Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong dịp đầu xuân.
Cụ thể, theo thông báo số 132/UBND-VP của UBND huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ về việc phân công cán bộ phụ trách, điều hành các hoạt động tại Ban Quản lý khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ: Thời gian vừa qua, một số cá nhân không có chức năng, nhiệm vụ nhưng vẫn lợi dụng danh nghĩa của Ban quản lý khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, đứng tên tài khoản để tiếp nhận tiền công đức, tiền dâng hương, sắp lễ của du khách gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của khu di tích.
Theo công văn này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, nguyên Trưởng Ban Quản lý khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ đã về hưu từ ngày 1/3/2019 và bà Lê Thị Thanh Tâm, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ đã chuyển công tác.
Thông báo của UBND huyện Hạ Hòa.
Để thuận tiện cho việc thăm viếng, dâng cúng, hành lễ của nhân dân và du khách thập phương theo các quy định, quy chế đã ban hành, UBND huyện Hạ Hòa thông báo phân công cán bộ phụ trách và thực hiện, chức năng, nhiệm vụ điều hành các hoạt động tại Ban Quản lý khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ gồm: Ông Nguyễn Minh Hảo - Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ và bà Trương Thị Phương Thảo - Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ.
Theo sử sách, huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trứng nở thành 100 người con nhằm tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam; mang đậm dấu ấn nhân văn sâu sắc; là đặc trưng văn hóa và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết đó đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, được người Việt qua các thời đại hun đúc và thể hiện bản lĩnh kiên cường, tình yêu nước nồng nàn, kề vai sát cánh, đoàn kết với ý thức cùng chung nguồn cội, đồng bào, dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên, với mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và hùng cường.
Nghi lễ tại Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức trang nghiêm để tưởng nhớ công ơn của Tổ Mẫu Âu Cơ.
Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Tại đây, Tổ Mẫu Âu Cơ thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú nên đã cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú.
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong dịp đầu xuân. Nhờ những nét văn hóa truyền thống, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, năm 1991, Đền Thờ Tổ Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ - Đền Mẫu Âu Cơ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.