Quản chặt đầu tư công để chống thất thoát, lãng phí

Thứ ba, ngày 19/11/2013 10:23 AM (GMT+7)
Chiều 18.11, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công. Các ý kiến đại biểu (ĐB) đều nhất trí cho rằng sự cần thiết phải ban hành luật, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí như hiện nay.
Bình luận 0
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, luật này điều chỉnh đầu tư của Nhà nước hay nguồn vốn của Nhà nước cần phải làm rõ. “Quan điểm của tôi là luật này quản lý toàn bộ nguồn vốn hay toàn bộ ngân sách nhà nước, ai sử dụng cũng phải bị chi phối” – ĐB Lịch nêu ý kiến. Theo ông, cần phải phân biệt nguồn tiền nào là ngân sách T.Ư, nguồn nào là nguồn địa phương, ai quyết định nguồn đó, chứ không phải tiền lớn T.Ư - tiền nhỏ địa phương. “Tại sao đầu tư lôm côm, lãng phí? Là bởi vì chúng ta không kiểm soát được đầu tư” – ĐB Lịch nói.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì đối tượng của đầu tư công cần bổ sung thêm quốc phòng an ninh, bởi đầu tư không chỉ về các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Và vốn vay không ưu đãi cũng là đầu tư công chứ không phải chỉ vốn vay ưu đãi.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chủ đầu tư công không có vốn, chỉ có thẩm quyền, thẩm quyền tham mưu thì dự án như thế nào thì đồng ý thế. Vì thế, hầu hết dự án đầu tư công vượt trần rất lớn, lãng phí rất nhiều, khi vi phạm không ai bị xử lý. Đầu tư công là một trong những điều kiện để tham nhũng lớn. “Đề nghị dự thảo luật xác định rõ chủ đầu tư là ai, còn nếu quy định là cơ quan chức năng, chủ tịch UBND, các đơn vị, các cấp thì rất khó, phải xác định cụ thể vì đầu tư công gây thất thoát tài sản, lãng phí rất lớn” – ông Khiết nêu quan điểm.

ĐB Võ Thị Dung (TP. HCM) gay gắt cho rằng nguồn vốn đầu tư công thời gian qua sử dụng quá lãng phí. “Luật phải quy định đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng, không để xảy ra tham nhũng ở đây, cần sớm có luật để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực này”- ĐB Dung góp ý.

Bà Dung mong muốn phải có chế tài khi xảy ra hành vi vi phạm nguyên tắc đầu tư công. Về quy định các hành vi bị cấm của đầu tư công mới chỉ nêu ở khía cạnh gây lãng phí cho xã hội là chưa đủ. Việc đầu tư nếu xâm hại đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng phải bị cấm. Ví dụ các đầu tư vào thủy điện gây tác hại lớn như hiện nay.

Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem