Phục hồi ngành thủy sản: "Giảm 10% tiền điện nếu không linh hoạt sẽ tạo bất mãn cho doanh nghiệp"

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 22/10/2021 14:18 PM (GMT+7)
"Giảm 10% tiền điện chưa phải là cái gì quá lớn nhưng trong thời điểm này nó có ý nghĩa rất lớn. Nếu triển khai không linh hoạt, thỏa đáng sẽ tạo bất mãn cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói.
Bình luận 0

Triển khai không linh hoạt sẽ tạo bất mãn cho doanh nghiệp

Sáng 22/10, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch Covid-19 quý IV/2021. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Nêu vấn đề về các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành thủy sản để phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, tính đến ngày 20/10, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 ở các tỉnh có ngành thủy sản trọng điểm còn rất thấp.

Theo ông Nam, năm 2021 dư địa của ngành thủy sản rất lớn và có thể đạt từ 8,8 - 9 tỷ USD. Tuy nhiên, 3 tháng vừa qua (tháng 7, 8 và 9) dưới sự tác động của Covid-19 thì tốc độ phục hồi doanh nghiệp chưa thể nhanh được.

Phục hồi ngành thủy sản: "Giảm 10% tiền điện chưa phải là quá lớn, nhưng không linh hoạt sẽ tạo bất mãn cho doanh nghiệp" - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, "10% tiền điện chưa phải là cái gì lớn lắm nhưng trong thời điểm này nó có ý nghĩa rất lớn. Nếu triển khai không linh động, thỏa đáng sẽ tạo nên bất mãn cho doanh nghiệp. Ảnh: IT

"9 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu thủy sản đạt 6,2 tỷ USD, trung bình chưa đến 700 triệu USD/tháng, 3 tháng cuối năm chuỗi ngành hàng và cơ quan quản lý cần nỗ lực hơn nữa để có nguồn nguyên liệu, lao động. Rất khó để có con số khả dĩ hơn, bởi vậy chúng tôi đưa ra con số để tham khảo, năm 2021 chúng ta phấn đấu xuất khẩu thủy sản đạt là 8,4 tỷ. Bởi thực tế tác động của Covid-19 là lớn quá", ông Nam nói.

Cũng tại Hội nghị, ông Nam cho biết, hiện nay có tổng cộng 7 đến 8 chính sách của Nhà nước để tiếp sức, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng trong triển khai những chính sách này không nhanh và tạo bức xúc cho doanh nghiệp.

Đầu tiên đó là, hỗ trợ của Công đoàn là mức 1 triệu đồng/lần/người cho 1 người lao động ở những nơi sản xuất 3 tại chỗ. Tuy nhiên, điều kiện là phải áp dụng cho những nhà máy phải nằm ở địa phương mà áp dụng Chỉ thị 16 toàn tỉnh, chứ chỉ có 1-2 xã hoặc 1-2 huyện áp dụng thì lại không được. Hiện nay, rất ít địa phương áp dụng Chỉ thị 16 toàn tỉnh.

Về giảm tiền điện, ông Nam cho biết, ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Công thương về hỗ trợ tiền điện cho ngành chế biến thủy sản và chế biến rau quả. 

"10% tiền điện chưa phải là cái gì quá lớn nhưng trong thời điểm này nó có ý nghĩa rất lớn. Nếu triển khai không linh hoạt, thỏa đáng sẽ tạo bất mãn cho doanh nghiệp. Hiện nay, có ít nhất 5 tỉnh không được nhận hỗ trợ tiền điện, gồm An Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng...

Tại Nghị quyết 97/NQ-CP của Chính phủ không đề cập đến việc chỉ hỗ trợ đối với các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 toàn tỉnh. Trong công văn hướng dẫn của Bộ Công thương cũng không nêu. Khi Sở Công Thương và ngành điện lực dưới địa phương triển khai thì "gắn" thêm vào chữ phải áp dụng Chỉ thị 16 toàn tỉnh thì mới được hưởng giảm tiền điện 10%.

"Chúng tôi đã báo cáo tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Đây là Nghị quyết của Chính phủ chứ không phải văn bản riêng của cấp Bộ hay của địa phương nhưng ngành điện áp dụng như thế cần phải xem lại. Hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang có nhiều thứ phải lo, nhưng riêng chuyện này thôi cũng khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.", ông Nam nói.

Một vấn đề nữa, ông Nam kiến nghị, Chính phủ, Bộ NNPTNT có ý kiến với các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành thủy sản.

Hàng nghìn tàu cá vẫn phải nằm bờ

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho hay: Tổng sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 2,917 triệu tấn (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. 

Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm.

Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. 

Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính trong 3 tháng là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác, (tháng 7 khoảng 9.800 tàu; tháng 8 là 19.700 tàu, tháng 9 là 13.700 tàu) các tàu ngừng sản xuất làm giảm sản lượng khai thác trong 3 tháng khoảng 186.000 tấn trong năm 2021.

Phục hồi ngành thủy sản: "Giảm 10% tiền điện chưa phải là quá lớn, nhưng không linh hoạt sẽ tạo bất mãn cho doanh nghiệp" - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch Covid-19, quý IV/2021. Ảnh: Minh Ngọc

Không chỉ do dịch Covid-19 khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ, ngừng khai thác, tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ lao động để đi biển. 

Tính đến tháng 9/2021 cả nước có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên các tàu cá. Cùng với tác động của dịch Covid-19, số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá càng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản ở nhiều địa phương. 

Hiện số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 còn thấp, ước đạt khoảng 25%.

Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hậu cần nghề cá; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là trong bảo quản sản phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, để phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường từ nay đến cuối năm yêu cầu VASEP đồng hành cùng Bộ NNPTNT để đảm bảo được giá trị xuất khẩu tăng cao.

"Nguyên liệu khai thác chúng ta không thiếu, vấn đề bây giờ là tổ chức chế biến. Tuy nhiên, phải chú trọng về nguồn lao động, vốn, phòng chống Covid-19, vận chuyển...".

Theo ông Tiến, trong khai thác có 5 vấn đề cần chú ý, đó là, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật, tai nạn tàu cá và chuyển đổi nghề. Đây là 5 nội dung cốt lõi của khai thác năm nay và những năm tiếp theo.

"Và đây cũng chính là 5 nội dung mà chúng ta thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU", ông Tiến nhấn mạnh.

"Các tỉnh, thành quan tâm nâng cấp hạ tầng thủy sản; nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các chỉ đạo về phòng chống khai thác bất hợp pháp và tháo gỡ thẻ vàng của EC; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không lắp thiết bị giám sát hành trình, ngắt kết nối và vi phạm vùng biển nước ngoài...", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem