QH thảo luận về dự toán ngân sách 2013-2014: Kỷ cương ngân sách chưa nghiêm

Thứ bảy, ngày 26/10/2013 18:48 PM (GMT+7)
Sáng 25.10 các đại biểu Quốc hội họp Tổ để thảo luận về Dự toán ngân sách năm 2013 - 2014, kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong 3 năm 2011 - 2013 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ 2014- 2016.
Bình luận 0
Hụt thu chưa có giải pháp tháo gỡ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lo ngại trước tình trạng chính sách tài khóa chặt chẽ đang bị vi phạm một cách đáng quan ngại. Năm 2013 thu ngân sách không đạt kế hoạch 816.000 tỷ đồng mà chỉ thu được 790.000 tỷ đồng. Thu không đạt đã xuất hiện mầm mống từ 2012 chứng tỏ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn chưa có cách tháo gỡ.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu.

Xung quanh vấn đề thu chi ngân sách, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: “Tình trạng nợ quốc gia đang tăng lên. Chúng ta đã đến thời điểm phần thu còn phải dành để trả nợ vì nhiều khoản nợ đã đến hạn rồi. Chẳng hạn, các khoản vay trái phiếu cách đây 3 đến 5 năm đến nay đều phải trả. Cho nên đây là thời điểm vay là phải trả luôn chứ không chờ con cháu được nữa”.

Ông Trần?Du Lịch thẳng thắn kiến nghị: “Chính phủ cần cho biết trên bản đồ trả nợ đáo hạn dùng bao nhiêu phần trăm để trả nợ đáo hạn” và “không được lạm dụng khái niệm đầu tư, bởi thực chất là chúng ta chi tiêu dùng”. Theo ông Lịch, các hạng mục như sửa chữa trụ sở cơ quan NN, mua sắm đồ dùng... đều là chi tiêu dùng chứ không phải là chi đầu tư. Do đó, cần phải tiết kiệm triệt để nên năm 2014 đề nghị giảm 70% chi thường xuyên chỉ đảm bảo tiền lương và chính sách xã hội còn lại thì chi thường xuyên chỉ bằng 50%.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ cần giải thích rõ các khoản vượt chi ngoài dự toán. Chi có những khoản vượt không hợp lý ví dụ chi quản lý hành chính dự toán 95.000 tỷ nhưng chi 97.000 tỷ thì tại sao lại vượt. “Trong báo cáo số liệu cụ thể có vấn đề gì đó chưa nghiêm”, đại biểu Tâm nhận định.

Lo ngại về hiệu quả các chương trình mục tiêu


Liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, vẫn còn sự chồng chéo, dàn trải, dẫn đến chi ngân sách phân tán, kém hiệu quả. “Có ý kiến nhận xét rằng Chương trình 135 được triển khai theo kiểu 5-3-1; nghĩa là về đến địa phương thì chẳng còn được là bao. Công tác quản lý của Chính phủ còn yếu kém, chưa tiếp thu ý kiến của Quốc hội về nhiều vấn đề” - bà Khánh nêu ý kiến.

"Chi trả nợ năm 2013 là 105.000 tỷ đồng. Năm 2014 là 120.000 tỷ đồng nhưng lại có 70.000 tỷ đồng do phát hành trái phiếu, tức là lấy tiền đi vay để trả nợ. Tức là chúng ta chỉ dành có 50.000 tỷ đồng để trả nợ. Thực chất là vay nợ để trả nợ, nợ chồng nợ”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM)

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) thì lưu ý, tuy phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các chương trình này thường chỉ ở mức 38 – 39%, nhưng thực tế thường lên đến trên 60%, vì các địa phương thực hiện chương trình thường là nghèo, không sắp xếp được vốn đối ứng. Vì vậy, cần thấy trước việc này để phân bổ vốn và phát hành trái phiếu cho phù hợp.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) kiến nghị Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Chính phủ cần xây dựng các phương án khác nhau.

“Chẳng hạn như có phương án đào tạo lao động chuyển dịch tuyệt đối, đưa nông dân vào làm công nghiệp, dịch vụ ở thành thị hoặc đi XKLĐ, làm cho doanh nghiệp FDI hoặc chuyển dịch tương đối - “ly nông bất ly hương”, mở ra ngành nghề dịch vụ kết hợp ngay trong nông thôn sử dụng nhiều lao động; phát triển các trung tâm, khu công nghiệp tại vùng đông dân cư nhằm thu hút sử dụng nhiều lao động nông thôn” - đại biểu Tâm kiến nghị.

Phương Hà (Phương Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem