Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Bùi Thị Thơm chủ trì hội nghị cụm thi đua số 2 ở Hà Tĩnh
Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Bùi Thị Thơm chủ trì hội nghị cụm thi đua số 2 ở Hà Tĩnh
Tập Thỏa
Thứ sáu, ngày 21/06/2024 14:31 PM (GMT+7)
Ngày 21/6, tại Hà Tĩnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, cụm thi đua số 2. Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm chủ trì hội nghị.
Phong trào nông dân 6 tháng đầu năm nhiều kết quả nổi bật
Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Bùi Thị Thơm, Trưởng ban Chỉ đạo Cụm thi đua số 2, nhấn mạnh: "Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân tại các tỉnh, thành Hội trong 6 tháng đầu năm được chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới sáng tạo. Các tỉnh, thành Hội trong cụm đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân; kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa phương thức tuyên truyền truyền thống với phát huy vai trò của mạng xã hội; trong đó đã tổ chức 24.288 buổi tuyên truyền trực tiếp.
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội được quan tâm. 100% Hội Nông dân trong cụm đã kịp thời kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt, kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Hội Nông dân các cấp gắn với tổ chức rà soát hội viên và hướng dẫn thực hiện sắp xếp tổ chức Hội ở những địa phương sáp nhập địa giới hành chính theo quy định; trong 6 tháng đầu năm toàn Cụm đã kết nạp được 21.926 hội viên mới.
Công tác kiểm tra, giám sát đã được triển khai ngay từ những tháng đầu năm. Các tỉnh, thành Hội đã tổ 6.228 cuộc kiểm tra, giám sát ở các cấp Hội về việc thực hiện đường lối của Đảng, chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác triển khai các nhiệm vụ của Hội.
Công tác thi đua, khen thưởng được tích cực triển khai. Ngay từ đầu năm, các tỉnh, thành Hội đã phát động phong trào thi đua và tổ chức ký giao ước thi đua, đăng ký thi đua, đồng thời căn cứ vào kết quả thi đua, tham mưu, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, Bộ tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng....".
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được triển khai ngay từ những tháng đầu năm. Toàn cụm đã có 1.569.397 hộ nông dân đăng ký trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp gắn với đăng ký giúp đỡ hộ nghèo thông qua hỗ trợ vốn, giống, vật tư nông nghiệp, việc làm.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các hoạt động an sinh xã hội, toàn cụm đã vận động cán bộ, hội viên ủng hộ tiền, ngày công lao động, đất để xây dựng, tu bổ các công trình công cộng... với tổng số tiền trên 75.131 tỷ đồng và 146.932 ngày công. Tham gia thực hiện hiệu quả chương trình về an sinh xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo, hỗ trợ, thăm hỏi các gia đình chính sách và có hoàn cảnh khó khăn... với tổng giá trị khoảng 14.291,5 tỷ đồng.
Đối với hoạt động tập huấn, cung ứng dịch vụ và hỗ trợ nông dân, toàn cụm đã phối hợp tổ chức 1.720 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế, trao trên 18 tấn thuốc bảo vệ thực vật, giống các loại và kết nối, hỗ trợ tiêu thụ tấn nông sản cho nông dân.
Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tính đến thời điểm hiện tại, toàn cụm đã bồi dưỡng, giới thiệu hội viên nông dân ưu tú để các cấp ủy Đảng xem xét, kết nạp 394 người.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay của Hội Nông dân các tỉnh, thành
Với tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo Hội Nông dân 14 tỉnh, thành trong Cụm thi đua số 2 đã tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến sôi nổi. Ông Ngô Văn Huỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh cho biết: "Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh đã tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ nông dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh.
6 tháng đầu năm, Trung tâm đã trực tiếp kết nối tiêu thụ gần 70 tấn nông sản và trên 1.000 tấn phân bón các loại, phối hợp tổ chức 35 cuộc hội thảo, tư vấn, giới thiệu việc làm cho con em nông dân... Trung tâm đang tập trung đẩy mạnh một số hoạt động trọng tâm như: tư vấn, định hướng cho hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, nâng cao hiệu quả chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên toàn tỉnh... Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các đơn vị phối hợp ghi nhận, đánh giá cao".
Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội cho biết: "Hội Nông dân Thành phố đã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024 và đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; các huyện, thị Hội và cơ sở phát động cán bộ, hội viên nông dân tham gia trồng được trên 35.000 cây xanh bóng mát các loại; tổ chức gắn biển 146 hàng cây, đường hoa, vườn hoa nông dân; đăng ký xây dựng 80 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường năm 2024.
Phối hợp tham gia triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu về văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh thông qua các lớp truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân. Vận động 355.315 hộ nông dân tham gia đăng ký danh hiệu "Gia đình văn hoá", 331.342 hộ ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm".
Thành phố Hà Nội đã tổ chức được 2 hoạt động nổi bật trong 6 tháng đầu năm tổ chức Tuần hàng trưng bày hơn 1.000 sản phẩm nông sản chất lượng cao, thân thiện môi trường, sản phẩm OCOP; tổ chức các hoạt động trong chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân thành phố Hà Nội với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.
Đối với chương trình an sinh xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo, năm 2024, Hội Nông dân các cấp của TP.Hà Nội đã đăng ký trực tiếp và phối hợp xoá hộ nghèo và hộ cận nghèo cho 523 hộ; xây, sửa 18 ngôi nhà cho hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động chăm lo, tặng quà Tết cho nông dân với gần 4.000 suất quà trị giá trên 2 tỷ đồng; phối hợp tổ chức các chương trình "Chợ tết 0 đồng dành cho người có hoàn cảnh khó khăn"; tổ chức 2 đoàn công tác của Hội Nông dân Thành phố và các huyện, thị xã đi thăm, tặng quà và các đồ dùng thiết yếu cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Tuyên Quang, Bình Phước với tổng trị giá 165 triệu đồng.
Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết: "Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình trong 6 tháng đầu năm 2024 là tổ chức Hội thi chọi dê, một trong những hoạt động nổi bật trong Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2024 nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Ninh Bình.
Hội thi chọi dê cũng là dịp khuyến khích nông dân, hợp tác xã… chế biến các sản phẩm từ dê núi Ninh Bình gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lựa chọn giống dê. Đồng thời, học thêm kỹ thuật chăm sóc, huấn luyện, chế biến các sản phẩm từ dê Ninh Bình.
Ban tổ chức Hội chọi dê kỳ vọng sau hội thi, các địa phương, các hợp tác xã nuôi dê… quan tâm mở rộng thêm những sản phẩm du lịch mới mang đậm bản sắc của vùng đất di sản như: Hội chọi dê, hội đua dê, hội thi hoa hậu dê. Bên cạnh đó, thêm nhiều sản phẩm ẩm thực từ dê phục vụ du khách và nhân dân trong ngoài tỉnh.
9 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đề nghị các tỉnh, thành Hội bám sát nhiệm vụ năm 2024, tiếp tục nghiên cứu, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Trung ương Hội.
Tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, kịp thời triển khai, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên thực hiện chỉ tiêu bổ sung về cài đặt, kích hoạt, sử dụng nền tảng số nông dân Việt Nam để có giải pháp phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra. Đồng thời, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương và định hướng của Trung ương Hội để xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và phong trào nông dân năm 2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Kịp thời củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, đề xuất chế độ chính sách cán bộ Hội nhất là ở những địa phương sáp nhập đơn vị hành chính. Đổi mới nội dung, phương thức, hoạt động của Hội cho phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thực chất gắn với xây dựng, phát triển các câu lạc bộ nông dân; các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã để tập hợp, thu hút đông đảo nông dân vào tổ chức Hội.
Tổ chức phát động, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể"; gắn việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác với xây dựng chuỗi giá trị.
Có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và khai thác hiệu quả Trung tâm Hỗ trợ nông dân; tăng cường, chủ động tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân nhất là vốn, kiến thức, vật tư nông nghiệp, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm; chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng các sản phẩm OCOP; xây dựng các mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch.
Để hoạt động công tác Hội đạt hiệu quả cao, đồng chí Bùi Thị Thơm quán triệt: Cần đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân. Phổ biến rộng rãi để hội viên, nông dân ứng dụng App nông dân Việt Nam để lắng nghe ý kiến, phản ánh, kiến nghị tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đổi mới phương thức tập hợp hội viên nông dân. Chú trọng phát triển mạnh hệ thống chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, mở rộng đa dạng, linh hoạt các câu lạc bộ của nông dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tổ chức triển khai một số mô hình kinh tế tập thể làm điểm làm hình mẫu để cán bộ, hội viên nông dân tham quan, học tập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.