Quán cơm 2 nghìn đồng dành cho những bệnh nhân bị ung thư ở Hà Nội
Quán cơm 2 nghìn đồng dành cho bệnh nhân bị ung thư ở Hà Nội
Duy Huy
Thứ năm, ngày 25/05/2023 15:18 PM (GMT+7)
"Nụ cười Shinbi" là quán cơm từ thiện xã hội được thành lập nhằm giúp đỡ những bệnh nhân ung thư, người nhà bệnh nhân và người lao động nghèo vượt qua khó khăn trong quá trình chữa bệnh, mưu sinh.
Video quán cơm 2.000 đồng cho bệnh nhân ung thư ở Hà Nội. Thực hiện: Duy Huy.
Quán cơm vận hành bằng sự tử tế
Cứ 14 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, quán cơm "Nụ cười Shinbi" (tập thể Trạm bơm Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại trở nên nhộn nhịp, tấp nập tình nguyện viên chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm để kịp phát những suất cơm với giá 2.000 đồng tại khu vực gần Bệnh viện K3 Tân Triều.
"Nụ cười Shinbi" là quán cơm từ thiện xã hội được thành lập bởi cặp vợ chồng anh Võ Tiên Lâm (SN 1978) và chị Nguyễn Trà My (SN 1986, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhằm giúp đỡ những bệnh nhân ung thư, người nhà bệnh nhân và người lao động nghèo vượt qua khó khăn trong quá trình chữa bệnh, mưu sinh.
Trước đây, quán có tên là Yên Vui Tân Triều, cả Tiên Lâm và Trà My đều là những tình nguyện viên năng nổ, gắn bó với quán trong suốt thời gian dài. Vì thế, khi nhận được thông tin quỹ từ thiện cũ ngưng tài trợ, quán buộc phải ngừng hoạt động, Tiên Lâm đã không thôi trăn trở. Anh không cam lòng chứng kiến cảnh quán đóng cửa và những bệnh nhân ung thư thiếu mất một nơi nhận cơm từ thiện để lui tới mỗi ngày.
"Lấy lại mặt bằng quán này là một quyết định liều lĩnh với tôi", Tiên Lâm chia sẻ. Dù từng đi nhiều nơi, tham gia nhiều chương trình và tổ chức thiện nguyện, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ sẽ có ngày mình trở thành chủ của một quán cơm đặc biệt như thế.
Lúc ấy, hai vợ chồng anh đều thiếu tiền, thiếu cả kinh nghiệm quản lý. Tất cả những gì họ có là bản lĩnh và lòng nhân ái. Gác lại nhiều dự định phía trước, họ mạnh dạn lên kế hoạch mở lại quán, sửa sang không gian và đứng ra kêu gọi giúp đỡ về tài chính, nhân lực từ những người chung quanh.
"Nếu chỉ có hai chúng tôi thôi thì dẫu có giỏi đến đâu, nhiều tiền thế nào đi chăng nữa cũng không thể làm được. Chỉ khi có sự chung tay, hỗ trợ của mọi người, căn bếp của Nụ cười mới đỏ lửa hằng ngày. Mỗi người ở đây, từ đầu bếp, phụ bếp, đến tình nguyện viên đều là những người cực kỳ trách nhiệm", Trà My khẳng định.
Chị Lan Anh (Hà Nội), một tình nguyện viên trẻ luôn có mặt ở đây vào mỗi buổi chiều để giúp đỡ tiệm cơm Shinbi chia sẻ: "Trước đây mình làm nhân viên văn phòng, từ lúc nghỉ việc xong mình mới có thời gian để đến hỗ trợ ở tiệm cơm. Cá nhân mình cảm thấy khi làm việc ở đây có rất nhiều cảm xúc, trước tiên là cảm thấy mình may mắn vì mình còn sức khỏe, mình không phải giành giật sự sống từng ngày như các bệnh nhân. Dù công sức mình bỏ ra không đáng kể nhưng đã hỗ trợ được bữa ăn đầy đủ tới nhiều người bệnh, giảm bớt nỗi lo tiền bạc để chữa bệnh của họ…".
Thực đơn sẽ được thay đổi theo từng ngày, gồm: 1 món chính, 2 món phụ, 1 món canh và 1 đồ tráng miệng. Mỗi ngày quán sẽ nấu khoảng 150 suất, có hôm đông lên tới 200 suất. Ngoài ra vào mỗi thứ tư hằng tuần, sẽ có nhóm tài trợ 60 cốc cháo đông trùng hạ thảo, trong đó 30 cốc sẽ mang vào cho các em bé ở Khoa Nhi, Bệnh viện K Tân Triều.
Bữa ăn nhen lên hy vọng sống
Anh Ngô Văn Tuấn (37 tuổi, quê ở Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đang điều trị u não ở Bệnh viện K Tân Triều được nửa năm. Gia đình kinh tế khó khăn, 3 năm nay, vợ Tuấn chăm con nhỏ chưa thể đi làm được, mà Tuấn thì bị bệnh nên gia đình phải đi vay từ tiền ăn đến tiền chữa trị.
Anh Tuấn bảo, một mình lên đây điều trị, thi thoảng mới được về nhà thăm vợ và 3 đứa con của mình. Có lần con nhắn tin nhớ bố, anh không kìm nén, nước mắt cứ thi nhau trào ra.
Những ngày điều trị, hóa chất vào người nhiều nên cơ thể rã rời, Tuấn cứ ăn vào là lại nôn ra. Anh tự nhủ cố ăn để có sức, nhưng cơm cổng viện không hợp khẩu vị lắm. Rồi có người trong phòng bảo: "Bên đường có quán cơm từ thiện mới khai trương, ngon lắm!", anh chậc lưỡi, thử qua đó xem thế nào. Ấy thế mà từ hôm quán mở đến giờ, ngày nào anh cũng ăn hết một suất đầy đủ.
"Từ ngày quán cơm 2.000 đồng mở, tôi ăn được nhiều, ngày nào tôi cũng ăn ở đây, anh chị cũng tiếp đón rất nồng hậu. Ăn cơm đầy đủ, thức ăn thì nấu như ở nhà, rất ngon. Đến đây ăn cơm cảm thấy ấm áp và tình cảm như kiểu một gia đình lớn. Sau này khỏe lại, tôi sẽ phụ giúp mọi người", anh Tuấn bộc bạch.
Ở quán cơm Nụ cười Sinbi này, trung bình mỗi ngày đón tiếp từ 150 đến 180 người như Tuấn. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng điểm chung của họ là đều phải điều trị trong khu viện K3 Tân Triều này. Nhiều người nhà chăm bệnh có hoàn cảnh khó khăn cũng qua dùng cơm.
Họ chắt chiu từng đồng một. Có người tâm sự, đưa vợ lên điều trị, một ngày 2 người chia nhau 1 suất cơm vì tốn tiền quá. Họ cứ canh buổi trưa, buổi chiều đứng ngoài cổng viện rồi chờ xem có đoàn từ thiện nào thì xin, được cái gì ăn cái đó.
Khi được hỏi tại sao mỗi suất cơm chỉ 2.000 đồng, chúng tôi được biết chủ quán muốn khách hàng được quyền trả tiền, để không ai phải cảm thấy ái ngại, hay mắc nợ. Ngoài ra khi thanh toán mọi người có thể mời nhau, trả dùm cho nhau, đó là một việc rất ý nghĩa, giúp mọi người có cảm giác thoải mái, không bị khó khăn quá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.