Phục sát đất một anh nông dân chân đất ở An Giang "độ, chế" hàng loạt máy nông nghiệp khiến nông dân nhẹ cả người

Thứ sáu, ngày 09/09/2022 05:41 AM (GMT+7)
Anh Nguyễn Vủ Linh (nông dân ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã mày mò cải tiến thành công nhiều máy nông nghiệp như: Máy cày, máy kéo nhiều chức năng giúp nhà nông giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Từ những kinh nghiệm trong việc sửa chữa các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình, anh Nguyễn Vủ Linh (nông dân ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã mày mò cải tiến thành công nhiều máy móc, như: Máy cày, máy kéo nhiều chức năng giúp nhà nông giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Bén duyên từ nhỏ

Sinh ra trong gia đình làm nông, anh Nguyễn Vủ Linh đã được làm quen, tiếp cận với các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp khi mới 14-15 tuổi. 

Anh Linh cho biết, lúc trước gia đình có sở hữu máy tuốt, thùng phóng, máy cải tiến... Đến thời điểm thu hoạch, các loại máy trên đều hoạt động quá công suất nên bị hư hỏng thường xuyên. Mỗi lần bị hư hỏng, anh Linh tự nghiên cứu, mày mò sửa chữa để máy tiếp tục hoạt động.

Phục sát đất một anh nông dân chân đất ở An Giang "độ, chế" hàng loạt máy nông nghiệp khiến nông dân nhẹ cả người - Ảnh 1.

Các loại máy móc, thiết bị do anh Linh,  ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang chế tạo, cải tiến nhận được đánh giá cao của người sử dụng.

Từ từ quen dần, nghề dạy nghề, nên khi máy móc trong gia đình có hư hao thì bản thân cũng biết cách khắc phục, không phụ thuộc vào thợ máy bên ngoài. 

Bên cạnh đó, nhiều loại máy móc khi đưa vào sử dụng chưa thể phát huy tối đa công suất, không phù hợp với điều kiện mặt ruộng tại địa phương. Từ đó, anh Linh bắt đầu suy nghĩ, cải tiến một vài tính năng, vị trí trên máy sao cho đạt công suất tối đa, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Thời gian đầu, việc sửa chữa máy gặp nhiều khó khăn. Do bản thân là người sử dụng thiết bị, chưa thành thạo kỹ thuật hàn, tiện máy nên chưa nắm rõ kích thước, quy cách làm ra các loại máy. Từ những lần đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, anh Linh quan sát kỹ lưỡng cách làm của những người thợ chuyên nghiệp, trao đổi trực tiếp những vấn đề chưa rõ, những điều còn thắc mắc nên đã giúp anh mạnh dạn trong việc chế tạo ra chiếc máy cho riêng mình.

Sau quá trình thực hiện, cải tiến thì chiếc máy kéo bánh xích đầu tiên đã hoàn thành, phục vụ được nhu cầu sản xuất của bà con. Tuy nhiên, do mới tiếp cận công việc nên sản phẩm làm ra có mẫu mã chưa đẹp, còn nhiều khiếm khuyết. 

Sau nhiều lần cải tiến; sản phẩm tiếp theo đã đáp ứng được nhu cầu khoảng 90% người sử dụng. Và đến chiếc máy thứ 3, bà con đã tin tưởng, đặt hàng nhiều hơn.

Anh Linh cho biết, trước đây, sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường sử dụng thùng kéo gắn sau máy cày. Thùng kéo sử dụng bánh lốp, trong quá trình sử dụng hay bị lún do mặt ruộng quá mềm. 

Từ gợi ý của người bạn: “Sao không làm máy kéo sử dụng bánh xích?”, anh nảy ra ý định sáng chế ra chiếc máy kéo sử dụng bánh xích, có thể chạy độc lập mà không cần sử dụng máy cày để kéo. 

Sau nhiều lần tìm tòi, sản phẩm được cải tiến thành công và đưa vào sử dụng trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Từ thành công của chiếc máy này đã tạo tiền đề việc sản xuất các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp với giá cạnh tranh, nhiều tính năng hữu ích...

Phục sát đất một anh nông dân chân đất ở An Giang "độ, chế" hàng loạt máy nông nghiệp khiến nông dân nhẹ cả người - Ảnh 3.

Cơ sở cơ khí của anh Linh tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Những thiết bị hữu ích

Có mặt tại cơ sở của anh Nguyễn Vủ Linh vào thời điểm anh cùng thợ đang chế tạo máy kéo lúa, đây là một trong những sản phẩm chủ lực của anh Linh. Chiếc máy kéo được thiết kế có chiều ngang 2,2m, chiều dài 5,4m chuyên dùng kéo lúa ở những vùng đất bùn lầy. 

Theo anh Linh, 1 chiếc máy có thể kéo 120 bao lúa (mỗi bao từ 45-50kg) một lần kéo, cao hơn các loại máy trên thị trường từ 30-40 bao. Sau khi thu hoạch, có thể gắn bàn xới hoặc ủi vào để phục vụ công việc làm đất cho vụ tiếp theo. 

Để làm chiếc máy kéo, anh Linh mua động cơ, dây xích, hộp số từ các hãng lớn, sau đó, thiết kế khung sườn, bánh lăng, theo kết cấu mà khách hàng đã đặt. Nhờ vậy, máy có kích thước và độ dày dặn hơn so với các dòng máy kéo trên thị trường.

Ngoài máy kéo, anh Linh còn sáng chế máy cày để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con. Cũng giống như máy kéo, máy cày có phần khung, xườn do anh Linh sản xuất, phần còn lại mua từ bên ngoài. Nhờ vậy, mỗi chiếc máy cày được anh Linh sản xuất có giá thấp hơn thị trường khoảng 40%. Trong khi đó, các tính năng, tốc độ di chuyển... không thua kém các loại máy có trên thị trường. 

Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, khách hàng có những yêu cầu thêm về tính năng đều được anh Linh nhiệt tình đáp ứng.

Anh Linh chia sẻ thêm: “Từ năm 2009 đến nay, tôi đã nghiên cứu cải tiến, chế tạo hàng chục chiếc máy kéo, xới, ủi để bán cho nông dân trong và ngoài tỉnh từ miền Nam cho đến miền Trung. Để làm ra 1 chiếc máy kéo, cần 3 nhân công làm với khoảng thời gian 15 ngày. Giá bán 1 chiếc khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí nhân công và mua thiết bị, lợi nhuận còn lại khoảng 7-8 triệu đồng, bình quân mỗi tháng gia đình có thể làm được 2 chiếc máy, thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng/tháng”.

Nhờ quảng bá và giới thiệu của bạn bè thân quen, 12 năm qua, công việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật máy móc của gia đình ngày càng hiệu quả, đơn đặt hàng của khách ngày một tăng, cũng nhờ vậy, gia đình anh Linh có điều kiện thuê thêm 6 lao động với mức lương khoảng 200.000 đồng/ngày để cùng thực hiện.

Anh Nguyễn Vủ Linh là một trong những điển hình nông dân say mê nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để giải quyết những trở ngại trong quá trình lao động sản xuất, đóng góp hiệu quả vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Thời gian tới, anh Linh dự định cho xuất xưởng sản phẩm mới, một loại máy cày, sử dụng bánh xích với nhiều chức năng, như: ủi đầu, xới, phạt rạ, cuốn rơm, đánh rãnh... Sản phẩm ra đời hứa hẹn sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của nông dân.


Đức Toàn (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem