì cảnh tượng bị cho là không đẹp từ đoàn đại biểu cầm lộc trước giờ phát ấn khiến sự chứng kiến của đông đảo người dân.
Khi hàng rào chốt an ninh thắt chặt, không người nào có thể bước qua hai vòng cửa an ninh đó, nhưng đoàn đại biểu từ trong phủ Thiên Trường đi ra. Không chỉ một mà rất nhiều đại biểu từ trong phủ Thiên Trường trên tay cầm trên tay lộc như: hoa trái, bánh kẹo...
Chia sẻ khi chứng kiến sự việc này, bà Hoàng Thị Dung (trú tại thôn Văn Mỹ, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, đoàn đại biểu đi ra hàng đoàn trên tay cầm lộc trong khi người dân chờ đợi được vào lễ là những hình ảnh không đẹp trong lễ hội Khai ấn, cho dù họ được phát lộc hay tự lấy lộc.
Còn ông Vương Văn Vượng (trú tại Vạn Phúc, Hà Nội) thì cho biết, đây là lần đầu tiên đi lễ đền Trần, dự lễ khai ấn và thấy rằng năm nay ban tổ chức đã làm rất thành công. Lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên ông Vượng cũng cho hay, hình ảnh hàng ngàn người dân đứng chờ tại hàng rào vào lễ sau khai ấn, trong khi đoàn đại biểu nối đuôi nhau tay cầm lộc thản nhiên đi ra thì đó là hình ảnh không đẹp, không hay của mùa lễ hội Khai ấn năm nay.
Trước tình trạng không ít người dân tỏ ra bức xúc, không hài lòng trước việc đại biểu được nhận lộc trước, PV Dân Việt đã trao đổi với bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Nam Định ngay sau lễ khai ấn. Bà Oanh cho biết: "Các đại biểu không tự lấy lộc mà thông thường sau khi các cụ làm lễ khai ấn xong, thì theo kế hoạch ban tổ chức là bao sái đồ thờ và các cụ chia lộc cho các đại biểu dự lộc, đấy là lệ nhiều năm của các cụ tại đền Trần".
Bà Oanh cho biết thêm: "Năm nay là năm thứ 6 thực hiện đề án tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần đã được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định phê duyệt. Năm sau bao giờ cũng tổ chức công tác tốt hơn năm trước và đặc biệt năm nay có thể nói rất thành công. Những tồn tại bức xúc của năm trước không còn xảy ra. Ví dụ như người dân chen chúc lấy lộc là không còn.
Điều chúng tôi băn khoăn xử lý là việc ném tiền lên kiệu ấn là hầu như không còn. Chúng tôi thực sự cảm ơn truyền thông, báo chí đã tuyên truyền cho lễ hội Xuân Mậu Tuất tỉnh Nam Định để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách thập phương khi về tham dự lễ. Thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong sinh hoạt lễ hội, không ném tiền lên kiệu, đặt tiền giọt giầu không đúng nơi quy định".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.