Quản lý thị trường cũng… bó tay
|
Các loại bánh kẹo do Trung Quốc sản xuất chưa được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm nghiệm chất lượng. |
Làm việc với NTNN, ông Đào Nguyễn Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bắc Giang cho biết: “Kiểm tra kiểm soát các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn là công việc Chi cục thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, với các sản phẩm quà vặt như “thịt hổ” hay gói cay... thì từ trước đến nay chưa có chỉ đạo và Chi cục cũng chưa kiểm tra, kiểm soát. Chúng tôi sẽ nắm bắt thông tin báo phản ánh để chỉ đạo anh em kiểm tra các mặt hàng này trên thị trường, báo cáo lên cấp trên, nếu có chỉ đạo, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý tổng thể các mặt hàng này”.
PGS- TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) cho biết, nếu quan sát bằng mắt thường, trên các sản phẩm quà vặt có xuất xứ Trung Quốc không có tên nhà sản xuất, ngày tháng sản xuất không chắc sản phẩm có đảm bảo hay không, người tiêu dùng không nên sử dụng các sản phẩm này.
“Hiện có nhiều bộ tham gia quản lý ATVSTP, theo nhận định của tôi, công tác ATVSTP của nước ta trong thời gian qua là khá tốt nhưng không thể bao quát hết được từ trung ương tới địa phương. Ở địa phương vẫn còn yếu cả về nhân lực và điều kiện kiểm nghiệm nên những thực phẩm không nguồn gốc kia mới có thể tồn tại”- ông Mạnh nói.
Về vấn đề kiểm nghiệm, ông Mạnh cho rằng: “Tôi nghĩ cơ quan chức năng quản lý thị trường không thể nói là không biết. Tuy nhiên, những sản phẩm này nhìn bằng mắt thường không thể biết được là có an toàn hay không mà phải có phương tiện, thậm chí là phương tiện hiện đại mới kiểm tra được".
Quá nhiều cơ quan… quản lý
Hiệu lực quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ, dẫn đến những hàng hóa kém chất lượng không được kiểm soát, có thể đi qua nhiều con đường khác nhau và được bán trên thị trường. Đáng lo ngại hơn chúng được “tuồn” nhiều về khu vực nông thôn để “lợi dụng” sự ít thông tin của người tiêu dùng cho dễ tiêu thụ.
TS Vương Ngọc Tuấn - phụ trách Văn phòng Tư vấn khiếu nại
(Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam).
Tận mắt thấy những sản phẩm quà vặt của trẻ nhỏ mà PV NTNN đã mua, hầu hết các chuyên gia và cơ quan chức năng đều cho rằng số lượng những sản phẩm đó hiện có mặt trên thị trường là không nhỏ nhưng quản lý lại rất khó vì quá nhiều bộ, ngành cùng có trách nhiệm quản lý.
Một lãnh đạo của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho biết:
“Nhìn những sản phẩm này bằng mắt thường đã biết có vi phạm về nhãn mác. Theo quy định tại Nghị định 89/2006, những sản phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ, bao bì ghi rõ thành phần định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng… Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ có chữ Trung Quốc”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa chỉ có chức năng thanh, kiểm tra và lập biên bản để chuyển cho thanh tra chuyên ngành và quản lý thị trường, chứ Cục không có chức năng xử phạt.
Nhiều chuyên gia đã phân tích những sản phẩm kém chất lượng này đổ vào nước ta chủ yếu qua đường tiểu ngạch, do cư dân biên giới tham gia mua-bán. Khi những mặt hàng đó tuồn ra thị trường, việc kiểm soát lại càng không đơn giản tại các đô thị lớn, những mặt hàng này xuất hiện ít hơn các địa phương là do dân trí cao, nhận thức rõ hơn. Vì vậy, chúng được đưa về vùng nông thôn, miền núi - nơi nhận thức của người tiêu dùng chưa cao. Đây là nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em.
Phi Long
Vui lòng nhập nội dung bình luận.