Quá chán vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, chủ trại tự chế cám cho lợn, vừa rẻ vừa hiệu quả

Trần Quang Thứ năm, ngày 14/04/2022 11:18 AM (GMT+7)
Chán nản vì giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp liên tục tăng cao, một số chủ trang trại ở Ninh Bình đã chuyển sang tự phối trộn cám để chăn nuôi gà, lợn sạch. Bà con còn chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm vào các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn, giúp tiêu thụ ổn định, đạt lợi nhuận khá.
Bình luận 0

Từ bỏ dựa vào thức ăn chăn nuôi công nghiệp

Từng nhiều năm gắn bó, dùng thức ăn chăn nuôi công nghiệp để chăn nuôi gà, lợn nhưng hai năm trở lại đây, ông Phan Văn Miền (ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình) buộc phải quay lưng với mặt hàng này vì giá cả liên tục tăng cao.

Tự chế cám chăn nuôi-vừa rẻ vừa hiệu quả - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Duyên ở Ninh Bình chia sẻ bí quyết phối trộn thức ăn chăn nuôi tại trang trại của gia đình. Ảnh: TQ

Bà Hạ Thúy Hạnh đề nghị Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư Ninh Bình tăng cường đào tạo, tập huấn nông dân trong việc phối trộn thức ăn theo đúng công thức thức ăn; bảo quản nguồn nguyên liệu đầu vào, thức ăn sau khi sản xuất hiệu quả tốt nhất; chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả, bài bản hơn...

"Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn công nghiệp đã tăng hơn 10 lần khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên cao. Trong khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên buộc chúng tôi phải từ bỏ thói quen dùng cám công nghiệp, chuyển sang tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để sản xuất cám phục vụ đàn vật nuôi, giúp giảm chi phí đầu vào" - ông Miền chia sẻ.

Sau thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu, đầu năm 2021, vợ chồng ông Miền đã mạnh dạn đặt mua máy ép cám viên và các nguyên liệu như ngô, khô đậu tương đưa về phối trộn với thân chuối băm, cá khô tại trang trại để sản xuất cám. 

"Thời gian đầu mới làm cám, tôi cũng khá lúng túng nhưng sau nhiều lần thử nghiệm, gia đình cũng tìm ra được phương pháp phối trộn cân đối, hợp lý. Thức ăn đảm bảo có đủ các thành phần dinh dưỡng, đạm, tinh bột... giúp chăn nuôi lợn, gà hiệu quả" - ông Miền tiết lộ.

Theo tính toán của ông Miền, việc tự phối trộn, sản xuất cám tại trang trại của gia đình khi ra sản phẩm có giá thành khoảng 9.200 đồng/kg, giảm trên dưới 4.000 đồng/kg so với giá thức ăn chăn nuôi hiện tại (khoảng trên 13.000 đồng/kg). 

Nhờ chủ động được nguồn cám giá rẻ, việc chăn nuôi an toàn sinh học của gia đình ông Miền cũng hạn chế được dịch bệnh, chi phí thuốc thú y..., giúp giá thành chăn nuôi của trang trại giảm còn khoảng trên 4 triệu đồng/tạ lợn. 

"Trong khi nhiều trang trại dùng cám công nghiệp lao đao vì thua lỗ thì mới đây gia đình tôi mới xuất bán đàn lợn trên 100 con với giá 57.000 đồng/kg, tính ra tôi cũng có lãi khá" - ông Miền khoe.

Hiện nay, gia đình ông Miền đang chăn nuôi khoảng 500 con lợn thịt, 70 lợn nái kết hợp nuôi cá, bò, gà, trồng rau... Vừa phục vụ cửa hàng thực phẩm an toàn của gia đình, ông vừa bán cho khách hàng ở các tỉnh, thành qua mạng xã hội rất hiệu quả.

Trang trại của bà Phạm Thị Duyên ở thôn 12, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp, cũng từ bỏ thức ăn công nghiệp và sản xuất cám tại chỗ rất thành công. Bà Duyên cho biết, để đảm bảo chất lượng cám, gia đình đã tìm nhập các nguồn nguyên liệu như ngô, đỗ tương... 

Bà luôn chọn mua loại tốt nhất kết hợp ủ men vi sinh vật phối trộn thành loại thức ăn có độ đạm cao không khác gì cám công nghiệp, nhưng giá thành vẫn thấp hơn từ 15 - 30%.

Nhờ chủ động được loại cám chất lượng ngay tại trang trại, gia đình bà Duyên thấy rất yên tâm trong khâu phòng chống dịch bệnh, tự tin chăn nuôi làm ra sản phẩm có chất lượng an toàn. 

Quá chán vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, chủ trại tự chế cám cho lợn, vừa rẻ vừa hiệu quả - Ảnh 4.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra chất lượng cám tự phối trộn tại trang trại của bà Phạm Thị Duyên ở Ninh Bình. Ảnh: Trần Quang

"Lợn thịt, gà ri Lạc Thủy nuôi tại trang trại có chất lượng rất tốt, thịt rất thơm, ngon được tiêu thụ tại cửa hàng thực phẩm sạch tại TP.Ninh Bình. Riêng sản phẩm gà thịt dao động trên dưới 10 vạn con/năm luôn bán được giá cao trên 150.000 đồng/kg" - bà Duyên tiết lộ.

Mô hình điển hình cần nhân rộng

Cuối tháng 3/2022, qua tham quan mô hình phối trộn thức ăn tại chỗ của gia đình bà Phạm Thị Duyên, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đánh giá: Các nguồn nguyên liệu để phục vụ việc phối trộn thức ăn tại trang trại của bà Duyên có chất lượng cao như ngô, đỗ tương, khô dầu, các khoáng chất... đều là hàng nhập loại 1.

Về quy trình phối trộn thức ăn, trang trại của bà Duyên cũng làm khá bài bản từ khâu rang xay đỗ tương, ủ men vi sinh vật, làm ra sản phẩm cám tốt, giúp kích thích tiêu hóa, tăng khả năng thèm ăn, tăng trọng ở vật nuôi.

"Giải pháp phối trộn thức ăn tại chỗ của hộ gia đình bà Duyên thông qua sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư Ninh Bình cho thấy hiệu quả rất tích cực giữa thời điểm giá thức ăn công nghiệp tăng cao. Cách làm này giúp người dân chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ, thuận lợi cho cơ sở chăn nuôi, nhất là giúp hạ giá thành thức ăn hiện tại khoảng 10-15%" - bà Hạnh đánh giá.

Bên cạnh việc chủ động mua nhập nguyên liệu bên ngoài, vợ chồng bà Duyên còn sử dụng nguồn phân thải chăn nuôi để trồng các loại cây ăn quả, rau, cỏ... nhằm có thêm nguồn phụ phẩm để phối trộn sản xuất cám chăn nuôi.

"Dù số lượng đàn vật nuôi tại trang trại không lớn nhưng đơn vị này cũng đã chủ động xây dựng mô hình chuỗi khép kín từ đầu vào đến đầu ra, nhất là việc xây dựng khu giết mổ, chế biến sâu cung cấp thịt, giò, chả cho cửa hàng thực phẩm sạch khá bài bản. Mô hình kinh tế tuần hoàn khép theo chuỗi của gia đình bà Duyên rất cần được nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" - bà Hạnh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem