Phụ trách nhiều dự án trọng điểm, Sở GTVT TP.HCM đề xuất bổ sung nhiều nhân sự lãnh đạo

Hồng Trâm Thứ sáu, ngày 07/04/2023 13:59 PM (GMT+7)
Do phải thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia, Sở GTVT TP.HCM đề xuất thêm 1 phó giám đốc sở cùng nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt phục vụ dự án Vành đai 3.
Bình luận 0

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU của Thành ủy về chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Đáng chú ý, Sở GTVT TP.HCM đề xuất bổ sung nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong ngành giao thông. Hiện nay, ban giám đốc Sở GTVT TP.HCM gồm: Giám đốc Trần Quang Lâm, 3 phó Giám đốc là Võ Khánh Hưng, Phan Công Bằng, Bùi Hòa An.

Qua đó, Sở GTVT đề xuất bổ sung thêm 1 phó giám đốc sở, nâng tổng số phó giám đốc của sở GTVT là 4 nhân sự. Ngoài ra, sở còn đề xuất bổ sung thêm một phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP và lãnh đạo Ban chuyên trách quản lý dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Phụ trách nhiều dự án trọng điểm, Sở GTVT TP.HCM đề xuất bổ sung nhiều nhân sự lãnh đạo - Ảnh 1.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất được có 4 phó giám đốc để phụ trách dự án Vành đai 3. Ảnh: I.T

Lý do được đưa ra là Sở GTVT TP.HCM hiện đang đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Trong đó có phụ trách 4 dự án quan trọng quốc gia gồm tuyến Vành đai 3 TP.HCM, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2.

Đồng thời triển khai 3 đề án quan trọng của ngành giao thông vận tải (Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030, Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển).

Bên cạnh đó, hiện sở được giao tham mưu các vấn đề lớn của ngành, các dự án trọng điểm, chiến lược như các tuyến Vành đai 2, 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các quốc lộ, các nút giao thông lớn, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, kết nối cảng biển, chủ trì xây dựng Đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Như vậy, sở đánh giá khối lượng công việc trong thời gian tới sẽ rất lớn so với các năm gần đây và so với đầu nhiệm kỳ. Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề xuất Thành ủy, UBND TP.HCM xem xét, quan tâm bổ sung thêm một phó giám đốc sở để đáp ứng khối lượng công việc lớn nói trên.

Phụ trách nhiều dự án trọng điểm, Sở GTVT TP.HCM đề xuất bổ sung nhiều nhân sự lãnh đạo - Ảnh 3.

Sở GTVT đang phụ trách hàng loạt dự án lớn tuyến Vành đai 2, 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các quốc lộ, các nút giao thông lớn, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất... Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất ưu tiên bổ sung một Phó Giám đốc Ban Giao thông và bố trí một lãnh đạo Ban chuyên trách quản lý dự án đường Vành đai 3.

Được biết, Ban Giao thông cũng đang là chủ đầu tư của 160 dự án giao thông, tổng vốn hơn 25.400 tỷ đồng triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025 và chủ đầu tư 2 dự án thành phần của dự án Vành đai 3 (dự án xây lắp và dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) qua TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, khối lượng giải ngân vốn đầu công của Ban Giao thông là rất lớn, riêng đối với dự án đường Vành đai 3 vốn dự kiến được giao năm 2023 là 25.600 tỉ đồng - tương đương vốn giao cả giai đoạn 2021-2025.

Hiện Ban Giao thông có giám đốc và 3 phó giám đốc. Sở GTVT cho rằng để đáp ứng yêu cầu giải ngân, Ban Giao thông cần củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân sự để nâng cao năng lực điều hành, trong đó ưu tiên bổ sung 1 phó giám đốc và bố trí 1 lãnh đạo ban chuyên trách quản lý dự án Vành đai 3.

Liên quan đến dự án Vành đai 3 TP.HCM, Ban Giao thông đã làm việc với sở TNMT các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai (nơi có dự án đường Vành đai 3 đi qua) và các tỉnh thành lân cận như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, An Giang để rà soát nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án Vành đai 3.

Qua rà soát, hiện nay nguồn vật liệu đáp ứng cho dự án được thống kê như sau: đất đắp nền đường đạt 1,7 triệu/1,6 triệu m3 (vượt nhu cầu dự án 106%); cát xây dựng đạt 1,1 triệu/1,5 triệu m3 (đạt khoảng 73,3%); đá xây dựng đạt 6,2 triệu/4,4 triệu m3 (vượt nhu cầu dự án 141%); cát đắp nền đường: đạt 5,8 triệu/7,2 triệu m3 (đạt khoảng 80,5%).

Ban Giao thông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vật liệu xây dựng đã đáp ứng đủ và sẵn sàng phục vụ khởi công dự án đường vành đai TP.HCM trong tháng 6/2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem