Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về việc "siết", "cắt" tín dụng bất động sản

Thế Anh Thứ bảy, ngày 04/06/2022 20:59 PM (GMT+7)
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng các từ như "siết", "cắt" tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, NHNN chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ ngữ như vậy.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước không "siết", "cắt" tín dụng bất động sản

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều ngày 4/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, trong chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ, về phía Ngân hàng Nhà nước có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, những đối tượng theo Nghị định 31 của Chính phủ.

"Đây là một trong những chương trình rất quan trọng. Các ngân hàng thương mại cùng với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành đang triển khai tích cực", ông Tú cho hay.

Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước đã có hội nghị triển khai Nghị định 31 và có công văn của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ 2% lãi suất.

Thực hư việc "siết", "cắt" tín dụng bất động sản - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú. Ảnh: Nhật Bắc

"Tôi đã giải thích báo cáo về việc gần đây các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng các từ như "siết", "cắt" tín dụng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ ngữ như vậy", ông Tú khẳng định.

Ông Tú chia sẻ: "Từ trước tới nay, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán".

Đối với bất động sản cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá, phải kiểm soát rất chặt chẽ. "Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thấy đây là quan điểm cũng như tinh thần chỉ đạo từ trước đến nay và tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo", ông Tú thông tin.

Theo ông Tú, tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thậm chí trong Nghị định 31 và Thông tư 03 của chúng tôi hướng dẫn dành 2% lãi suất để thực hiện dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ. Điều đó chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ.

Ngân hàng cho vay tín dụng bất động sản bình thường

Tin dụng bất động sản trong thời gian gần đây vẫn tăng bình thường. Đến giữa tháng 4 tín dụng bất động sản tăng và có dư nợ là 2.288.000 tỷ đồng, mức tăng là 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này so với thời điểm cùng kỳ 2021 có tăng nhanh hơn.

Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực chúng tôi đang kiểm soát chặt chiếm 1/3 – khoảng 785.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại cho vay bình thường có mức dư nợ khoảng 1.500.000 tỷ đồng, chiếm 66 - 67% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục theo chủ trương, chính sách. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả lĩnh vực bất động sản bị siết lại, không có nghĩa là cung cho bất động sản thiếu.

Cũng tại buổi họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin về các bị can trong vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC… và khẳng định các bị can đều vi phạm pháp luật hiện hành và chắc chắn họ sẽ bị xử lý nghiêm bằng pháp luật.

Với vụ FLC, kết quả điều tra ban đầu xác định, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng. Điều này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư.

Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Việt Á cũng là do lợi dụng chính sách của Đảng và Chính phủ về các sản phẩm, chế phẩm y tế để cứu người bệnh, ngăn chặn dịch bệnh hay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài và một số cán bộ lợi dụng chính sách để trục lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem