Cay đắng phận thuyền viên - Bài cuối: Tuyển lao động nghiêm ngặt hơn

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ tư, ngày 04/11/2015 06:38 AM (GMT+7)
Năm 2005, vì tình trạng bỏ trốn của thuyền viên mà Việt Nam đã mất thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Đài Loan. Ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) khẳng định, lao động bỏ trốn vì thiếu ý thức, cần đào tạo, nâng cao ý thức của lao động, tránh để thuyền viên ảo tưởng về công việc.
Bình luận 0

Ông Tống Hải Nam cho biết: Hàng năm Việt Nam đưa được gần 4.000 thuyền viên đi làm việc tàu cá ở 4 thị trường chính là: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hawaii. Số lượng thuyền viên này chiếm tỷ lệ không nhiều trong số lao động của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm.

img

Lớp đào tạo thuyền viên gần bờ đi làm việc cho tàu cá Đài Loan của Công ty LOD (tháng 7.2015).  Ảnh: Nguyệt Tạ

Riêng với thị trường Hàn Quốc, năm 2014 chúng ta đưa được 1.200 lao động đi làm việc trên tàu cá gần bờ. Thuyền viên Việt Nam đi làm việc biển xa chủ yếu trên tàu cá của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, với khoảng 2.000 lao động.

Tiền lương và chế độ của các thuyền viên khi  làm việc trên các tàu cá nước ngoài thế nào, thưa ông?

- Trước đây, mức lương với tàu cá xa bờ chỉ dao động từ 180-210USD/tháng đối với những thuyền viên chưa có kinh nghiệm (lần đầu đi đánh bắt cho các tàu cá nước ngoài). Tuy nhiên, nếu lao động có kinh nghiệm thì mức lương sẽ cao hơn, khoảng 270-280 USD/tháng. Gần đây do nhu cầu thuyền viên nghề cá tương đối cao, khả năng đàm phán lương cũng cao hơn.

Hiện nay mức lương thuyền viên đi làm trên tàu cá xa bờ của Hàn Quốc và Đài Loan đã cao hơn. Với những lao động không có kinh nghiệm, mức lương khoảng 450USD/tháng (hơn 9 triệu đồng). Còn đối với thuyền viên có kinh nghiệm có thể  đạt 900-1.000 USD/tháng (khoảng 20 triệu đồng), chưa kể tiền thưởng.

Ngoài chế độ tiền lương, lao động còn được đóng BHXH, trợ cấp mất việc làm và được thưởng nếu năng suất đánh bắt cao.

Liên tục trong thời gian dài, tình trạng lao động thuyền viên của Việt Nam bị mất tích, hoặc nhảy trốn diễn ra khá nhiều. Cục có xác định nguyên nhân chủ yếu vì sao?

- Nếu chúng ta không tìm được các thuyền viên sẽ rất khó để kết luận vì sao thuyền viên mất tích. Có thể có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, qua một số vụ thuyền viên mất tích, các công ty làm việc với thuyền viên và chủ tàu thì thấy rằng, nhiều người trong số họ đã lập kế hoạch từ trước để nhảy xuống biển. Thông thường các vụ nhảy tàu diễn ra vào buổi tối, ở vùng biển nông, gần bờ để tránh sự phát hiện của các tàu tuần hành của lực lượng chức năng nước sở tại.

Vì khả năng bơi của thuyền viên Việt Nam rất tốt, nên việc thuyền viên vượt 10-12km là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không may mắn, trong lúc nhảy tàu bỏ trốn, gặp bão, sóng to, gió lớn nên thuyền viên đã tử nạn. Vụ việc 7 thuyền viên mất tích năm 2014 là một vụ tương tự như vậy.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến các thuyền viên bỏ trốn là do công việc vất vả, lương thấp, không được đào tạo kỹ lưỡng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

-Tôi có thể khẳng định hầu hết các thuyền viên khi được tuyển dụng, ngoài tay nghề, sức khỏe thì lao động cũng được phía doanh nghiệp tuyển dụng cung cấp các thông tin về luật pháp, nơi làm việc, chế độ đãi ngộ, lương, thưởng… cũng như quyền và trách nhiệm của lao động khi xuống tàu. Như vậy có thể nói là họ có đầy đủ các kiến thức, biết rõ việc, rõ thu nhập trước khi lên tàu chứ không phải “bị lừa” nên “vỡ mộng”. Không thể kết luận là vì điều kiện kém, bị đối xử tồi tệ, hay lương thấp mà khẳng định đó là nguyên nhân khiến họ bỏ trốn.

Về phía Cục đã có những chỉ đạo tăng cường quản lý như thế nào, phối hợp gì với phía công ty để giải quyết tình trạng này?

"Có thể nói là các thuyền viên có đầy đủ các kiến thức, biết rõ việc, rõ thu nhập trước khi lên tàu chứ không phải “bị lừa” nên “vỡ mộng”. Không thể kết luận là vì điều kiện kém, bị đối xử tồi tệ, hay lương thấp mà khẳng định đó là nguyên nhân khiến họ bỏ trốn”.

Ông Tống Hải Nam

- Hiện nay Cục Quản lý lao động ngoài nước, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cũng đã phối hợp, chỉ đạo các công ty tuyển dụng, tuyển chọn lao động nghiêm ngặt. Không tuyển chọn lao động có người thân từng đi XKLĐ bỏ trốn, không về nước khi hết hạn, hoặc bản thân thuyền viên đã vi phạm hợp đồng.

Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp, công ty môi giới nước ngoài thực hiện đúng điều kiện ký trong hợp đồng. Tuyệt đối không cung ứng thuyền viên cho các chủ tàu đánh cá bất hợp pháp, các chủ tàu đối xử không công bằng, hay đánh đập thuyền viên Việt Nam, hoặc tàu ở những nước có nguy cơ thuyền viên bỏ trốn cao. Đồng thời yêu cầu chủ tàu, gia đình cung cấp thông tin về tình hình làm việc của thuyền viên, để sẵn sàng giải quyết các phát sinh nếu có. Thực hiện việc ký quỹ với  thuyền viên trước khi đi XKLĐ...

Sau 15 năm ngừng tiếp nhận thuyền viên, giờ đây Đài Loan đã mở cửa trở lại. Ông đánh giá thế nào về triển vọng xuất khẩu thuyền viên ở thị trường Đài Loan và các thị trường khác?

- Vừa rồi, sau hội nghị Bộ trưởng Việt Nam – Đài Loan, phía bạn đã đồng ý tiếp nhận lại 2 loại lao động là thuyền viên nghề cá biển gần và lao động giúp việc. Đây là cơ hội lớn để lao động Việt Nam có cơ hội quay lại thị trường. Tuy nhiên, mọi hoạt động mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm cho một số doanh nghiệp thực hiện. Lần này chúng ta sẽ phải làm thận trọng, vừa làm vừa thăm dò xem tín hiệu từ thị trường bạn thế nào. Nếu môi trường làm việc tốt, mức lương cao, chế độ phúc lợi ổn thì sang năm chúng ta sẽ làm việc để nâng số thuyền viên sang làm việc.

Ngoài thị trường Đài Loan thì Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là hai thị trường có nhu cầu tiếp nhận thuyền viên nghề cá cao mà chúng ta hướng tới.

Xin cảm ơn ông!

Địa phương rất khó xử lý dứt điểm

Thời gian qua rất nhiều người ở Hà Tĩnh đi xuất khẩu lao động làm thuyền viên sau đó tìm cách bỏ trốn, bất chấp tính mạng bị đe dọa. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Đình Tương - Phó phòng LĐTBXH huyện Kỳ Anh (địa phương có nhiều lao động thuyền viên nhảy tàu bỏ trốn) cho biết: Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua huyện đã làm công văn gửi trực tiếp về từng xã, đến từng gia đình có lao động bỏ trốn tiến hành xử phạt. Tuy nhiên rất khó chấm dứt được tình trạng này, bởi hiện nay lao động là thuyền viên trên tàu Đài Loan mức phí đi thấp, chỉ vài chục triệu đồng, trong đó tiền cọc chống bỏ trốn là quá nhỏ, khoảng 5-7 triệu đồng/người... Còn ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho hay: Đối với lao động làm thuyền viên, trước khi đi ít được đào tạo, nhưng để kiểm tra xử lý các đơn vị xuất khẩu lao động rất khó vì họ không qua chính quyền địa phương mà qua môi giới ra thẳng công ty ở Hà Nội. Tới đây huyện sẽ rà soát siết chặt các công ty, đơn vị môi giới xuất khẩu lao động trên địa bàn.

Hữu Anh

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tăng thẩm tra các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài

Theo tôi, phía cơ quan quản lý địa phương và trung ương phải cập nhật các thông tin về thị trường lao động để người lao động nắm, biết được thực trạng để lựa chọn được những thị trường phù hợp với tay nghề, năng lực, trình độ, mức thu nhập. Ngoài ra, người lao động phải chủ động nghiên cứu, lựa chọn các công ty uy tín, có đủ năng lực XKLĐ mới nên đi. Không nên cố tình nghe theo “cò mồi” để rồi “tiền mất tật mang”. Đặc biệt, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần có những thẩm tra cẩn thận đối với các doanh nghiệp đưa thuyền viên đi XKLĐ. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định cẩn thận về chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc, mức lương... của thuyền viên trước khi đưa họ đi XKLĐ.        

                                                                 Nguyệt Tạ (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem