Sau cơn bão số 14 và áp thấp nhiệt đới, tại nhiều tỉnh ven biển, các loại dịch bệnh gia tăng, trong đó có dịch sốt xuất huyết (SXH). Tại một số tỉnh, số Chloramin B dự trữ để phun phòng dịch đã gần hết.
Theo các chuyên gia bệnh nhiệt đới, người dân có thể chủ động phòng chống muỗi và bệnh SXH từ các vật liệu có sẵn. Trong đó hương muỗi được tư vấn sử dụng nhiều vì dễ sử dụng, có hiệu lực tốt và không đắt tiền. Tài liệu của Bộ Y tế khẳng định, hương muỗi được sản xuất bằng chất diệt côn trùng xông hơi. Lúc đầu, hương muỗi được sản xuất bằng bột pyrethrum trộn với một số chất dễ cháy như mùn cưa và chất kết dính như tinh bột.
Bột pyrethrum được lấy từ cây hoa cúc dại (Chrysanthemum cinerariaefolium) có tác dụng diệt côn trùng, đặc biệt là muỗi. Hiện nay, đa số hương muỗi được làm từ hóa chất thuộc nhóm pyrethroid tổng hợp có hiệu lực tốt hơn, chi phí thấp. Ngoài ra, hóa chất DDT (dichloro-diphenyl-trichlorethane) thuộc nhóm chlor hữu cơ cũng được sử dụng như một thành phần trong một số loại hương muỗi sản xuất tại Trung Quốc nhưng không có hiệu lực tốt.
Việc sử dụng hương muỗi trong nhà có tác dụng phòng chống muỗi, ngăn chặn việc truyền bệnh SXH. Nếu dùng hương ở trong nhà, cần đặt giá hương lên trên một nền bằng vật liệu không cháy và đặt ở vị trí càng thấp càng tốt ngay tại nơi có người cần được bảo vệ không cho muỗi đốt để truyền bệnh. Thực tế, một vòng hương thường đủ sử dụng cho một phòng ngủ bình thường khoảng 35m2.
Ở những nơi chật hẹp hơn như lều trại, phòng nhỏ kín... khói hương tỏa ra có thể gây kích thích làm khó chịu mắt và hô hấp của người sử dụng, vì vậy cần lưu ý để tránh các tác dụng phụ. Tại những phòng hay không gian rộng hơn, cần đặt nhiều vòng hương ở những vị trí khác nhau. Nếu phòng thoáng khí hay dùng hương muỗi ở ngoài trời, nên đặt vòng hương phía đầu gió.
Một vòng hương muỗi loại tốt có giá từ 6.000-7.000 đồng. Hiện nay, một số công ty cũng phát triển loại nến có hóa chất trừ muỗi với thời gian đốt từ 2-3 ngày, có giá khoảng 75.000 đồng. Song song với sử dụng hương muỗi, người dân cần vệ sinh nơi ở, đậy kín chum vại, diệt loăng quăng, ngủ màn.
Nguyễn Bích Hồng (theo tài liệu của Bộ Y tế) (Nguyễn Bích Hồng (theo tài liệu của Bộ Y tế))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.