Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam: Cần được tiếp thêm nguồn lực

Thứ sáu, ngày 29/03/2013 09:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần 8.000 nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) đã được khám, hướng dẫn luyện tập tại nhà, hàng chục nghìn người khác được cung cấp kỹ năng huấn luyện phục hồi chức năng (PHCN).
Bình luận 0

Nhờ vậy, nhiều nạn nhân CĐDC đã có cuộc sống ý nghĩa hơn. Đây là kết quả của Dự án “Tổ chức PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” do Bộ Y tế chủ trì, Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện. Tuy nhiên, dự án sẽ kết thúc vào năm 2013, trong khi số nạn nhân cần trợ giúp còn rất lớn.

img
Nạn nhân chất độc da cam ở Thái Bình vừa tham gia khóa huấn luyện phục hồi chức năng.

Nhiều cuộc đời được hòa nhập

Hai bố con anh Phạm Văn Phượng (40 tuổi) đều là hội viên Hội Nạn nhân CĐDC xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Anh Phượng cho biết, từ nhỏ anh đã bị tật nguyền bàn tay phải, việc đi lại, lao động rất khó khăn. Nhưng năm 2009, khi dự án về làng, anh cùng 80 hội viên khác được tiếp nhận chương trình khám mổ và PHCN miễn phí. Riêng anh, sau khi mổ, cổ tay đã mềm lại, ngón cái không bị cong gập mà đã có thể cầm nắm khá tốt. Sau đó, anh tiếp tục được các cán bộ y tế hướng dẫn luyện tập, đến giờ, bàn tay anh đã phục hồi được 90%, có thể đi xe đạp và lao động sản xuất tốt.

Còn chị Bùi Thị Nga (45 tuổi) trú tại xã Tịnh Ẩn Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vừa là mẹ của 2 nạn nhân CĐDC, vừa là cộng tác viên PHCN của huyện. Chị Nga cho biết, 2 con gái chị vừa câm, vừa điếc nên từ nhỏ đã luôn sống dựa vào bố mẹ, không tự chăm lo cho bản thân. Nhưng khi được học kiến thức PHCN từ dự án, chị đã kiên trì hướng dẫn, luyện tập cho con nhận biết các ký hiệu, học nói. Sau gần 20 năm nuôi con cực nhọc, lần đầu tiên, vợ chồng chị được nghe con gọi cha mẹ. “Giờ cuộc đời các cháu đã tươi sáng hơn. Tất cả là nhờ những kiến thức tôi học được từ dự án” – chị Nga cho biết.

PGS-TS Trần Trọng Hải - Phó Giám đốc dự án cho biết, sau gần 5 năm triển khai, dự án đã cung cấp dịch vụ và chuyển giao kiến thức về PHCN cho 3 huyện thuộc 3 tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Nai, đồng thời đã tiến hành điều tra cơ bản, phát hiện nhu cầu về PHCN cho gần 15.000 nạn nhân và người khuyết tật (đạt 170% kế hoạch đề ra); tập huấn hướng dẫn huấn luyện PHCN tại hộ gia đình cho hơn 21.000 người.

Nhu cầu PHCN còn rất lớn

Theo TS Hải, tuy dự án mới “đi lướt” qua 3 tỉnh nhưng cũng có nhận định chung là bản thân nạn nhân và người thân trong gia đình hoàn toàn “mù” về kiến thức PHCN nên cam chịu số phận, sống với tật nguyền mà không chịu tìm cách khắc phục. “Về cơ bản, bất cứ tật nguyền nào nếu được phục hồi đúng và có thêm các dụng cụ hỗ trợ thì người khuyết tật sẽ được “thêm vây, thêm cánh” để tự phục vụ mình, sau đó có thể lao động để nuôi sống bản thân. Dự án tiếp cận nạn nhân theo cách đó” – ông Hải cho biết.

“Hiện nước ta có trên 3 triệu nạn nhân phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Đối với thế hệ con, cháu của họ, tỷ lệ phơi nhiễm chiếm 2,95%, gấp 4 lần so với thế hệ trước... Dự án đã cải thiện được chất lượng cuộc sống, đem lại hy vọng cho người khuyết tật nói chung và nạn nhân CĐDC nói riêng, đồng thời giảm gánh nặng cho cộng đồng. Hy vọng dự án sẽ được mở rộng ra toàn quốc”.

Tuy nhiên, theo ông Hải, quá trình triển khai dự án còn nhiều khó khăn. Mức phụ cấp cho cộng tác viên PHCN mới chỉ được 100.000 đồng/tháng, nên chưa động viên được họ nhiệt tình tham gia. Nhu cầu nạn nhân CĐDC về phẫu thuật chỉnh hình và dụng cụ trợ giúp vẫn còn nhiều so với kinh phí của dự án.

Tại 3 địa phương thuộc vùng dự án, đã có 343 nạn nhân được phẫu thuật hoặc PHCN tại bệnh viện; 820 nạn nhân được cấp phát dụng cụ trợ giúp. Hiện tại vẫn còn 650 trường hợp có nhu cầu phẫu thuật, hơn 500 nạn nhân có nhu cầu dụng cụ trợ giúp mà chưa được đáp ứng. Đáng chú ý, nhiều tiêu chí đánh giá nạn nhân CĐDC chưa thống nhất giữa các bộ, ngành. Để bảo đảm công bằng và nhân văn thì không nên phân biệt giữa nạn nhân với người khuyết tật nói chung. Các can thiệp nên tiến hành cho cả 2 nhóm, trong đó ưu tiên nạn nhân CĐDC trước…

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải – Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: “Toàn tỉnh có hơn 13.000 người bị phơi nhiễm, trong đó có trên 8.000 người là nạn nhân CĐDC. Tuy nhiên, dự án mới được thực hiện tại huyện Long Thành, số được hỗ trợ còn rất nhỏ so với nhu cầu”. Còn Quảng Ngãi cũng có khoảng hơn 21.400 người nghi do nhiễm CĐDC/dioxin, nhưng dự án cũng chỉ giúp đỡ được 5.248 người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem