Kinh tế Qatar đang ngấm đòn vì khủng hoảng ngoại giao.
Từ khi được thành lập năm 1981, chưa bao giờ Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh lại gặp khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Về mặt chính thức các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, đã cắt đứt ngoại giao với Qatar vì nước này bị cáo buộc yểm trợ khủng bố, cụ thể là yểm trợ tổ chức Nhà nước Hồi Giáo và Huynh Đệ Hồi Giáo. Nhưng quyết định nói trên thật ra xuất phát từ nguyên nhân sâu xa hơn, đó là nhằm làm suy yếu vai trò ngoại giao ngày càng lớn của Qatar, đồng thời khơi lại căng thẳng với Iran, quốc gia đang bành trướng thế lực trong vùng.
Một quyết định mang tính chính trị, nhưng cú đòn đánh vào nền kinh tế Qatar là những biểu hiện dễ thấy nhất ở thời điểm này. Đầu tiên, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao đã ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của người dân.
Chỉ trong vài ngày qua, hàng loạt những mảng như vận tải, thực phẩm, hàng không, ngân hàng và chứng khoán của Qatar đã chịu áp lực lớn cũng như đẩy giá các mặt hàng đi lên.
Trên thực tế, Qatar là nước nhập khẩu rất lớn nhiều loại mặt hàng, đặc biệt là lương thực, chủ yếu từ các nước như Mỹ, Đức và thậm chí là Ả Rập Xê Út.
Sau khi các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, người dân nước này đổ xô đi tích trữ lương thực vì lo ngại khan hiếm nguồn cung. Thậm chí nhà chức trách tại đây đã phải cấm người tiêu dùng vơ vét hàng hóa ở siêu thị, gây nên tình trạng mất trật tự và khủng hoảng trên thị trường.
Thông thường, Qatar mua thực phẩm chuyển qua tuyến đường của Ả Rập Xê Út nên khi quốc gia này cắt quan hệ ngoại giao, dù vẫn còn tiền mua lương thực nhưng Qatar lại gặp khó để nhập khẩu lương thực qua biên giới.
Đấy là về đời sống người dân, còn việc giao thương giữa Qatar và thế giới bên ngoài, đặc biệt là các quốc gia láng giềng trong khu vực gần như tê liệt. Quyết định cấm các chuyến bay tới Qatar cũng đang khiến nước này gặp nhiều khó khăn bởi diện tích không vực của quốc gia này khá nhỏ, số sân bay cũng không nhiều nên các dịch vụ hàng không của những nước quanh Qatar đóng vai trò chủ yếu cho vận chuyển hàng không nơi đây.
Ngoại trưởng Qatar al-Thani.
Và, “cú đấm trời giáng” này xuống Qatar còn ảnh hưởng đến các nước liên quan trực tiếp và tác động không nhỏ đối với thế giới. Quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và ngăn chặn các tuyến giao thông với Qatar đã tạo ra ảnh hưởng trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng của thế giới, trong đó, dễ nhận thấy nhất trong những ngày vừa qua là giá dầu mỏ và giá vàng liên tục leo thang. Mặc dù vậy, kinh tế chỉ là phần nổi dễ quan sát của một tảng băng ngầm đang dịch chuyển.
Lẽ dĩ nhiên, một Qatar bị các nước láng giềng cô lập đang trở thành miếng mồi béo bở cho các “ngư ông đắc lợi”. Vì cho tới nay Iran vẫn rất ngán ngại khối đoàn kết vùng Vịnh. Nay khối đoàn kết này đang tan rã, nhất là vì trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, Koweit và Oman đã không theo chân Ả Rập Xê Út trong việc trừng phạt Qatar.
Trước mắt, lợi dụng tình hình này, Iran tỏ ra mình là một cường quốc có trách nhiệm khi kêu gọi Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh “nối lại đối thoại để giải quyết các bất đồng”.
Về phần mình, nhận thức rõ rằng “cú đấm trời giáng” này có thể sẽ đẩy Qatar về phía cuối chân tường, nên nước này đã bắt đầu dịu giọng. Trong một diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman đã phản đối các âm mưu can thiệp vào chính sách ngoại giao của nước này, đồng thời khẳng định một "giải pháp quân sự" đối với cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng khu vực Vùng Vịnh không phải là một lựa chọn. Bên cạnh đó, ông Abdulrahman cũng khẳng định tranh cãi giữa Qatar và một số quốc gia Arab đang đe dọa sự ổn định của toàn khu vực, đồng thời nhấn mạnh ngoại giao vẫn là lựa chọn ưu tiên của Doha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.