Một cảnh trong 'Quẫn'.
Lộng Chương (1918–2003) có bút danh thật khuynh đảo, vì nghệ thuật bản chất là “lộng giả thành chương”. Với 80 vở kịch được viết ra, trong đó được ghi nhớ nhất là hài kịch “Quẫn” (1960), giúp Lộng Chương được phong là “Danh thủ hài kịch”. Vở này hồi đó từng được diễn hơn 2.000 buổi. Tiếng cười trong “Quẫn” mang nhiều sắc thái khác nhau vang lên rộn rã suốt năm hồi. Siêu kịch thủ NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, nhận định:“Đó là một vở kịch hay đến độ khó quên tới từng chi tiết”. Cho nên, đạo diễn Trần Lực và nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng cùng LucTeam dám dựng vở này quả là hơi bị liều. Đã thế, lại còn “làm mới”.
Đến nhà hát trong đêm diễn đầu tiên mới thấy họ "liều" thật. Dù Trần Lực thì đã quá nổi tiếng (về phim) và “chắc tay”, và Đỗ Trí Hùng với tôi: "Xem phim nào trên VTV mà không thấy tên Đỗ Trí Hùng thì ắt phim ấy nhạt toẹt. Thế nhưng, tôi vẫn quá nghi ngại trước khi nhà hát vén màn, mặt không tươi lên được".
Ông bà Đại Cát trong "Quẫn".
Hai tác giả cùng có những quan điểm dứt khoát, tuyệt đối khước từ phương pháp “hiện thực tâm lý” của “sân khấu hòa cảm” của Stanislavski vẫn tràn lan trên sân khấu Việt. Chả khó hiểu khi phim ảnh siêu kĩ xảo hiện nay đang lấn át thượng phong trước sân khấu kịch. Trần Lực cùng LucTeam quyết làm sân khấu mà điện ảnh không thể làm được, bằng nghệ thuật gián cách, và ước lệ - biểu hiện.
“Hiệu ứng gián cách” (Verfremdungseffekt - một thuật ngữ được Bertolt Brecht đưa ra) đã được LucTeam thể hiện triệt để, đủ những cách khác nhau ngăn cản người xem hòa đồng với các nhân vật trên sân khấu, bắt họ phải tỉnh táo. Vì thế, mặc cho những trường đoạn nặng nề, căng thẳng, hay những diễn xuất cường điệu đầy bi, hài và kịch tính, khán giả dường như bị “cách ly” với các sự kiện trên sân khấu, trúng với ý đồ của những người dựng kịch. Cho dù đôi lúc nghe thấy tiếng cười của khán giả giữa lúc bi thảm nhất, và cả tiếng xuýt xoa, xa xót khi các diễn viên muốn tạo tiếng cười.
Cụ Đại lợi và bà Đại Hưng trogn "Quẫn"
Hiệu ứng gián cách dưới tay đạo diễn này quả thực ấn tượng! Tất nhiên, nó đòi hỏi người xem phải khách quan, không được phép có những ảo giác như khi xem kịch thông thường. Từ câu chuyện đả phá tư sản thời “cải tạo công thương nghiệp” cũ kỹ, các nghệ sĩ đã đưa vở kịch thoát ra và vẫn sống động và “thời sự” cho đến tận thực trạng cuộc sống hôm nay, cái thực trạng mà ai cũng biết đã quay ngoắt 180 độ so với năm 1960. Cho nên, cái hài của “Quẫn” theo “phiên bản mới” (như ý đồ của nhà biên kịch) cũng “lật cờ” và “loạn cờ” khủng khiếp. Tôi tin rằng nếu còn sống đến hôm nay thì Lộng Chương cũng đồng ý với cách làm “nổi loạn” của các nghệ sĩ. Cốt truyện tưởng đã “lạc trôi” vào “nghĩa trang ấu trĩ” của ông, không ngờ, đã được LucTeam làm sống lại với cuộc đời hoàn toàn mới, với những dàn cảnh, lời thoại “update”, gây ấn tượng cực mạnh, khiến “Quẫn” có khả năng bất tử.
Vậy, nghệ thuật gián cách thực sự có năng lực “cải tử hoàn sinh”. Song song với đó, vở diễn trình bày tính “ước lệ” và “biểu hiện” cao. Nghệ thuật biểu hiện không nhằm tái tạo hiện thực (sầu thảm, bi thương như đã) mà bày tỏ tâm tư thầm kín, ước mong cháy bỏng của con người về hiện thực, gợi lên những suy nghĩ về hiện thực. Hình thể, động tác của các nhân vật đã được ước lệ, cách điệu và tượng trưng cao độ, phối hợp với thoại (rất “cập nhật”), tạo nên quá nhiều bất ngờ. “Ngôn ngữ hình thể” có lẽ là điểm nhấn rất đắc ý trong ý đồ của đạo diễn, tính cách điệu đã tạo ra nhiều climax dâng trào, ngộp thở, vô cùng sống động. Các “hình thể tâm lý” và “hành động ngôn ngữ” đều đắt, hấp dẫn.
Gia đình Đại Cát.
Lối diễn mới đòi hỏi cách tạo kịch bản khác. Đỗ Trí Hùng đã thay đổi cả kết cấu và nội dung “Quẫn” của Lộng Chương. Ông viết lối hiện thực với năm hồi dài và chỉ có một cảnh duy nhất là phòng khách nhà tư sản Đại Cát. Đỗ Trí Hùng đã đưa ra nhiều không gian khác tận ngoài công trường thủy nông hay lên chùa… Không gian ước lệ cho phép ông phá tung mọi không gian. Lộng Chương cho vợ chồng Đại Cát giấu túi vàng vào hốc tường, sau ảnh cụ Đại Lợi, còn Đỗ Trí Hùng vứt cả thùng vàng to giữa sân khấu, đó là lí do trong cơn mê đắm nhân vật Đại Cát đã làm tình với thùng vàng. Tính sở hữu, phải chăng là thuộc tính của bản chất người, như khao khát sống và tình yêu tự do. Rồi người xem sẽ được thấy cả những đám đông như lên đồng hát hò dậy đất nộ khí xung thiên, không thiếu ám khí và sát khí, là những thứ không hề có trong “Quẫn” của Lộng Chương mà đó chính là tinh thần của “phiên bản mới”.
Nhà xã hội học Erving Goffman đã đưa ra thuyết “nghệ thuật kịch” (dramaturgy) dùng sân khấu như phép ẩn dụ để giải thích hành vi con người, mỗi cá nhân biểu hiện hành vi thường ngày như thể họ đang biểu diễn trên sân khấu, sự thể hiện của một người qua các vai khác nhau là cách để gia nhập và phù hợp với xã hội và môi trường “khắc nghiệt”. Với “Quẫn” của Lộng Chương qua nghệ thuật trình diễn của LucTeam, họ đã làm được điều ngược lại: biến hoạt động sân khấu trở thành một thứ “hệ quy chiếu” khiến con người phải nặng tâm suy nghĩ lao lung, để được sống giữa “front stage” của cuộc đời sao cho người hơn, chứ không cam phận những đào kép thảm hại trong “back stage”.
"Quẫn" đã mang đến cho công chúng một vở diễn trình bày tính “ước lệ”.
Các tác giả đã thực sự đưa được “Quẫn” của năm 1960 đến với năm 2018 này một cách thành công rực rỡ. Điều đáng nói là không gian sân khấu cần phải nặng nề, quái đản hơn nữa, thậm chí “địa ngục hóa” tất cả, để có thể phản ánh rõ nhất thực chất của “không gian sinh tồn” của chúng ta; và nhất là đài từ thì cần mạnh dạn, sắc sảo, quyết đoán, gây bất ngờ hơn nữa.
“Quẫn” hiện vẫn đang được công diễn tại Nhà hát chèo Kim Mã và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, thực sự sẽ là một trải nghiệm nghệ thuật đáng giá và say mê cho công chúng khắp nơi. Đây thực sự là một bước tiến vượt trội, vừa “vong thân” vừa “nên thân” của kịch Việt đương đại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.