Không hiểu về an toàn
Vừa đưa mẻ cá đuối, cá nhụ cập bờ sau một đêm thức trắng, ngư dân Nguyễn Văn Chung (52 tuổi) trú xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) tâm sự: Dân làng chài được ví như cú vọ vì phải thường xuyên thức đêm ra biển đánh bắt cá, sống nay chết mai không biết. “Từ lâu lắm rồi chúng tôi không được tập huấn gì, cũng có nghe nói qua nhưng không hiểu an toàn lao động là gì. Khi đối mặt với bão tố, ngư dân vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để tự cứu lấy mình” - anh Chung cho biết.
Ông Nguyễn Văn Chung (52 tuổi) trú tại xóm 3, xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) phấn khởi khoe mẻ cá bắt được sau một đêm thức trắng. Ảnh: Mỵ Lương
Để tự cứu mình, mỗi năm gia đình ông Chung đã bỏ ra 650.000 đồng/người/năm (gần 2 triệu đồng/3 người) để mua bảo hiểm rủi do phòng tránh sự cố xảy ra. Nhưng đó là đảm bảo “bằng tiền”, còn việc bảo vệ mình hàng ngày khi đi biển lại không được chú trọng. Hiện vẫn còn rất nhiều thuyền ra biển không có cả phao cứu hộ. Hầu hết các thuyền đều cũ kỹ, thiếu khá nhiều thiết bị bảo hộ lao động như: Phao bơi, bộ đàm, thuốc men… Vì thiếu thốn phương tiện nên những chuyến đi biển các ngư dân thường dựa vào kinh nghiệm để quan sát.
Nhớ lại lần đối mặt với bão lớn vào năm 1983, ông Chung vẫn còn run: “Khi gió lốc bất ngờ ập đến, cả gia đình mỗi người ôm chặt một chiếc can nhựa rồi nhảy xuống biển. Chiếc can trôi đến đâu người bám theo đến đó, rồi may mắn chúng tôi gặp được tàu cứu hộ. Sợ nhất là gặp nạn vào mùa đông bởi rơi xuống nước có thể bị chết cóng” – ông Chung nói.
Tương tự gia đình ông Chung, gia đình ông Trần Văn Tấn (44 tuổi), trú tại khu 8, phường Hà Phong (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) cũng rất lo lắng cho những ngày tháng lênh đênh trên biển, đặc biệt khi có bão bất ngờ ập đến. Ông Tấn trầm ngâm nói: “Bị ốm là điều không thể tránh khỏi đối với ngư dân trên biển, tuy nhiên, đến nay thuốc mang theo ra biển cũng chỉ là loại thuốc cảm cúm do gia đình tự trang bị. Trường hợp ốm nặng sẽ được di chuyển vào bờ để điều trị, nhưng cũng có trường hợp, các ngư dân bị tai nạn nặng gãy tay, chảy máu, cần cấp cứu nhưng không đủ thuốc men, dụng cụ. Nhiều ca chuyển cấp cứu không kịp, chỉ còn biết cầu trời, khấn Phật”.
Chưa được tập huấn
"Công việc đánh bắt cá trên biển rất vất vả. Trên tàu, với không gian chật hẹp, gò bó, lại phải làm việc liên tục, nên các ngư dân thường bị các bệnh về mắt, nhức mỏi, tê thấp, đau xương khớp, ho hen và ức chế tâm lý”.
Bác sĩ Trần Văn Hùng (Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
|
Không riêng Quảng Ninh, nhiều làng chài, ngư dân bám biển vươn khơi ở các tỉnh khác cũng phải đối mặt nguy hiểm từng ngày nhưng chưa có một chương trình tập huấn liên quan tới an toàn lao động nào cho ngư dân.
Ông Tăng Văn Phiến - Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long cho biết, hiện nay HTX mới chỉ có những lớp đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, trang bị kỹ thuật phòng tránh sự cố xảy ra cho những thành viên tham gia dịch vụ du lịch chèo thuyền. Riêng các lớp tập huấn an toàn lao động, phòng tránh tai nạn lao động, phòng cháy chữa cháy cho ngư dân vùng làng chài thì chưa có. “Điều thiệt thòi hơn cả là đối với những ngư dân hiện nay vẫn lênh đênh trên biển khi chưa nhận được sự hỗ trợ gì để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của họ. Những sự cố khi xảy ra chỉ được khắc phục bằng khả năng, kinh nghiệm của người đi biển vốn có” – ông Phiến thừa nhận.
Trước đó, vào tháng 9.2015 gần chục thuyền viên trên chiếc tàu đánh cá tại Côn Đảo đã gặp nạn và tử vong trong một tai nạn lao động. Chiếc tàu đánh cá này đã trang bị nhiều bình gas để đun nấu, nhưng bình gas không an toàn nên đã phát nổ. Trong khi đó, các thiết bị cứu hộ như phao, dụng cụ chữa cháy trên tàu lại không có. Ông Nguyễn Thành Tâm – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Quảng Ninh cho rằng: “Nguyên nhân một phần do người dân chủ quan, không kiểm tra các thiết bị bảo hộ trước khi ra khơi, cũng chưa được tập huấn về an toàn lao động. Phần khác do các cơ quan quản lý chưa có những biện pháp kiểm tra xử lý các tàu cá vi phạm an toàn lao động trước khi ra khơi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.