Nhiều tổ chức và cá nhân đã gửi tiền vào một đơn vị của Ngân hàng Công thương (Vietinbank). Tiền đã vào ngân hàng, rồi bị chính nhân viên của Ngân hàng Công thương – là Huỳnh Thị Huyền Như - ăn cắp.
Tại phiên sơ thẩm, người ta lập luận cho rằng các khách hàng của Vietinbank đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền và Vietinbank không có trách nhiệm phải bồi thường. “Nút thắt” của vụ án chính là ở đây vì ai cũng hiểu, cá nhân Huyền Như không còn khả năng bồi thường cho các bị hại số tiền lớn đến vậy.
Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa.
Bất kể ai có nghiệp vụ ngân hàng đều thấy ý kiến như thế là rất khó chấp nhận và kết luận của tòa sơ thẩm là rất kỳ cục. Nó chứng tỏ trình độ năng lực của các thẩm phán phiên tòa đó có vấn đề. Bởi vì từ trước đó, dư luận và các chuyên gia đã lên tiếng và phân tích rất kỹ càng và thấu đáo về sự ràng buộc trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án Huyền Như.
Tuy nhiên, bất chấp các ý kiến và lý lẽ đó, tòa sơ thẩm đã tuyên Vietinbank vô can trong vụ án này. Tất cả mọi tội lỗi đổ lên đầu bị cáo Huyền Như, một người lẽ ra đã không thể lừa đảo với số tiền khủng khiếp đến như vậy nếu không lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình là Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM.
"Nguyên nhân dẫn đến việc Như chiếm đoạt số tiền không phải là lỗi của khách hàng mà là sự lợi dụng chức vụ quyền hạn của Như và sự buông lỏng trong quản lý của Vietinbank. Hành vi lợi dụng chức vụ chỉ được thực hiện sau khi tiền của khách hàng chuyển vào tài khoản hợp pháp của họ tại Vietinbank", kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thế Thành nhận định tại phiên tòa hôm 24.12.
Việc đại diện Viện Kiểm sát, trong phiên phúc thẩm, đã nhận xét bản án sơ thẩm sai sót nghiêm trọng và kiến nghị tòa phúc thẩm hủy, sửa một phần để điều tra xử lại vụ án, trong đó có nội dung buộc Vietinbank phải bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng cho các khách hàng bị Như chiếm đoạt tiền, đã cho thấy có những chuyển biến, nhìn nhận khách quan hơn của cơ quan tố tụng tại phiên phúc thẩm. Dù tất cả vẫn còn phải chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án, tuy nhiên, kiến nghị này nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ.
Để tránh các án oan sai, tránh sự vi phạm pháp luật của chính các cơ quan điều tra, công tố và xét xử thì ngành tư pháp phải hoạt động độc lập, không chịu sự chi phối, tác động của bất cứ ai. Chỉ có như vậy thì các thẩm phán mới có động cơ để lưu ý đến ý kiến của đương sự, gia đình, luật sư và dư luận.
Và việc cải cách hệ thống tư pháp, đào tạo lại các nhân viên của ngành tư pháp là đòi hỏi cấp bách nếu muốn xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.