Miếng ngon nhớ lâu
Có lẽ ít người (thu nhập bình thường) được nếm mùi vị tôm hùm. Tôi may phước được thưởng đôi lần. Nhớ mãi hồi sinh viên năm hai, tôi được một lần ăn tôm hùm… gãy đầu. Ấy là lúc tôi theo chân thằng bạn về nhà nó ở xã Xuân Thịnh (Sông Cầu), khi vùng quê này bắt đầu phong trào nuôi tôm hùm lồng.
Khi ấy, con giống đắt đỏ, kỹ thuật nuôi thì mò mẫm; 1kg tôm hùm thương phẩm là một chỉ vàng, dân “cả gan” mới dám nuôi. Trên đường, tôi cắc cớ hỏi bạn: “Nhà nuôi tôm hùm, mày ăn con đó chưa?”. “Sao chưa mầy?”. “Dóc!”. “Hổng phải tôm lành đâu, mà tôm bị thương”.
“Là sao?”. “Đó là tôm sứt đầu, mẻ trán, đầu nậu không mua xuất khẩu. Bán chợ thì ít người rờ, lại mất giá, ba má tao bấm bụng luộc cho cả nhà ăn. Mày muốn ăn thì để tao… nghiên cứu”. Đến đó, nó nín thinh, mặt đăm đăm như đang “âm mưu” điều gì…
|
Niềm vui của ngư dân nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài. |
Xế chiều, tôi đang đứng coi cha con nó cảo lồng, làm vệ sinh cho tôm hùm, thì nghe nó nói: “Ba ơi, có con hùm bị thương gãy đầu!”. Ba nó thảng thốt: “Lại đánh lộn chớ gì, cái giống quậy quá…!”. Săm soi con tôm hùm nặng cả ký sắp xuất bán, đang bị “ngoẹo” đầu, suy nghĩ một lát, ông quay sang tôi: “Sẵn có cháu đây, để chú nói bà xã hấp nhậu cho sướng”.
Tôi nghe khoái quá nhưng cứ ngờ ngợ, liếc sang thì thấy thằng bạn “trời đánh” đang cười cười vẻ căng thẳng. Tối đó, sau mấy ly ngà ngà, nó kéo tai tôi thầm thì: “Tao… bẻ đầu đó!”. Trời ơi, miếng tôm hùm to sụ, ngọt xớt như muốn nghẹn ngang cổ...
Bây giờ làm báo, cứ đi với nông dân là… có ăn. Bao năm băng đồng - lên núi - ra biển, tôi đã nếm không biết bao nhiêu sản vật cao sang từ tấm lòng thơm thảo quê hương. Thế nhưng cái khát khao tôm hùm vẫn còn đó, là cái cớ để tôi thỉnh thoảng ghé các bè nuôi tôm hùm của ngư dân miệt biển xứ Nẫu.
Đi riết, phỏng vấn, viết bài mải miết, thế là thành người nhà của nhiều ngư dân nuôi tôm hùm. Đôi lần, có chủ bè bảo “ăn tôm hùm không?”, tôi lắc đầu tỏ vẻ vội về nhà viết bài, thế nhưng chủ yếu vì “không nỡ lòng nào” ăn con tôm hùm mệnh giá cao, sau khi đã chứng kiến bao vất vả của người làng bè. Thế nhưng kỳ rồi, một chủ bè điện thoại “lâu quá không gặp, nhậu tôm hùm đi?”, sẵn có ông bạn chí cốt từ Hà Nội vào và đang đòi đi biển, tôi gật đầu.
Ra Sông Cầu, vừa xuống bờ vịnh Xuân Đài đã thấy ghe của “trùm bè” Nguyễn Thành Nhơn chực sẵn. Thế là chúng tôi vi vu lướt sóng mươi phút đã “đột nhập” làng bè nổi giữa trời nước bao la. Sau một hồi để chúng tôi cập nhật thời sự làng hùm, ông Nhơn sai con kéo lồng “nhón” một con tôm hùm cỡ 1kg. Ông lấy chai rượu nhứt đổ ra tô, rồi cầm chiếc kim đâm thẳng vào góc đầu con tôm, một dòng máu tôm màu trắng sữa pha xanh nhạt chảy xuống tô rượu đang có người cầm đũa khuấy đều. Xong, thế là đã có rượu tiết tôm hùm đặc biệt, hương vị thơm nồng biển giã. Ông Nhơn cười: “Một lần uống rượu tiết hùm là… bổ cả tháng!”.
Gắp miếng thịt tôm hùm ngon ngọt ngấm tận chân răng, nhấp ngụm rượu “độc chiêu” rồi ngắm hoàng hôn biển, ai cũng mừng cho ngư dân Sông Cầu đang bừng dậy nhịp đời.
Nước mắt và nụ cười
Còn nhớ, cách đây 20 năm, khi mô hình nuôi tôm hùm lồng ở huyện Sông Cầu (giờ đã là thị xã) mới manh nha, người dân lặn lội đêm đêm ngoài khơi để bắt từng con hùm giống nhỏ xíu về thả lồng nuôi… chơi (hồi đó, mỗi ngày mà bắt được con hùm giống, kiếm bạc trăm, thì chỉ có nước… uống bia, thế nên nhiều trẻ em Sông Cầu đã bỏ học để ra biển săn hùm con). Ấy vậy mà một nắng hai sương học hỏi, truân chuyên, Sông Cầu đã thành “thủ đô tôm hùm” lúc nào chẳng hay.
Thị xã Sông Cầu đang là địa phương cấp huyện nuôi tôm hùm nhiều nhất nước. Hiện tại, ngư dân Sông Cầu đã thả nuôi trên 18.500 lồng, với xấp xỉ 1 triệu con tôm hùm, ước trị giá 500 tỷ đồng. Đây là ngành nuôi trồng siêu lợi nhuận, người nuôi có thể trở thành tỷ phú chỉ sau một vụ nuôi, bởi mức thu lợi gấp hàng trăm lần trồng lúa.
(Nguồn: Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, Phú Yên)
Thế nhưng nước mắt người làng bè đã chảy không dưới một lần. Lượng lồng tôm hùm ở Phú Yên đang tăng đến mức chóng mặt, gây nên hệ lụy là phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nuôi. Dịch bệnh cũng bùng phát khiến tôm nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng về kinh tế cả một vùng. Điển hình là đợt tôm hùm chết hàng loạt trong mùa lũ lụt cuối năm 2009, lớp lớp tôm hùm bạc tỷ bị chết “đứng” đã phải đem ra chợ bán như… củi!
Thức ăn cho tôm hùm là các loài thủy sản ven bờ. Nghề nuôi tôm hùm phát triển nóng, nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản. Mà không khai thác nguồn thức ăn này thì nghề nuôi tôm hùm sẽ khó tồn tại, vì hiện chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp.
Chủ bè Nguyễn Thành Nhơn cho hay, một trong những kinh nghiệm tránh tôm hùm bị “sốc” nước là thả nuôi gần sát đáy biển ở độ sâu ít nhất 7m, để con tôm ít bị tác động khi nhiều dòng nước ngọt theo mưa lũ tràn về. Chính “chiêu” này đã giúp ông thu lãi 2,2 tỷ đồng trong vụ thu hoạch sau đợt lũ lớn năm 2009, tiếp đó là mức lãi tương tự trong niên vụ 2008-2010… Lúc này, gia đình ông đang sở hữu hơn 200 lồng tôm hùm, với trên 11.000 con tôm đã ở mức 2,5-3 lạng/con.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai - Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT), để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, Phú Yên cần có quy hoạch chi tiết và triển khai bám sát kỹ quy hoạch; công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn giống, thức ăn cho tôm hùm cần phải có giải pháp chặt chẽ, mới mong làm giàu bền vững bằng vật nuôi này.
Ước tính của các cơ quan chức năng, cả nước hiện có khoảng 50.000 lồng nuôi tôm hùm thì riêng tỉnh Phú Yên đã chiếm tới khoảng 35.000 lồng, chủ yếu ở “thủ đô” Sông Cầu. Vùng biển Vũng Rô (Đông Hòa, Phú Yên) cũng đang tập trung gần 10.000 lồng nuôi tôm hùm, thế nhưng tại Vũng Rô đang triển khai cấm nuôi trồng thủy sản…
Sở NNPTNT Phú Yên cho biết từ năm 1990 đến nay, bình quân số lồng nuôi tôm hùm ở Phú Yên tăng 11%/năm, sản lượng nuôi tăng 14%/năm. Đây là nghề mang lại lợi nhuận cao; những năm được mùa, được giá, người nuôi có lãi gấp 2-4 lần so với số vốn bỏ ra. Không ít người đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm hùm, trong đó tập trung nhiều nhất ở thị xã Sông Cầu.
Đào Đức Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.