Thái sư Lưu Cơ và nhà thơ Phạm Tiến Duật chính thức được đặt tên phố tại Hà Nội

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 21/10/2023 14:40 PM (GMT+7)
Sáng nay (21/10), UBND quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức lễ gắn tên 4 tuyến phố mới gồm: phố Lưu Cơ, phố Nguyễn Duy Thì, phố Dương Văn An thuộc phường Xuân Tảo; phố Phạm Tiến Duật thuộc phường Cổ Nhuế.
Bình luận 0

Nhân dịp này, Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam cũng phối hợp với quận Bắc Từ Liêm và phường Xuân Tảo tổ chức một số hoạt động văn hóa để tôn vinh, tưởng niệm Thái sư Đô hộ phủ, Sĩ sư Lưu Cơ - một danh nhân của dòng họ và cũng là một danh nhân của đất nước thời nhà Đinh.

Thái sư Lưu Cơ và nhà thơ Phạm Tiến Duật chính thức được đặt tên phố tại Hà Nội - Ảnh 1.

Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm, đại diện Hội đồng Lưu tộc Việt Nam thực hiện các nghi thức gắn biển tuyến phố Lưu Cơ. Ảnh: YK

Phát biểu tại sự kiện này, Tiến sĩ Lưu Văn Thành – Đại diện Hội đồng Lưu tộc Việt Nam nhấn mạnh: "Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Thái sư Lưu Cơ đã có những đóng góp to lớn đối với lịch sử dân tộc. Tài năng, đức độ và công trạng của ngài đã được người dân Việt Nam các thế hệ ghi nhận, tôn vinh qua hệ thống di tích thờ tự... Ở Hà Nội, ngoài dấu tích tại Hoàng thành Thăng Long, Thái sư Lưu Cơ còn được thờ tại đình Bát Tràng, huyện Gia Lâm và đình - đền Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai. Tại Hưng Yên, ngài được thờ tại đình Đại Từ, xã Đại Đồng bởi vì ngài đã trực tiếp bình định sứ quân Lý Khuê năm 967-968 và ban phát đất quan điền cho dân làng. Tại trung tâm thành phố Ninh Bình, tuyến đường chính đã mang tên Lưu Cơ.

Năm 2014, nhân dịp tưởng niệm 1.000 năm huý nhật danh nhân Lưu Cơ, Đài Truyền hình Việt Nam đã dựng phim danh nhân đất Việt "Thái sư Lưu Cơ người trao chìa khoá thành Thăng Long cho Lý Công Uẩn". Ngài Lưu Cơ là một trong Phó tướng của Đinh Bộ Lĩnh trong phim lịch sử nhiều tập "Đinh Tiên Hoàng Đế".

Thái sư Lưu Cơ và nhà thơ Phạm Tiến Duật chính thức được đặt tên phố tại Hà Nội - Ảnh 2.

Tiến sĩ Lưu Văn Thành – Đại diện Hội đồng Lưu tộc Việt Nam phát biểu tại lễ gắn biển tên phố Lưu Cơ. Ảnh: YK

Hôm nay, dòng họ Lưu Việt Nam chúng tôi rất cảm động và tự hào được chứng kiến TP. Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm tổ chức trang trọng Lễ công bố Quyết định và gắn biển tên phố mới, trong đó có phố Lưu Cơ thuộc phường Xuân Tảo, Khu đô thị Ngoại giao đoàn. Bên phải phố Lưu Cơ là những lô đất rất lớn dành cho xây dựng các cao ốc đồ sộ của cơ quan hành chính mới của Hà Nội. Sự kiện này vô cùng ý nghĩa với mốc thời gian trên 1.050 năm về trước Thái sư Lưu Cơ đã cai quản thành Đại La.

Lễ gắn biển phố Lưu Cơ hôm nay là sự kiện đầu tiên xuất phát từ kết quả của Hội thảo về Thái sư Lưu Cơ sẽ là tiền đề và kinh nghiệm cho đặt tên Lưu Cơ cho các đường phố và công trình văn hoá, giáo dục ở các tỉnh, thành phố khác. Và với Hà Nội, chúng tôi mong muốn sớm có hình thức phù hợp ghi nhận dấu tích của Đức Lưu Cơ tại Hoàng thành Thăng Long".

Theo lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên 4 tuyến phố gồm: Phố Nguyễn Duy Thì, Phố Lưu Cơ, Dương Văn An, Phạm Tiến Duật.

Thái sư Lưu Cơ và nhà thơ Phạm Tiến Duật chính thức được đặt tên phố tại Hà Nội - Ảnh 3.

Phố Lưu Cơ cắt ngang với đường Hoàng Minh Thảo, thuộc phường Xuân Tảo. Ảnh: YK

Những tuyến phố được đặt tên đã giúp Quận thực hiện tốt hơn công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá của mảnh đất Từ Liêm anh hùng, cũng như thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân.

Ngoài các ý nghĩa mang tính lịch sử văn hóa, giao dịch hành chính thì việc đặt tên đường phố còn là minh chứng cho kết quả phát triển đô thị hóa, phát triển hạ tầng giao thông, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của từng quận, huyện trên địa bàn Thành phố, trong đó có quận Bắc Từ Liêm.

Tính đến nay, quận Bắc Từ Liêm có tổng số 76 tuyến đường, phố được đặt tên gồm: 39 tên phố, 37 tên đường - 24 tên danh nhân, 52 tên địa danh

Theo báo cáo tóm tắt được công bố trong lễ gắn biển tên đường, phố trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm thì ở thế kỷ thứ X, Thái sư Lưu Cơ đã cùng các bậc tiền nhân như: Nguyễn Bặc, Lê Hoàn, Đinh Điền, Trịnh Tú, Phạm Hạp... phò tá Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân, xưng đế là Đinh Tiên Hoàng, lập nước Đại Cồ Việt - nhà nước tập quyền độc lập, tự chủ đầu tiên của Việt Nam vào năm 968.

Thái sư Lưu Cơ và nhà thơ Phạm Tiến Duật chính thức được đặt tên phố tại Hà Nội - Ảnh 5.

Người dân đi dạo trên phố Lưu Cơ sau khi phố chính thức được đặt tên. Ảnh: YK

Bên cạnh đó, ngài đã cải tạo thành Đại La từ một toà thành chầu về phương Bắc trở thành một toà thành của nước Đại Việt xoay hẳn hướng về Nam, tức là về kinh đô Hoa Lư, cũng là hướng chiến lược phát triển đất nước mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngài cũng đã phát triển thành Đại La đủ điều kiện cho vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010. Ngài còn có công huy động sức người sức của của Giao Châu cũ (tức Bắc Bộ ngày nay) - vùng đất giàu có nhất lúc bấy giờ củng cố cho Kinh đô Hoa Lư và cho vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981. 

Phố Lưu Cơ cắt ngang đường Hoàng Minh Thảo thuộc phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm

Danh nhân Nguyễn Duy Thì sinh ra tại làng Hợp Lễ, xã An Lãng phủ Tam Đới, gọi là làng Kẻ Láng xưa, nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhân dân thường gọi ngài là ông "Quan Thượng Láng". Khi mới 27 tuổi, vào năm Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng thứ 21 (1598) đời vua Lê Thế Tông, ngài thi đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ (tức Hoàng Giáp). 

Với hơn 50 năm làm quan dưới thời Lê Trung Hưng. Bằng học vấn, trí tuệ uyên bác, tấm lòng lấy dân làm gốc, ngài đã cống hiến tài năng trên các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, chính trị, văn hóa giáo dục của dân tộc từ cuối thế kỉ XVI và kéo dài trong suốt nửa đầu thế kỉ XVII.

Danh nhân Dương Văn An (tự là Tĩnh Phủ), quê ở làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cụ đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi - 1547, sau đó, được triều đình nhà Mạc bổ nhiệm làm quan, giữ các chức: Lại khoa Đô cấp sự trung (tước Sùng Nham bá), Tả thị lang bộ Lại rồi Thượng thư, tước Sùng Nham hầu. Năm Tân Mão (1591), khi cụ mât được tặng tước Tuấn Quốc công.

Thái sư Lưu Cơ và nhà thơ Phạm Tiến Duật chính thức được đặt tên phố tại Hà Nội - Ảnh 7.

Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cùng gia đình thực hiện nghi thức gắn biển tuyến phố Phạm Tiến Duật. Ảnh: Trần Thảo

Nhà thơ Phạm Tiến Duật quê gốc Phú Thọ. Ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng viết về chiến tranh và người lính. Sinh thời, ông được ca tụng là "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", "cây săng lẻ của rừng già", "nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ". Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là "có sức mạnh của một sư đoàn"… Ông từng làm Phó trưởng Ban Đối ngoại - Hội Nhà văn Việt Nam và TBT Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012. Tháng 11/2007, ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem