Cay đắng phận thuyền viên - Bài 1: Đánh cược với biển khơi

Hữu Anh Thứ ba, ngày 03/11/2015 06:39 AM (GMT+7)
Mỗi năm Việt Nam có gần 4.000 thuyền viên đi xuất khẩu lao động, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều gia đình nghèo. Nhưng đằng sau khoảng sáng đó vẫn là nhiều nỗi vất vả khiến cho không ít thuyền viên liều mình nhảy xuống biển, bất chấp rủi ro sống - chết.
Bình luận 0

Một ngày làm việc của các thuyền viên từ 16-20 tiếng, họ bị cưỡng bức lao động, thậm chí bị đánh đập tàn nhẫn…  

Trở thành “nô lệ” thời hiện đại

Câu chuyện 2 thuyền viên đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Đài Loan bị mất tích trên vùng biển Nhật Bản (hôm 8.10.2015) đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân làng biển ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

img

Ông Thiều Đức Lĩnh rẫu rĩ bên bàn thờ con trai Thiều Sinh Song.   Ảnh:   Hữu Anh

Chị Nguyễn Thị Tâm (25 tuổi, vợ của thuyền viên Nguyễn Đình Ngà) ở xã Kỳ Khang, Kỳ Anh bế đứa con chưa đầy tuổi mếu máo: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đầu tháng 4.2015, vợ chồng tôi lên ngân hàng vay 20 triệu đồng làm hồ sơ cho chồng đi  XKLĐ sang Đài Loan. Trước khi lên tàu cá làm việc anh Ngà có gọi điện thoại về nhà một lần, đến nay hơn 6 tháng rồi tin tức cũng không có huống chi là tiền gửi về. Mấy tuần trước, tôi nhận được tin chồng nhảy tàu mất tích chưa biết sống chết thế nào. Anh ấy có mệnh hệ gì mẹ con tôi biết sống làm sao”. Theo hợp đồng, tiền lương của anh Ngà mỗi tháng được 500USD (khoảng hơn 10 triệu đồng), 3 tháng đầu công ty giữ lương làm tiền đặt cọc. Tuy nhiên, từ ngày anh đi tới giờ chị vẫn chưa nhận được một đồng tiền lương nào của chồng.

Đi XKLĐ để "đổi đời" là ước mơ của biết bao người, nhưng thực sự họ có thể đổi đời, có được cuộc sống đầy đủ khi phải cược mạng sống của mình lênh đênh trên biển? Câu chuyện của anh Thiều Sinh Núi (SN 1990) ở xã Kỳ Khang chia sẻ sau nhiều lần may mắn “sống sót” trở về khiến PV NTNN không khỏi rùng mình.

Núi kể, cũng như nhiều thanh niên trong làng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học xong cấp hai, anh đành vào Nam làm thuê nhưng tiền công không đủ sống. Đầu năm 2015, anh về quê bàn với bố mẹ thế chấp đất vườn vay 20 triệu đồng lên thị xã Kỳ Anh làm hồ sơ đi XKLĐ sang Đài Loan.

Sang đến Đài Loan anh được chủ lao động đưa lên tàu chuyên đi vây cá ngừ, chủ yếu đánh ở vùng biển Papua New Guinea, với mức lương 400USD/tháng (khoảng hơn 8 triệu đồng). Mỗi tháng tàu cá chỉ cập bờ 1 lần để bốc hàng, còn lại chủ yếu lênh đênh trên biển.

Anh Núi nói: “Cả tàu có 60 thuyền viên chủ yếu đến từ Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, thường phải làm việc quần quật hơn 19 tiếng/ngày, thời gian ngủ chỉ được vài tiếng, còn ăn uống mỗi lần không quá 10 phút” .

Không chỉ làm việc khổ cực, không có thời gian nghỉ ngơi, thuyền viên còn thường xuyên bị những trận đòn chí tử từ ông chủ và 2 cai tàu người Trung Quốc. “Có hôm 2 thuyền viên Ấn Độ bị cảm nhưng vẫn bị chủ tàu bắt làm việc. Hai anh này tỏ thái độ phản ứng liền bị cai tàu đánh nhừ tử, định vứt xuống biển,  rất may các thuyền viên trên tàu can thiệp kịp thời nên thoát chết” - anh Núi kể. 

Cũng theo thuyền viên Núi, nhiều lao động làm việc trên tàu cá luôn bị ám ảnh bởi những trận đòn roi. Tuy nhiên, do đi qua các công ty môi giới nên không biết kêu ai. Quá khổ cực nên mỗi khi tàu cập bến, mặc dù chưa hết thời hạn hợp đồng, nhưng các thuyền viên đều tìm cách trốn lên bờ hay bỏ về nhà. Riêng trường hợp anh Núi sau khi “bỏ của chạy lấy người” trốn về chưa nhận được tiền lương trước đó và tiền đặt cọc 5 triệu đồng cũng mất luôn.

Chết trên đường trốn chạy

"  Các chủ tàu đều giao việc giám sát cho các cai tàu. Họ theo sát các lao động, ép buộc làm việc, có lúc do làm việc nhiều giờ nên thuyền viên mệt mỏi, ngồi xuống nghỉ là bị các cai tàu đánh tới tấp. Khổ nhất là mỗi lần bị cảm hay ốm chỉ được vài viên thuốc nhưng vẫn bị chủ tàu bắt làm việc” .
 Thiều Sinh Núi

Ông Thiều Đức Lĩnh và bà Nguyễn Thị Hạp ở thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh vẫn chưa hết đớn đau khi đứa con trai út Thiều Sinh Song (SN 1996), niềm hy vọng của vợ chồng ông bà đã ra đi mãi mãi.  Ngồi bên bàn thờ con, ông Lĩnh rầu rĩ: “Ở quê không có việc gì để làm, vợ chồng tôi thế chấp căn nhà vay 17 triệu đồng cho con đi XKLĐ trên tàu cá Đài Loan. Đi chưa được bao lâu thì gia đình nhận tin dữ cháu Song là 1 trong 6 thuyền viên đã nhảy khỏi tàu cá Đài Loan xuống vùng biển Hokkaido, Nhật Bản vào tối 11.10.2014. Cháu đã tử vong. Mong ước của bố mẹ là con cái đi XKLĐ dành dụm chút vốn về quê làm ăn, ai ngờ ngày đón con về chỉ là nắm tro tàn trong tiểu sành lạnh lẽo”.

Hơn 10 năm trở lại đây tại các vùng quê ở Hà Tĩnh, đặc biệt là các huyện ven biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, không năm nào không có các tin dữ về thuyền viên mất tích trên vùng biển xứ người.

Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Đình Tương - Phó phòng LĐTBXH huyện Kỳ Anh cho hay: Thống kê mới nhất đến thời điểm này cả huyện có 8.269 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó chỉ có 4.306 người có hợp đồng, còn lại chủ yếu đi chui, đi theo đường du lịch… Riêng các lao động đi xuất khẩu làm thuyền viên ở Đài Loan hay Hàn Quốc đều có hợp đồng, chi phí đi thấp nhưng do công việc nặng nhọc lại không được đào tạo bài bản, nên khi gặp rủi ro họ càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, không chỉ một số thị trường lương thấp, lao động vất vả, lao động mới liều mình nhảy tàu bỏ trốn khi có cơ hội, Hà Tĩnh còn có trên 15.000 lao động tại nhiều nước hết hợp đồng không về nước. Các lao động này sống hay chết, đang làm gì ở nước bạn, gia đình cũng giấu, không rõ thông tin. 

Bỏ trốn vì quá vất vả

Nguyên nhân thuyền viên thường bỏ trốn là bởi công việc quá vất vả, mức lương của nghề thuyền viên lại thấp hơn so với công việc khác. Thậm chí, có những thuyền viên đánh bắt cá xa bờ còn bị chủ tàu bóc lột, đánh đập. Mặt khác, việc tuyển dụng thuyền viên còn chưa khắt khe, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng cơ hội này, sau khi được tuyển dụng đi làm thì nhảy tàu bỏ trốn để tìm công việc tốt hơn, lương cao hơn ở nước thứ 3, khi tàu cập cảng.

TS Phạm Đỗ Nhật Tân – Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Lao động dễ bị bóc lột

 Do đặc thù công việc nên nghề thuyền viên tàu cá thường là nghề bị cưỡng bức lao động nhiều nhất. Nguyên nhân là do tính chất công việc vất vả, lại thường làm việc trong một môi trường bị cô lập, lênh đênh trên biển. Bản thân lao động không đủ năng lực để bảo vệ bản thân, vì vậy họ thường lo sợ, bỏ trốn.

Bà Marja Paavilainen – Cố vấn trưởng Dự án hành động chống lao động cưỡng bức khu vực Châu Á (ILO)

Nguyệt Tạ (ghi)

Số thuyền viên bỏ trốn gia tăng

Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, số lượng thuyền viên Việt Nam cung ứng cho tàu cá nước ngoài (chủ yếu Hàn Quốc và Đài Loan) gia tăng hàng năm (từ 2.000 người năm 2011 tăng lên 3.004 người vào năm 2012, 3.653 người vào năm 2013 và trên 4.000 người năm 2014). Trong số này, trên 70% cung ứng cho các tàu đánh bắt cá xa bờ của Đài Loan. Tỷ lệ thuyền viên bỏ trốn khỏi các tàu cá xa bờ của Đài Loan nhiều nhất và gia tăng hàng năm. Nguyên nhân là do công việc trên tàu vất vả nhưng thu nhập không cao bằng công việc ở nhà máy (bình quân 400-450 USD/tháng đối với tàu cá ngừ và 450-500 USD/tàu câu mực).

 Tối 11.10.2014, 6 thuyền viên VN nhảy khỏi tàu cá Đài Loan xuống vùng biển Nhật Bản. 6 thuyền viên gồm: Nguyễn Tiến Tĩnh (23 tuổi), Phạm Lương Khánh (20 tuổi), Trần Đình Diệm (19 tuổi), Thiều Sinh Song (18 tuổi), Nguyễn Văn Tứ (23 tuổi, đều quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Quốc (19 tuổi, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình).

 Tối 14.8.2013, 4 thuyền viên Lê Đức Chính (22 tuổi), Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (21 tuổi) và Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) cùng ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã nhảy khỏi tàu cá Đài Loan ở khu vực kênh đào Panama. Sáng 15.8, được Hải quân Panama vớt lên bờ, sau đó hỗ trợ đưa về nước.                                      

 B.T.K

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem