Phú Yên: Tưới nhỏ giọt cho ruộng mía, chẳng tốn công vỡ đất bỏ phân, mía lớn nhanh lại mập

Hùng Phiên Thứ tư, ngày 09/06/2021 06:18 AM (GMT+7)
Mô hình kỹ thuật tưới nhỏ giọt là giải pháp hữu hiệu giúp tăng sản lượng cây trồng, tăng thu nhập kinh tế cho các hộ gia đình miền núi Phú Yên.
Bình luận 0

Ngày 8/6, ông Nguyễn Đức Thắng - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết: Dự án ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đang mang lại hiệu quả cao.

Mô hình tưới nhỏ giọt nâng cao hiệu quả canh tác tại miền núi Phú Yên - Ảnh 1.

Nông dân tham quan mô hình tưới mía nhỏ giọt tại xã Sơn Nguyên, Sơn Hòa, Phú Yên (ảnh: H.P)

Dự án triển khai từ năm 2018 với 3 mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh cây mía trên diện tích 3ha tại 2 huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa (Phú Yên).

Ông Ra Lan Thu (nông dân xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) cho hay: "Qua 3 năm áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tôi nhận thấy việc làm mía vừa hiệu quả vừa giảm công sức. Tôi không phải tưới nước thủ công, cũng chẳng cần xới vỡ đất để bỏ phân mà mọi thứ đều được trộn vào bồn, theo đường ống dẫn nước chảy đến từng gốc mía.

Vì giảm nhiều sức lao động nên khi canh tác 1ha mía, tôi chỉ tranh thủ làm những ngày cuối tuần, thời gian còn lại tôi làm công việc khác. Tốn ít công chăm sóc nhưng ruộng mía của gia đình tôi lúc nào cũng xanh tốt hơn, cao hơn những ruộng xung quanh. Vụ vừa rồi, tôi thu được 110 tấn mía/ha, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước đây".

Mô hình tưới nhỏ giọt nâng cao hiệu quả canh tác tại miền núi Phú Yên - Ảnh 2.

Nước và phân bón theo đường ống tưới nhỏ giọt vào chân các hàng mía (ảnh: H.P)

Theo ông Trương Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến là giải pháp khả thi nhằm sử dụng nguồn nước tưới hợp lý và hiệu quả trước ảnh hưởng của thời tiết khô hạn ở các huyện miền núi. 

Để khuyến khích người dân tưới tiết kiệm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77, HĐND tỉnh Phú Yên cũng có Nghị quyết 19 hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh Phú Yên (khóa VII) quy định, tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân tại địa bàn xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thôn, buôn đặc biệt khó khăn khi đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng sẽ được hỗ trợ 40% chi phí vật liệu, máy thi công, thiết bị và không quá 30 triệu đồng/ha.

Đối với địa bàn xã, phường, thị trấn, thôn, buôn còn lại là 30% chi phí và mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/ha.

Mô hình tưới nhỏ giọt nâng cao hiệu quả canh tác tại miền núi Phú Yên - Ảnh 3.

Mô hình hình trình diễn tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại huyện miền núi Sông Hinh, Phú Yên (ảnh: H.P).

 Với nhiều ưu điểm vượt trội, ngoài áp dụng tưới cho cây mía, ngành nông nghiệp Phú Yên đã và đang nhân rộng công nghệ tưới nhỏ giọt cho nhiều loại cây trồng phù hợp khác như dưa hấu, ớt, bắp sinh khối, chuối, chanh dây, các loại cây ăn quả lâu năm ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa,…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem