"Đột kích" tổng kho hành quyết chim trời!: Nhà hàng tàn sát chim trời mọc lên như nấm, thể hiện sự coi thường pháp luật
Lãng Quân - Văng Hoàng
Thứ hai, ngày 28/12/2020 10:30 AM (GMT+7)
Quy định luật pháp bảo vệ các loài chim trời rất nghiêm khắc, vấn đề còn lại chỉ là: “Chúng ta có muốn và có dám làm thật sự để bảo vệ chim trời hay không?”.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) trả lời phỏng vấn Dân Việt sau loạt bài điều tra xâm nhập các "hang ổ hành quyết chim trời" ở Việt Nam.
Quy định bảo vệ động vật rừng đã có từ năm 26 năm trước
Thưa bà, theo quy định luật pháp của Việt Nam hiện nay, các vi phạm buôn bán và tàng trữ kinh doanh chim hoang dã ở các nhà hàng như loạt bài Dân Việt phản ánh, họ sai ở những điểm nào? Chúng ta có thể xử lý triệt để được không?
Bà Bùi Thị Hà: Hoàn toàn có thể xử lý triệt để được chứ. Chỉ có điều, các cơ quan chức năng có đủ quyết tâm và dám làm hay không. Không thể nói rằng, những con vạc hoa thì trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm; trong khi con vạc chúng ta hay gặp bay trên trời, bị bắt bằng lưới cả trăm con một lúc lại không phải động vật rừng hoang dã. Bộ họ của nó là trong động vật rừng quý hiếm thì bản thân nó bay ở trên trời, sống ở trong rừng, phải là động vật rừng chứ! Động vật rừng thông thường là cấm săn bắt, bán buôn, giết thịt rồi. Quy định có đủ.
Đã có quy định rồi, từ lâu lắm rồi. Nguyên tắc là đối với động vật rừng thông thường là người tàng trữ, vận chuyển phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu không là sai.
Tôi nhấn mạnh, động vật rừng thông thường vẫn được bảo vệ từ trước đến giờ, ngay từ những quy định của Luật phát triển rừng năm 1994. Rồi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và cả Luật sửa đổi về Lâm nghiệp năm 2017, đều có nguyên tắc, cứ buôn bán trái phép các loài động vật rừng là bị xử lý.
"Chợ ảo" góp phần sát sinh chim hoang dã
Vậy, không lẽ các động vật có nguồn gốc từ rừng, các động vật không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc vật nuôi đều là hàng vi phạm khi buôn bán vận chuyển cả sao?
Bà Bùi Thị Hà: Tất nhiên, bây giờ phải lưu ý chi tiết này. Một số loài được công nhận là vật nuôi rồi, ví dụ như vịt trời được công nhận là vật nuôi và như thế đồng nghĩa với việc cũng như con vịt bình thường. Bây giờ, cơ bản là không phân biệt được vịt trời và vịt trời nuôi, vịt nhà trong xử lý nữa. Vì hoạt động nuôi vịt trời khá là phổ biến.
Nhưng chỉ duy nhất vịt trời thôi, còn tất cả các con khác le le, sâm cầm… đều theo nguyên tắc là phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Ai đó bảo, le le tôi nuôi được rồi thì xin đưa văn bản, cho biết cơ sở chăn nuôi ở đâu?
Vừa qua, chúng tôi có làm việc với các Chi cục kiểm lâm của 61/63 tỉnh thành của cả nước. Đã có danh sách các loài loài vật nuôi ở các địa phương, nhìn vào đó sẽ biết loài nào được nuôi, số lượng bao nhiêu và ở trang trại nào. Nếu buôn bán, vận chuyển, giết thịt chim hoang dã thông thường, mức phạt có thể lên đến 300 triệu đồng.
Nhà hàng chim trời mọc như nấm, thể hiện sự coi thường luật pháp
Trước đây chúng ta cũng có quy định bảo vệ động vật rừng thông thường, song người ta chưa ra quân xử lý thật sự quyết liệt. Giờ có Chỉ thị của Thủ tướng về chủ đề này, mọi việc có vẻ khác hơn?
Bà Bùi Thị Hà: Vừa qua, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị, trong đó chỉ đạo rất quyết liệt phải xử lý các cái tụ điểm buôn bán động vật hoang dã trái quy định của pháp luật. Lâu nay, đôi khi, chúng ta cũng chưa coi trọng xử lý để bảo vệ các loài động vật rừng thông thường. Cho nên việc săn bắt tràn lan, các nhà hàng tàn sát chim trời mọc lên như nấm.
Theo chúng tôi, tình trạng ấy diễn ra tràn lan và ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm, như Covid-19 bây giờ là một bài học hết sức đau lòng. Tình trạng buôn bán chim hoang dã diễn ra quá phức tạp đã cho thấy thái độ coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm. Đã đến lúc chúng ta cần phải có cơ chế mạnh mẽ để xử lý dứt điểm.
Chúng ta đều thấy tất cả những loài động vật hoang dã đều là thành tố chung của cái hệ sinh thái và các thành tố trên có sự tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Sự khai thác quá mức đối với một loài thì sẽ đồng thời ảnh hưởng đến rất nhiều loài khác, ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta.
Vì vậy chúng tôi rất hy vọng là các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, cùng ra quân xử lý nghiêm khắc, dứt điểm những vi phạm diện rộng và hết sức công khai, thể hiện sự coi thường pháp luật như loạt bài điều tra công phu mà Báo Dân Việt đã đăng tải. Bởi vì chỉ có làm như vậy chúng ta mới có thể răn đe, tiến tới phòng ngừa các đối tượng vi phạm tiếp theo.
Cảm giác của bà thế nào khi xem hình ảnh video và các phóng sự trên Dân Việt?
Bà Bùi Thị Hà: Các hình ảnh và video khiến những người làm bảo tồn như chúng tôi cảm thấy rất là đau lòng. Bởi chim trời bị tận diệt quá khốc liệt. Hàng năm cứ đến mùa chim di cư là chúng ta lại thấy hàng loạt báo đưa những hình ảnh đau xót về động vật hoang dã.
Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, ngoài việc vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến môi trường - sinh thái, thì việc săn bắt giết hại chim trời trên diện rộng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các dịch bệnh nguy hiểm cho con người. Ví dụ như chúng ta đã biết đến nhiều thông tin nghiên cứu khoa học chỉ ra các mối liên hệ giữa tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã trái phép và dịch bệnh Covid-19 hiện nay trên thế giới. Điều này đã và đang gây ra hậu quả nặng nề đối với tất cả quốc gia trên toàn thế giới.
Những điểm sáng thu bẫy, phá lưới, giải cứu chim hoang dã ở Việt Nam
Tình trạng "hành quyết chim trời" với các lò sát sinh lớn nhất Việt Nam kia đã gây ra một bức tranh u ám về bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, tôi thấy cũng có vài tỉnh làm khá tốt việc bảo vệ chim trời?
Bà Bùi Thị Hà: Tại một số các cái địa phương chúng tôi đã ghi nhận, cơ quan chức năng không chỉ nỗ lực xử lý các cái đối tượng buôn bán trái phép động vật rừng (như chim trời), mà họ còn làm rất tốt - có hẳn chỉ đạo hướng dẫn – công tác xử lý các hành vi bắt chim hoang dã.
Tại Thừa Thiên Huế, tại Thanh Hóa rồi Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi cũng ghi nhận các cuộc ra quân gỡ bẫy, phá lưới, đốt chim mồi (làm bằng xốp, nhựa), tịch thu súng và xử phạt các đối tượng sử dụng súng săn, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo tiền lệ có sức mạnh răn đe cho người dân.
Hiện nay, tràn lan các quảng cáo nhà hàng với thực đơn chim trời các loại, hệ thống nhà hàng "Chim To Dần" tràn khắp nhiều tỉnh thành. Các hội nhóm săn bắt và buôn bán, giết hại chim trời công khai. Nếu các hành vi trên là sai so với quy định luật, thì việc chúng ta để chúng tồn tại phổ biến và công khai, có nghĩa là chúng ta đã sai?.
Bà Bùi Thị Hà: Ngay trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tháng 7/2020, một trong những vấn đề mà Thủ tướng cũng yêu cầu quyết liệt là xử lý kiên quyết với các trường hợp buôn bán động vật hoang dã sử dụng các trang thông tin điện tử để quảng bá, giao dịch.
Nhưng việc xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã trên internet cũng không phải dễ. Song không khó đến mức chúng ta không thể làm được. Việc quảng cáo, mua bán "đồ rừng" tràn lan trên các trang mạng xã hội và internet nói chung như hiện nay là không thể chấp nhận được.
Nhìn đi nhìn lại các cái vấn đề liên quan đến động vật hoang dã như đã thấy, hiện nay, tựu trung là câu chuyện về các nỗ lực thực thi pháp luật. Chúng ta có thực sự mong muốn và đầu tư nhân tài vật lực để xử lý đến tận cùng hay không? Nếu chỉ xử lý ở mức phạt hành chính và mất một chút hàng, các đối tượng sẽ không hề sợ hãi và việc ra tay của chúng ta không hiệu quả được.
Vi phạm liên quan đến chim trời có thể bị xử tới 12 năm tù giam hoặc xử phạt 300 triệu đồng
Bà Bùi Thị Hà nhấn mạnh: Tôi cho rằng quy định pháp luật hiện nay ở lĩnh vực này đã đủ mạnh, đủ sức răn đe với các đối tượng vi phạm, nếu chúng ta áp dụng một cách triệt để luật. Bởi vì các hành vi vi phạm liên quan đến các loài động vật thông thường hoàn toàn có thể xử lý hình sự khung hình phạt lên đến 12 năm tù giam tùy theo giá trị tang vật; hoặc bị xử phạt hành chính lên đến 300 triệu đồng. Chế tài như thế là không hề nhẹ, rất nghiêm khắc rồi đấy.
Là người làm bảo tồn lâu năm, tham gia quản lý cả "đường dây nóng" hoạt động cả nước liên quan đến các vi phạm về động vật hoang dã ở Việt Nam, lại được đi đến nhiều quốc gia mà chim chóc sum vầy, xin hỏi, cảm giác của bà thế nào, khi chứng kiến những cảnh giết chóc chim trời như video điều tra chúng tôi vừa phản ánh?
Bà Bùi Thị Hà: Tôi cũng có cơ hội được ra các quốc gia khác trên thế giới, nhiều khi, buổi sáng mình thức giấc thấy con sóc chuyền cành trên cây và mình nghe thấy tiếng chim hót líu lo và mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Lúc đó tôi rất buồn nghĩ về thiên nhiên Việt Nam.
Thực sự cũng phải chia sẻ với nhà báo điều này. Đấy cũng là động lực cho những con người làm bảo tồn như chúng tôi hạ quyết tâm thêm trong việc đóng góp một phần nhỏ bé của mình nhằm bảo vệ và khôi phục sự đa dạng và vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã của Việt Nam. Gìn giữ cho các thế hệ tiếp theo.
Nghe thì rất là to tát nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu bằng cách không tiêu thụ, không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Chúng ta sẵn sàng thông báo các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã tới các cơ quan chức năng địa phương hoặc là đến đường dây nóng miễn phí 1800 1522 của ENV.
Chúng ta tuyên truyền điều này cho những người khác nữa. "Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", nhưng nhiều cánh én thì có thể.
Cảm ơn bà và ENV đã nỗ lực không mệt mỏi cho các giá trị nhân văn vì cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.