Dù chưa từng một lần thống kê song nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn tự hào với vô vàn câu chuyện kể về hàng trăm hàng nghìn con sông ông đã từng trải qua trong cuộc đời mình. Đó là những nơi ông đã từng khỏa mái chèo như dòng sông Lam, khí linh thiêng tụ hội, êm đềm như khúc hát sông Cầu và nhuộm màu hồng phù sa của dòng sông Cái...
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2011/images/2011-01-24/1436309631-baotet_64_nspho-duc-phuong.jpg) |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Song đó cũng có thể chỉ là những dòng sông trong tâm tưởng. Trong hơn 100 ca khúc của ông, bên cạnh những nhạc phẩm được dùng chính tên dòng sông để đặt tên cho bài hát như "Bên dòng sông Cái", "Lội dòng sông quê", "Sông Gianh 9 nhịp cầu"..., còn rất nhiều ca khúc khác như "Mái chèo thiên thu", "Về quê”, "Khúc hát phiêu ly"... đều là những dòng chảy cuồn cuộn, ăm ắp kỷ niệm, gieo vào lòng người nghe những cảm xúc sâu lắng. Mỗi tác phẩm đều ghi dấu một giai đoạn, một thời điểm thăng hoa của nghệ thuật.
Một trong những bài viết về sông đầu tiên và cũng là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là "Chảy đi sông ơi". Dòng sông chính là thời gian, tình yêu, cuộc sống, ôm chứa tất thảy những nỗi buồn, niềm vui, những kỷ niệm, những ước vọng, những điều đã nói, chưa nói và cả những điều muốn nói... Ngập tràn hình ảnh, dịu dàng mà sâu lắng khát khao được ùa vào lòng nước của con sông quê, thèm được cảm giác của đôi bàn tay mình dịu mát khi vốc nước sông lên để chắt lọc và cảm nhận những hạt phù sa...
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2011/images/2011-01-24/1436309631-baotet_64_nspho-duc-phuong1--20song-que.jpg) |
Thượng nguồn sông Mã. Ảnh: Hoài Linh |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trải lòng mình rằng nếu "Chảy đi sông ơi" là tiếng lòng tức tưởi, của người còn đang đau đáu vì yêu thương thì "Mái chèo thiên thu" chính là tâm niệm, là lòng thành kính của tác giả trước một vùng đất anh linh của dân tộc.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng sở dĩ ca khúc của ông không chỉ êm đềm, phẳng lặng mà luôn biến đổi khi khoan khi nhặt bởi trong mỗi nốt nhạc, một đài từ đều mang đậm tính kịch, thành quả của quãng thời gian hơn 10 năm ông cống hiến tận tụy cho ngành sân khấu. Cái thời của "bộ tứ" đã từng “khuynh đảo” sân khấu kịch của những năm 80 thế kỷ trước, gồm nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, hoạ sĩ Đỗ Doãn Châu và nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Ông viết Ngược dòng sông Lam, mái chèo bàng hoàng/Nước trời như the như lụa/Ngược dòng sông Lam để biết răng là trong là đục/Biết răng là sâu hay cạn, là mờ hay tỏ/Sông Lam, sông Lam ơi sông Lam…
Nhạc sĩ An Thuyên, người con của vùng đất này khi nghe"Mái chèo thiên thu" đã thốt lên rằng thật kỳ lạ! Dòng sông ấy đã khiến bao tao nhân, mặc khách phải tức cảnh, sinh tình thế nhưng với "Mái chèo thiên thu" của Phó Đức Phương, sông Lam hiện ra đẹp tới lạ lùng, vừa hư hư, thực thực, da diết, chứa chan cảm xúc.
Nhạc sĩ từng tâm sự, "giữa những phù phiếm của nghệ thuật, tôi muốn âm nhạc đạt được sự giản dị và đại chúng". Cũng giống như chính dòng sông trong ca khúc của ông, không phải lúc nào cũng êm đềm chảy về xuôi với dòng sông cổ tích mà ẩn chứa biết bao tâm sự, bao khát khao, hoài bão.
Dòng chảy ấy đôi lúc chỉ là những khe nguồn róc rách, len lỏi trên những triền đá, lúc ào ạt đổ về xuôi ôm ấp bến bờ xứ lạ rồi cuộn mình trở về với biển lớn. Sông hiến mình tất cả/Đời sông không hề tiếc vơi đầy…
Mai An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.