Phong tặng danh hiệu theo kiểu đánh đố

Thứ năm, ngày 11/04/2013 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 10.4, Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo lần 3 Nghị định phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Bình luận 0

Bên lề hội thảo, PV NTNN đã có cuộc phỏng vấn GS-TS Tô Ngọc Thanh.

Thưa Giáo sư, Dự thảo Nghị định về phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân dân gian được trông chờ bao năm nay cuối cùng cũng ra đời sau 10 lần soạn thảo là quá chậm trễ, ông có ý kiến gì về nhận xét này?

- Tất nhiên thời gian thì càng nhanh càng tốt, nhưng theo tôi đây là vấn nạn chung của các cơ quan công quyền rồi, không cứ gì chuyện này. Một mình Bộ VHTTDL cũng không quyết định được, còn Bộ Tài chính, Bộ Y tế nữa.

Ví dụ thế này, bây giờ muốn có một cái thẻ bảo hiểm y tế cho các nghệ nhân cũng đâu có dễ. Tôi đã 10 năm nay đi xin thẻ bảo hiểm cho các cụ mà vẫn không được nên tôi cũng nói thẳng là Hội Văn nghệ dân gian chúng tôi phải lo bằng cách khác, ốm đau, tết nhất đều có quà cho các cụ, mà tiền ấy lấy ở các cơ quan từ thiện chứ kinh phí thì Hội đâu có.

img
Hai nghệ nhân người Chăm (Ninh Thuận) với cây trống ghi - năng.

Trong 8 tiêu chí để đạt tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu, Dự thảo Nghị định đề ra là nghệ nhân nhân dân phải có thời gian 25 năm thực hành và phổ biến tri thức, với nghệ nhân ưu tú là 20 năm, theo ông có hợp lý không?

- Theo tôi là rất bất hợp lý, tôi vừa đi chấm một cuộc thi dân ca ở Phú Yên về, một cậu bé người Chăm 13 tuổi thổi kèn bóp hay bằng anh luyện kèn 30 năm, tiếng rất mượt, thì phải coi đó là tài năng chứ? Các bạn làm hành chính quên mất là trong tài năng, sáng tạo thì phải có thăng hoa.

Khi chúng tôi phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, chúng tôi căn cứ vào tài năng chứ không căn cứ vào tuổi tác. Không thể quy định cứng nhắc như thế được. Lấy cái gì để tính thời gian, Nghệ nhân Hà Nhì sống ở Mường Tè, đến tuổi còn không biết, cụ bảo tôi sinh ra vào cái năm lụt, làm sao ai biết là cụ hát từ năm bao nhiêu để mà lấy mốc công nhận cho cụ?

Việc làm hồ sơ xét tặng danh hiệu quy định phải có bản sao công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu liên quan có phải là quá nặng về hành chính không, thưa ông?

- Tôi nói thật phong tặng như thế quá là đánh đố các nghệ nhân. Người ta ở tận xó núi, xó rừng, xó làng, cả đời chẳng biết cái nghị định này là cái gì, khả năng tiếp cận đến bộ hồ sơ này của họ không dễ. Tôi hỏi bạn, những người ở xó rừng lấy đâu ra bằng khen, huy chương? Tôi biết lúc đầu, ban soạn thảo còn đưa vào tiêu chí 3 huy chương nhưng tôi góp ý, họ tiếp thu và bỏ mức quy định cụ thể này rồi. Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ VHTTDL, tôi làm khác.

Cụ thể, Hội Văn nghệ dân gian đã làm thế nào, thưa Giáo sư?

- Cách làm của chúng tôi không quan phương, không công quyền, rất gần dân và dựa vào dân. Tất nhiên không thể đòi hỏi Bộ làm được như chúng tôi, tức là đi đến từng cụ để sưu tầm, nghiên cứu, chúng tôi làm văn nghệ dân gian mà, chúng tôi biết rất rõ. Mà thông qua việc sưu tầm thì không ai nói dối được, cụ nào trên tài cụ nào, chúng tôi biết hết, sau đó chúng tôi đề nghị UBND xã lấy ý kiến của bà con, họ bảo ôi giời ơi hát ví thì phải nói đến cụ Ba này, cụ này hát mấy ngày còn chưa hết, ông có đủ máy mà ghi không? Thế thì cụ Ba ấy có xứng đáng không, có làm cho mọi người tâm phục khẩu phục không? Cái nghị định này thì khó quá, hành chính hóa các thủ tục.

Chúng tôi không chấp nhận các “cơn mưa nghệ nhân”, chúng tôi phải tìm những nghệ nhân chân quê đích thực, từ làng đi lên, hát mộc. Chúng tôi tìm nét đơn sơ hồn nhiên, chân chất nhưng đằm thắm của dân ca cũng như các di sản văn hóa phi vật thể.

Việc quy định danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú trong Dự thảo Nghị định khá mơ hồ, với danh hiệu cao hơn thì tài năng “đặc biệt xuất sắc”, danh hiệu thấp hơn thì “xuất sắc” và chênh nhau 5 năm cống hiến. Ông có đồng tình không?

- Hội chúng tôi không lượng hóa mà chỉ tính đến yếu tố là họ đang có tài, đang lãnh cái vị trí chúa trùm của lĩnh vực đó, hỏi nhân dân là ra ngay.

Làm kiểu này thì tới đây sẽ có hàng ngàn nghệ nhân được phong tặng, mà sẽ có cả các trường hợp “rởm” nữa, cứ trưng bằng khen ra là được, mà các cán bộ ở các trung tâm văn hóa chuyên đi thi đấu thì có nhiều bằng khen, huy chương lắm. Không, chúng tôi không chọn kiểu đó, không chấp nhận các “cơn mưa nghệ nhân”, chúng tôi phải tìm những nghệ nhân chân quê đích thực, từ làng đi lên, hát mộc.

Chúng tôi tìm nét đơn sơ hồn nhiên, chân chất nhưng đằm thắm của dân ca cũng như các di sản văn hóa phi vật thể. Bảo vệ nó là bảo vệ tâm hồn của chúng ta. Hội chúng tôi cũng không có chuyện “ông trên ông dưới”, tất cả đều là nghệ nhân, không thể lượng hóa được. Tôi không đồng ý định ra Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân gì hết, nhưng họ đã làm thế rồi, Quốc hội đã thông qua rồi, trở thành luật rồi thì tôi không nói nữa, nhưng cách gọi đó không hợp lý một chút nào.

Vậy trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, ông có được góp ý hay không?

- Không, Ban soạn thảo có con đường riêng của họ. Họ không phối hợp với chúng tôi, mà đi con đường riêng, nếu có sự phối hợp, chúng tôi sẽ kiểm chứng cho, gửi hồ sơ về các chi hội sẽ phát hiện ra ngay, ông này rởm. Ngay cái cuộc hôm nay, nếu tôi không gọi điện cho bà Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên để xin một bản trước thì cũng chẳng biết gì mà đóng góp ý kiến.

Chúng tôi luôn coi đó là những người thầy lớn để trân trọng, còn các cơ quan nhà nước chỉ xem họ là những số phận thôi. Thôi thì xem họ là những số phận cũng được, nhưng phải nhớ rằng những số phận ấy đã mang theo toàn bộ những sáng tạo của các tiền nhân từ hàng chục thế kỷ, ví dụ Nghệ nhân Hà Thị Cầu mất thì xẩm còn ai? Thế nên nếu làm không nhanh, không kịp thì chúng ta là những người có lỗi.

Xin cảm ơn Giáo sư!

GS Hoàng Chương: Nên lược bớt một số thủ tục

Nhiều người đã chờ đợi để được phong tặng nhưng không chờ nổi rồi chết đi, như Nghệ nhân Hà Thị Cầu, báu vật quốc gia nhưng có được hưởng gì đâu. Điều đó nói lên chúng ta chậm chân quá, phải nhanh chân lên, đừng bắt nghệ sĩ kê khai bộ hồ sơ ghê gớm mà nên lược bớt những thủ tục, cứ có tài, được nhân dân công nhận là đủ yếu tố phong tặng, còn bắt làm thủ tục dài dòng chẳng khác nào hành hạ họ.

Nghệ nhân Tạ Thị Hình (dân ca Quan họ Bắc Ninh): Còn thiệt thòi

Chúng tôi chỉ hoạt động văn nghệ quần chúng, không có cơ quan nào chứng thực cho, chỉ có cái tâm gìn giữ di sản văn hóa, các bạn trẻ đi thi hát chỉ cần một bài có huy chương là được phong tặng danh hiệu rồi, trong khi chúng tôi gìn giữ và truyền dạy mới khó. Ở Bắc Ninh còn có quy định cứ phải 80 tuổi trở lên mới được công nhận nghệ nhân, 78 tuổi cũng không được, thế thì thiệt thòi cho chúng tôi quá.

Nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết: Rất tủi thân

Tôi năm ngoài ngoài 60 tuổi, cũng vì yêu cái nghề mà mình đang nắm giữ nên cố để làm thôi, thời gian, tiền bạc đều tự bỏ ra, chưa từng nhận được một sự trợ giúp nào từ phía Nhà nước. Có người nước ngoài đến hỏi xem tôi có được đãi ngộ gì không, tôi trả lời, nước chúng tôi còn khó khăn, chúng tôi chẳng dám đòi hỏi đãi ngộ gì, nhưng tôi cũng tủi thân lắm chứ.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem