Phú Yên: Dịch bệnh tôm bùng phát

Thứ hai, ngày 21/02/2011 15:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã có 20ha tôm nuôi tại Hòa Tâm (Đông Hòa, Phú Yên) bị dịch bệnh chết. Con số này sẽ “lớn” lên từng ngày tới đây. Dịch bệnh tôm ở Phú Yên như là một “điệp khúc” hàng năm và chưa có lối thoát.
Bình luận 0
img
Thu vét tôm non ở hồ tôm nhà ông Lê Trọng Kim.

Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa nhưng ông Lê Trọng Kim, thôn Phước Long (xã Hoà Tâm), vẫn phải huy động 4 người ra đìa thu hoạch 0,7ha tôm non mới vừa 2 tháng tuổi để bán tháo, vớt vát một phần vốn đầu tư. Ông Kim cho biết: “Với 0,7ha, đầu tư cả giống và thức ăn trong vòng 2 tháng hết 60 triệu đồng, bây giờ phải chấp nhận bán non, cố vớt vát 20 triệu đồng.

Biết lỗ vẫn phải làm vì nếu để chậm chỉ 1 ngày nữa là toàn bộ tôm sẽ chết và tui trắng tay”. Đây là một trong hàng chục hồ tôm của vùng nuôi Ngọn Đồng, xã Hoà Tâm, bị phát dịch bệnh. Triệu chứng là tôm chết rất nhanh, thân chuyển sang màu đỏ và chìm xuống đáy. Cho đến ngày 18.2, tại xã Hoà Tâm đã có 20ha tôm phát bệnh, và dịch bệnh đang tiếp tục lây lan. 400 ha là số diện tích tôm dịch năm ngoái, năm trước nữa cũng chừng đó. Hầu như không năm nào không có nông dân Phú Yên khóc tôm.

Những nguyên nhân dẫn đến dịch tôm thì quá cũ, ai cũng biết. Ví dụ như là do con giống. Một lượng lớn con giống được dân mua trôi nổi, không kiểm soát. Tại vùng tôm Ngọn Đồng, 100% hồ nuôi bị nhiễm bệnh đều lấy giống từ Công ty Việt Úc. Được biết, đội ngũ tiếp thị của công ty này đến tận ao nuôi để giới thiệu. Khi nông dân cần, điện thoại là xe công ty chở giống đến giao tận hồ nuôi. Chính vì sự tiện lợi này mà hầu hết người dân đều mua giống theo phương thức trên. Nhưng khi hỏi Công ty Việt Úc ở đâu thì không ai biết.

Hạ lưu sông Bàn Thạch là vùng nuôi tôm tập trung lớn nhất tỉnh Phú Yên, với 1.200ha. Tuy nhiên, 15 năm qua vẫn chưa có một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi một cách bài bản. Các hồ nuôi lâu nay vẫn sử dụng chung một kênh cấp và thoát nước. Khi dịch bệnh phát sinh, hộ nuôi này xả ra, hộ nuôi khác lấy nước vào và dẫn đến bệnh lây lan hàng loạt.

Khi được hỏi tại sao người nuôi tôm không xử lý sạch nguồn nước có tôm bị bệnh trước khi xả ra môi trường chung, ông Lê Văn Ngọc - một người nuôi tôm, thật thà: “Đầu tư vào vụ, mỗi ha người nuôi đã mất 40-50 triệu đồng, không may tôm bị bệnh, trắng tay thì lấy đâu ra tiền để mua clorin xử lý nước xả nữa! Biết là sai nhưng đành chịu thôi”.

Theo lịch thời vụ, tôm giống được thả vào tháng 3.2011. Tuy nhiên mới tháng 12.2010, hoặc đầu tháng 1.2011, các hộ đã đồng loạt xuống giống. Thời tiết lạnh kéo dài trước Tết đã làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi và dịch bệnh có điều kiện bùng phát.

Chính những nguyên nhân này mà liên tục hơn 10 năm, người nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch lao đao, bao nhà cửa, xe cộ đều bán đi trả nợ vì nuôi tôm thua lỗ, thế nhưng đến nay tỉnh Phú Yên vẫn chưa đưa ra một giải pháp thực sự khả thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem