Khác với visa Schengen đi châu Âu, đương sự mang giấy mời trực tiếp đến Lãnh sự quốc gia mời để hoàn tất thủ tục và người ta sẽ dán visa vào trong hộ chiếu, thì Cộng hòa Qatar không hề cấp visa tại Lãnh sự. Đơn giản quốc gia này không hề khai thông con đường du lịch, thăm thân, họ chỉ mời người sang lao động và công tác.
Khi tôi có giấy mời ngoại giao, giấy mời đó phải được bên Bộ An ninh của họ đồng ý, Cục biên phòng cho phép, Bộ Ngoại giao sẽ cấp visa ngay tại Doha và gửi thông tin tới các hãng hàng không, các cửa khẩu bằng telech. Và họ cũng gửi cho tôi một thư điện thử có scan bản visa này. Tôi photocopy visa cặp vào quyển hộ chiếu bất li thân và lên đường.
Tôi sống ở Moscow và cũng đã qua lại chừng năm chục nước, nhưng đây là lần đầu tiên đi bằng visa photocopy, tôi rất lạ lẫm và chẳng có một chút tự tin nào khi đứng chờ trước lối vào cửa khẩu. Thật ngạc nhiên, các cửa khẩu nổi tiếng ngặt nghèo như Nga, Thổ Nhĩ kỳ, Dubai, hầu như công an biên phòng không ai hỏi về mảnh giấy photo mà tôi cứ chực trình qua cửa kính. Mọi dữ liệu cần thiết đã có trong hệ thống kiểm soát của họ rồi. Đó là những gì diễn ra khi Qatar chưa vướng vào cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi một loạt nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này với cáo buộc Doha tài trợ cho khủng bố.
Doha- địa đàng trên sa mạc
Trước khi sang Qatar, tôi tranh thủ tìm hiểu qua mấy băng video clip trên youtube và mấy bài báo của Nga viết về thành phố Doha và các sa mạc. Nổi bật nhất trên các tư liệu đó là cái nóng khủng khiếp, nhất là những ai mới từ xứ lạnh sang Doha vào mùa hè. Có người bay từ Iakutxk vào cữ cuối xuân, khi đó băng vừa tan, nhiệt độ xấp xỉ chừng 10, 12 độ, nhưng khi sang đến Doha thì nhiệt thử biểu chỉ dựng đứng lên tới bốn mươi độ, chẳng khác nào bước từ phòng lạnh sang buồng tắm hơi sauna. Những ai áp huyết cao thì chuyện cấp cứu là không tránh khỏi.
Vì vậy, việc tôi chọn thời điểm cuối tháng hai để đến Doha phải tự sướng mà thú nhận rằng, đó là một sự lựa chọn thông thái, bởi vì đây là thời điểm nhiệt độ dao động từ 28 đến 32 độ, rất lý tưởng cho người xứ Nghệ đã quen với gió Lào cát trắng.
Doha chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa hơi nóng. Mùa nóng nhiệt độ có lúc đạt đỉnh 52 độ, dạng thời tiết mà chỉ cần bước ra sân nhà là nóng rực như đi vào chảo lửa. Mùa nóng kéo dài suốt từ tháng tư cho đến tháng mười một, đỉnh điểm là tháng 6, tháng 7, tháng 8, khi đó nhiệt độ thường là 48 hay 50 độ. Dân tình Qatar suốt trong quãng thời gian đó chỉ sống trong nhà hoặc trong xe với chế độ sử dụng điều hòa nhiệt độ tối đa. Vào mùa nóng, người ta không thể đi bộ ngoài trời, bước qua đường để đến một cửa hàng thực phẩm cách chừng vài ba trăm mét để mua thực phẩm. Tôi chưa được trải nghiệm môn thể thao chịu nóng đó, nhưng một người bạn của tôi sống qua mấy mùa hè ở Doha miêu tả rằng, chỉ cần mở cửa bước ra ngoài là có cảm giác lửa ngọn táp thẳng vào mặt, da bị bỏng rộp tức thì, nếu như mặt không quấn kín khăn dày. Và nếu liều lĩnh bước ra khỏi nhà thì giác mạc bị bỏng. Đi đâu, một bước cũng phải ngồi ô tô và điều hòa mở đến cỡ lạnh nhất.
Chính vì thế, người dân ở đây coi ô tô là mái nhà thứ hai của mình. Mỗi gia đình ở Doha thường có tới 5 hoặc bảy chiếc ô tô đời mới nhất. Mức thu nhập của cư dân sở tại cho phép họ làm điều đó và hơn thế nữa.
Thủ đô Doha tráng lệ của Qatar.
So với Nga thì giá xe vẫn thấp hơn một chút hoặc tương đương; còn so với Việt Nam thì giá xe ở Doha chỉ nhỉnh hơn một nửa, tức là giá hai chiếc ở đây cộng lại chưa bằng một chiếc đồng hạng ở ta. Một chiếc xe Toyota Carrolla khoảng 16000 đô la, một chiếc xe tầm trung Volkswagen Passat 230000 đô la; còn tầm tầm như Nissan Sunny thì chỉ 12 000 đô la không bằng giá một con Matiz ở Hà Nội.
Dòng Toyota được ưa chuộng nhất tại Qatar, vì qua thể nghiệm, loại xe này được nhiệt đới hóa, có điều hòa nhiệt độ tốt nhất và có sức bền chạy trênsa mạc. Còn xe Mỹ và xe Đức không nhiều, có lẽ chỉ chiếm khoảng một phần tư hay một phần năm số lượng xe lưu thông trên đường. Đứng về mặt số lượng, xe ở Doha không thể so với Tokyo, Matxcơva, Bắc Kinh, New York, nhưng về mặt chất lượng thì cùng với Dubai, không nơi nào sánh nổi Doha. Những dòng xe nối đuôi nhau trên đường đều mới toanh như một tham dự một cuộc triển lãm. Rất ít xe màu đen, chủ yếu là màu trắng, màu sữa, một anh lái xecho tôi biết, những màu này sẽ phản lại ánh mặt trời, đỡ nóng hơn, nó lại trông có vẻ sạch vì hòa với màu cát trắng sa mạc.
Do khí hậu khô nóng, nên xe ở đây dường như không cần rửa, để tiết kiệm nước, người ta quét khô, hoặc rửa bằng khăn lau, ít khi ra hiệu. Các hiệu sửa xe, rửa xe, các đại lý xe không nằm trong thành phố, mà nằm ngoài vành đai thủ đô, trên những con phố nhất định.
Suốt gần cả tuần rong ruổi trên các chặng đường Doha, chỉ duy nhất một lần thấy cảnh sát giao thông trong một vụ giải tỏa đường. Mặc dù dân ở đây mặc quần áo dài trắng theo đạo Hồi, nhưng cảnh phục của họ thì hoàn toàn Âu hóa. Ở Doha, nếu xe không đăng ký hoặc không nộp đủ thuế, hoặc vì một lý do vi phạm nào đó, thì ngoài các điểm rửa xe, bơm xe và sửa vặt ra, không một ga ra nào được phép sửa chữa, thay thế phụ tùng vì mọi điếm sửa xe đều được kết nối mạng với cảnh sát giao thông.
Trong các lỗi giao thông như đậu sai chỗ, va quệt, chạy quá tốc độ, thì vượt đèn đỏ được coi là lỗi nặng nhất. Các lỗi khác thường chỉ bị phạt 600 ryan, còn vượt đèn đỏ thì phạt tới 6000ryan, tứ là hơn 1500 đôla và có khi bị tước bằng.
Khi có lỗi báo phạt, các chủ xe tự động trả qua thẻ ngân hàng, mỗi năm sẽ được rà soát lại một lần, ai nợ, xe không được lưu hành. Duy nhất trên thế giới, ở Doha cũng có mùa giảm giá lỗi phạt xetrong dịp những ngày lễ trọng của đạo Hồi.
Doha mới xây dựng trong khoảng 15 năm trở lại, nên nó tiếp thu được những công nghệ và quy hoạch hiện đại nhất thế giới. Dường như mọi con đường trong thành phố ra ngoại ô đều là cao tốc. Nền đường sa mạc rất chắc, cộng với kỹ thuật tiên tiến, không có tham nhũng và rút ruột, những đại lộ khoảng 8 làn đường đến 12 làn đường ở đây phẳng lỳ, không xóc, không ổ gà và có hệ thống đèn tuyệt hảo.
Camera kiểm soát được trang bị rất khủng, độ quét tới 120 độ và tia hồng ngoại cho phép kiểm tra chính xác trên một đoạn đường dài kể cả ban đêm hoặc bão cát trong khoảng cách 1km.
Cứ tưởng thủ đô các nước đông dân mới có chuyện tắc đường kinh niên, nhưng không ngờ tại đây, dân số thưa thớt, vào giờ cao điểm, chuyện tắc đường vẫn diễn ra, nhưng cũng như ở Âu châu, không nghe thấy một tiếng còi, không một sự nóng vội, không một lời thúc giục và đặc biệt cánh lái xe không một lời văng tục.
Cả thành phố là một đại công trường xây dựng
Có thể nói thế này mà cũng không sai lắm: Qatar chiêu mộ mọi người trên thế giới đổ về để làm osin cho họ, người thì osin mạng, người thì osin bán hàng, người thì osin dịch vụ, lái tàu, thiết kế, kiến trúc…nhưng nhiều nhất là osin xây dựng.
Ra đường, khó khăn lắm mới gặp được một người Qatar chính hiệu, còn là gặp người các nước khác đủ mọi màu da, nhiều nhất là Pakistan, Ấn Độ, Philipin, Bangladet, Indonexia, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ…trên hàng loạt công trình trải rộng khắp thành phố.
Không tính các công trình nhỏ lẻ như làm một ngôi nhà, một đoạn đường, hoàn tất hệ thống đèn khu phố… thì hiện tại Doha có trên một ngàn đại công trình, trong số đó việc lớn nhất là hoàn thành gần bốn chục đại lộ, 230 cầu vượt, xây xong hai chục khách sạn năm sao, một bảo tàng Quốc gia đồ sộ, hoàn thành hai cảng biển và …mười hai sân vận động ngầm để phục vụ Word Cup 2022 sắp đến.
Những công trình kiến trúc độc đáo ở Doha.
Do khí hậu khắc nghiệt, người lao động chủ yếu làm việc từ lúc mặt trời lặn cho đến khi bình minh hé rạng. Ô tô chở họ từ nhà ở đến công trường và suốt thời gian làm việc chỉ bó buộc trong khoảng không gian ấy được bao kín bằng tường rào tôn, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tôi chưa có dịp tiếp xúc nhiều với họ, nhưng tôi hình dung ra cuộc sống đầy khó khăn, vất vả của những người đi làm công ở xứ người khác lạ thủy thổ, lạ ngữ ngôn và phong tục tập quán. Sau này, khi gặp những người Việt xa quê hương bản quán sang đây, tôi càng thấm thía hơn sự chịu đựng, lầm than của họ về cả tinh thần và vật chất.
Mọi thứ dùng để kiến thiết đất nước Qatar đều phải nhập ngoại, bất kể gạch đá, đất, gỗ, xi măng, sắt thép, đồ nội thất, hoặc máy móc, cần cẩu, ô tô, xe lu…thậm chí là cát. Cát của họ ngập sa mạc, nhưng nhiễm mặn, không thể sử dụng vào việc gì, kể cả trộn xi măng xây dựng.
Với nguồn tài chính khổng lồ, với những dự án táo bạo, với nguồn nhân lực và chuyên gia thuê mướn nước ngoài, chính quyền Qatar đã mạnh dạn xin đăng cai World Cup 2022 và đã đánh bại các cường quốc Nhật, Mỹ, Hàn, Úc một cách ngọan mục.Chính phủ Qatar sẽ đầu tư hơn 125 tỉ USD, số tiền chưa từng thấy trong lịch sử World Cup, để hoàn thành các hạng mục công trình phục vụ cho sự kiện đó.
Thoạt đầu, những nhà tổ chức kỳ cựu không thể tin được là giải bóng này sẽ ra sao khi diễn ra trên sa mạc Trung Đông nóng hầm hập, khi mà lịch thi đấu cuối năm của các nước diễn ra thường kỳ bị thay đổi. Nhưng sau khi nghiên cứu những dự án kỳ vĩ dành cho World Cup 2022, họ hoàn toàn bị chinh phục. Ngoài một sân vận động hiện có sẽ được nâng cấp, chính phủ Qatar sẽ xây thêm 12 sân vận động ngầm quy mô có sức chứa từ 45 ngàn chỗ đến 86 ngàn chỗ.
Mỗi một sân vận động sẽ là một công trình kiến trúc nghệ thuật có một không hai của nhân loại.
Tất cả sân vận động đều được trang bị hệ thống điều hòa tối tân nhất thế giới để đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức dao động từ 18 độ đến 20 độ, bất chấp thời tiết bên ngoài trên 40, 45 độ.
Để thực hiện dự án thế kỷ này, Vương quốc Qatar đầu tư xây dựng mới cảng biển, khách sạn, hệ thống giao thông vận tải và hệ thống truyền thông, an ninh, các chương trình nghỉ ngơi và giải trí phục vụ cho các trận đấu và dự kiến sẽ có tới cả triệu du khách. Đồng thời chính phủ cũng gấp rút đào tạo một đội ngũ những nhà điều hành khách sạn, những chuyên gia có đẳng cấp trong mọi lĩnh vực trong vòng năm năm 2016-2021.
Qatar không phải là vườn địa đàng cho những người xa xứ.
Hiện tại, toàn bộ các đường ngầm Metro đã được tiến hành xây dựng, dự kiến chỉ sau hai năm nữa sẽ được đưa vào vận hành, thông suốt hệ thống ngầm dưới đất. Từ sân vận động này, đến sân vận động kia, đi đến các khách sạn, vào trung tâm thành phố, du khách sẽ đi bằng Metro, hạn chế tối đa nhất việc vận chuyển trên mặt đất.
Các khu liên hợp nhà ở - khách sạn đang được gấp rút xây dựng trên những khu đất rộng bao quanh thành phố. Thành phố đang vươn rộng về phía sa mạc; buổi tối hàng nghìn cánh tay cần cẩu gắn đèn sáng rực vươn cao lên bầu trời xanh thẳm, màu đặc biệt của Doha. Chỉ qua nội một ngày, hôm sau quay lại, đã không nhận ra được nơi mình từng đến nữa bởi các công trình đã vươn cao, thế mới thấy tốc độ xây dựng chóng mặt của thành phố trẻ. Điều đáng khâm phục nhất là tất cả các công trình xây dựng được thực hiện trên đồng cát sa mạc, nhưng gần như đường sá, phố xá không hề có bụi bặm, vẫn sạch như lau.Các tấm tôn cách ngăn, các xe chở vật liệu bịt kín và các biện pháp kỷ luật lao động nghiêm ngặt đã không để cho thành phố rơi vào tình trạng ô nhiễm.
Trong đêm rời Doha, từ trên máy bay chúng tôi nhìn thấy cả kinh đô ánh sáng chói rực muôn màu sắc, hy vọng được trở lại khi trái bóng Wordl Cup bắt đầu lăn trên sân vận động để thêm một lần thấy được sức vươn mình trỗi dậy của miền địa đàng trên sa mạc.
Tôi bỗng nhớ lại như in đoạn đối thoại ngắn ngủi với một công nhân lái xe tải quê Hải Dương tình cờ gặp trong siêu thị, khi tôi hỏi cảm tưởng về cuộc sống ở Doha:
“Cháu nói thật, chú đừng giận. Chú phải biết là chú sang tham quan, đi ngắm cảnh thì nơi đâu mà chẳng đẹp. Chú thử ở nửa năm, đi lao động như bọn cháu mà xem, không đẹp như chú nghĩ đâu. Cơ cực lắm, nắng nóng, ốm đau, lương bổng thấp, chẳng biết vui chơi giải trí là gì. Đấy, chú xem, siêu thị gì chẳng có, nhưng mình có tiền đâu mà mua sắm, càng xem lại càng tủi.
Giá có chút tiền hay có công ăn việc làm ở nhà thì cháu về Việt Nam ngay, tuy bụi bặm, thức ăn cái gì cũng ô nhiễm, nhưng cây cối thì nhiều, có anh em, có bà con, bạn bè chú ạ. Ở quê mình nếu có đám ruộng đi cày, dù đói còn sướng gấp vạn lần đi làm thuê”
Tôi lặng người đi.
Đúng là Doha vô cùng giàu có và phồn hoa, nhưng không phải là vườn địa đàng cho những người xa nhà lao động kiếm sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.