Phú Yên: Vì sao tôm hùm giống nhập khẩu giá rẻ, tỷ lệ sống thấp?

Thứ hai, ngày 12/10/2020 19:00 PM (GMT+7)
Riêng đối với tôm hùm giống nhập khẩu, công tác quản lý về số lượng, chất lượng trên địa bàn tỉnh Phú Yên càng khó khăn hơn bởi còn nhập nhằng trong công tác phân cấp quản lý.
Bình luận 0

Hiện nay, công tác quản lý con giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn, còn nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động sản xuất giống thủy sản.

 Nhiều cơ sở vi phạm

 Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 47 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc), 16 cơ sở được cấp giấy đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động sản xuất giống thủy sản.

Phú Yên: Vì sao tôm hùm giống nhập khẩu giá rẻ, tỷ lệ sống được thấp? - Ảnh 1.

Kiểm tra chất lượng tôm giống tại cơ sở sản xuất giống thủy sản của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (tỉnh Phú Yên). Ảnh: ANH NGỌC

 Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, kéo theo một số cơ sở sản xuất giống thủy sản phải tạm dừng hoạt động, sản lượng giống thủy sản đã sản xuất khoảng 593 triệu con, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú (giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019). 

Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT), từ tháng 3-7/2020, Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 2 đợt kiểm tra tại 25 cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra, đa số các cơ sở này thực hiện chưa đầy đủ các quy định như chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản, chưa xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng giống thủy sản, không ghi chép và lưu trữ hồ sơ, chưa quy định thời gian sử dụng giống thủy sản bố mẹ, chưa thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông.

Do các cơ sở này chưa nắm rõ các quy định về quản lý giống thủy sản và tình hình sản xuất gặp khó khăn nên đoàn kiểm tra thống nhất không xử lý vi phạm hành chính mà chỉ nhắc nhở, đồng thời yêu cầu các cơ sở vi phạm cam kết sớm khắc phục những thiếu sót trên.

 Đầu tháng 7/2020, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng ở tỉnh Phú Yên tiến hành thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tại phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa). 

Qua kiểm tra 4 cơ sở, đoàn công tác phát hiện có 2/4 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; 1/4 cơ sở không ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất; 1/4 cơ sở không công bố tiêu chuẩn cơ sở; 3/4 cơ sở kinh doanh giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú bố mẹ không có nguồn gốc, xuất xứ.

 Tổng cục Thủy sản đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở này với số tiền 155 triệu đồng, buộc tiêu hủy 2.100 con tôm thẻ chân trắng và 4 con tôm sú bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buộc tiêu hủy 60 triệu Nauplius tôm thẻ chân trắng, 200.000 con tôm sú PL20 về hành vi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

 Theo ông Kiều Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Thủy sản), đây là số lượng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện. Còn đối với số Nauplius bán từ các cơ sở này, qua xác minh trung bình hơn 100 triệu con mỗi năm, cung cấp cho các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận để hợp thức hóa thành tôm có nguồn gốc, bán với giá tôm có thương hiệu, giá cao.

 Tôm hùm giống ngoại nhập: giá rẻ, tỉ lệ sống thấp

 Hiện nay ở tỉnh Phú Yên, việc khai thác tôm hùm giống trong tự nhiên để cung cấp nuôi thương phẩm số lượng không nhiều, trong khi nhu cầu con giống tôm hùm ngày càng tăng cao, do đó con giống tôm hùm cung cấp cho người nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập từ nước ngoài về (Indonesia, Philippines).

 

Phú Yên: Vì sao tôm hùm giống nhập khẩu giá rẻ, tỷ lệ sống được thấp? - Ảnh 3.

Người nuôi tôm ở tỉnh Phú Yên kiểm tra con giống trước khi thả nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), cho biết: Một trong những khó khăn hiện nay đối với công tác quản lý nuôi thủy sản lồng bè ở TX Sông Cầu là việc kiểm soát số lượng, chất lượng tôm hùm giống nhập về địa phương. Con giống tôm hùm khai thác trong tự nhiên có giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/con, trong khi tôm hùm giống nhập khẩu về địa phương có thời điểm chỉ còn 20.000 đồng/con.

 Theo thông tin phản ảnh từ người nuôi, chất lượng tôm hùm giống nhập về không ổn định, có đợt tỉ lệ sống 80-90%, nhưng có đợt tỉ lệ sống chỉ khoảng 30% mà không rõ nguyên nhân. Chính vì việc nhập tôm giống với số lượng nhiều và giá rẻ nên người nuôi ồ ạt đóng thêm lồng bè, nuôi ngoài vùng quy hoạch... làm cho công tác quản lý ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

 Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, mặc dù địa phương và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý, nhằm kiểm soát số lượng, chất lượng tôm hùm giống nhập về tỉnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng vận chuyển, kinh doanh tôm hùm giống trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát; đầu mối kinh doanh tôm hùm giống tại các địa phương trong tỉnh thường trốn tránh kiểm tra, không tuân thủ quy định về quản lý giống.

 Trong khi đó, người nuôi chưa quan tâm và hầu như không yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng…

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: Con giống tôm hùm được nhập từ nước ngoài về chủ yếu bằng đường hàng không, từ cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), sau đó được đưa về sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) rồi phân phối đi các tỉnh thông qua các đầu mối trung gian.

Theo quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản thì Chi cục Thú y vùng thuộc Cục Thú y thực hiện lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra bệnh, cách ly kiểm dịch trong vòng 10 ngày đối với các lô tôm hùm giống nhập khẩu về Việt Nam.

 Như vậy, việc cách ly, kiểm dịch đối với tôm hùm giống nhập khẩu được chủ lô hàng thực hiện đầy đủ theo đúng quy định, đảm bảo điều kiện để tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, việc vận chuyển lô hàng từ nơi cách ly về các tỉnh, các chủ hàng hầu như chưa thực hiện kiểm dịch xuất tỉnh theo quy định. 

Đầu mối bán và giao tôm giống trực tiếp tại vùng nuôi, số lượng tôm hùm giống nhập về tỉnh Phú Yên hàng trăm triệu con giống mỗi năm nhưng các doanh nghiệp không phối hợp với địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

 Theo ông Nguyễn Tri Phương, để công tác quản lý, kiểm soát tôm hùm giống nhập khẩu chặt chẽ hơn, tỉnh đã kiến nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu tôm hùm giống phải đăng ký địa điểm cách ly thuộc địa bàn tỉnh Phú Yên đối với các lô hàng nhập về bán tại Phú Yên.

 Trường hợp cách ly tại tỉnh khác thì cho phép tỉnh Phú Yên tái kiểm dịch và cách ly trước khi bán cho người nuôi. Bộ NNPTNT cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn cụ thể cho địa phương quy trình xử lý, tiêu hủy các lô tôm hùm giống không thực hiện kiểm dịch theo quy định. Bộ NNPTNT cũng cần có quy định cụ thể về quản lý, kiểm soát chất lượng đối với giống tôm hùm khai thác tự nhiên, ương dưỡng tại địa phương.

Ở tỉnh Phú Yên có cơ sở sản xuất giống thủy sản của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là cơ sở đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong hoạt động sản xuất giống thủy sản. Tỉnh cần làm việc với doanh nghiệp này để xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục thì cơ quan thú y sẽ hỗ trợ cho tỉnh việc đăng ký địa điểm cách ly đối với đối tượng tôm hùm giống nhập khẩu. 

 

Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng IV Phan Hữu Đức

Anh Ngọc (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem