Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn chiều 4/6. Ảnh: Lê Hiếu.
Nói về việc uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham giao thông, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng: Chắc chắn cả xã hội, Quốc hội, cả hệ thống chính trị đã thấy sự nguy hiểm của từ việc uống rượu, bia gây ra, đó là những vụ tai nạn với những cái chết đau thương.
“Sức khỏe con người là trên hết. Chỉ cần một chút quá chén khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ gây ra hậu quả hết sức đau lòng cho xã hội. Do đó tất cả chúng ta đều thấy rằng đã uống rượu, bia là không tham gia giao thông”, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói.
Còn về pháp luật xử lý vấn đề này, theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, chúng ta có nhiều quy định của pháp luật để điều chỉnh, như Luật giao thông đường bộ, Luật xử lý vi phạm hành chính đã có quy định để Chính phủ có Nghị định hướng dẫn xử lý.
“Hiện nay có Nghị định 46 và tới đây sẽ sửa Nghị định này theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với những hành vi vi phạm giao thông trong đó có vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông”, Phó Thủ tướng thường trực nói và cho biết thêm, bên cạnh đó sẽ có chế tài rất nặng đối với những vi phạm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh xe, cơ sở đào tạo, cơ sở kiểm định, cán bộ thừa hành.
Mặc dù buổi sáng đã có giải thích về việc Quốc hội lấy ý kiến xung quanh những đề xuất quy định với dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhưng sau phần trả lời của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giải thích thêm.
Bà cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại rượu bia, Quốc hội chọn những vấn đề còn ý kiến khác nhau để tham khảo, xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Việc xin ý kiến vào chiều ngày 3/6 là để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện luật chứ không phải biểu quyết thông qua luật. Rất tiếc dư luận xã hội, phân tích của báo chí gây hiểu lầm trong nhân dân rằng Quốc hội chưa muốn chế tài, chưa muốn xử lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định, nghiêm cấm hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như Luật Giao thông đường bộ, Bộ Luật Hình sự… đều có quy định rất đầy đủ. Điều đó khẳng định rằng, không phải không quy định điều này trong dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia thì không có chế tài xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Bà đề nghị các ĐBQH, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ phải nắm rõ quy định để giải thích cho nhân dân và báo chí phải nắm rõ để tuyên truyền đúng bản chất, tránh gây hiểu lầm cho nhân dân.
Trước ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã đặt câu hỏi chất vấn: Tại phiên họp chiều qua nội dung xin ý kiến về quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, kết quả cả 2 phương án đều không đạt quá bán để chế định trong dự luật. Dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông vô cùng bất ngờ và nhiều bình luận rất bức xúc trước kết quả này, bởi lẽ dù đã có Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 171 trước đây và Nghị định 46 cũng quy định mức xử phạt nghiêm với các hành vi này, nhưng kết quả không như mong muốn. Sự xuống đường của Phó Thủ tướng thường trực và người dân thời gian qua để vận động, kêu gọi xã hội đã uống rượu bia không lái xe đã đánh động rất tích cực đến nhận thức của cộng đồng.
Với kết quả lấy ý kiến có thể dẫn đến hệ quả Luật phòng, chống tác hại rượu, bia không có quy định đủ mạnh nghiêm cấm uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện, nhằm kéo giảm tình hình hiện nay là hết sức bất cập. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Nội dung này cũng xin gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng thường trực, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.