Quản lý Grab như taxi truyền thống và tâm lý “sợ” lớn của doanh nghiệp Việt Nam

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 15/01/2019 19:00 PM (GMT+7)
Nhắc lại câu chuyện Vinasun kiện Grab và hàng trăm tài xế Vinasun giăng biểu ngữ phản đối để gây áp lực cho Grab, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, cách giải quyết không phải kéo Grab xuống ngang hàng taxi truyền thống, mà là gỡ bỏ điều kiện kinh doanh.
Bình luận 0

img

Hàng trăm tài xế Vinasun không chạy xe mà đến Toà án giăng biểu ngữ để gây áp lực cho Grab. (Ảnh: I.T)

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 do VCCI công bố cho thấy một năm “hừng hực khí thế cải cách nhờ sức nóng từ chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng”. Trong đó, điểm nổi bật là những cải cách thể hiện một dụng ý chính sách tương đối rõ ràng, xuyên suốt.

Sự lúng túng của cơ quan quản lý và chuyện quản lý Grab như taxi

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), tính tới hết tháng 11.2018, đã có 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành.

“Điểm rất đáng ghi nhận là những chuyển động tích cực trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Những điều kiện kinh doanh, trước đây, tưởng rằng khó bị xóa bỏ thì trong đợt rà soát năm 2018 cũng đã được cân nhắc, xem xét để cắt bỏ hoặc điều chỉnh. Có hàng trăm điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm 2018 đã giúp môi trường kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực được cải thiện đáng kể”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

img

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI): “Cách giải quyết không phải kéo Grab xuống ngang hàng taxi truyền thống". (Ảnh minh họa)

Song bức tranh pháp luật kinh doanh năm 2018 vẫn tồn tại những mảng tối. Dẫn chứng cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Grab, Uber, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, trước sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, phản ứng của các doanh nghiệp rất khác nhau, còn cơ quan nhà nước vẫn lúng túng trong ứng xử.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, năm 2018, các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống như đã phản ứng rất mạnh. Khi TAND TP. HCM mở lại phiên toà xét xử vụ Vinasun đâm đơn kiện GrabTaxi đòi bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng, sự việc đã gây chú ý khi có hàng trăm tài xế Vinasun không chạy xe mà đến Toà án giăng biểu ngữ để gây áp lực cho Grab.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Dù thảo luận rất miệt mài song hiện cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa xác định được cơ chế quản lý cụ thể, vẫn đang thí điểm áp dụng. Trong khi đó, với kinh doanh lưu trú qua mô hình kết nối Airbnb, cơ quan quản lý ngành du lịch lại đang giữ im lặng”.

Một vấn đề được ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra từ trường hợp của Grab và Vinasun, đó là sự bất bình đẳng trước pháp luật giữa taxi truyền thống và Grab, Uber.

“Grab, Uber kinh doanh khá dễ dàng, họ không bị ràng buộc bởi các quy định hành chính nhiều như taxi truyền thống. Ví dụ, họ có thể chủ động điều chỉnh giá cước, thoải mái ra vào sân bay hay một số tuyến đường mà không bị cấm hay mở rộng quy mô dễ dàng do không phải chịu yêu cầu về nhận diện như phương tiện hoạt động theo hình thức truyền thống với mào, phù hiệu...

Cơ chế này tạo sự bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh vận tải, tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải truyền thống. Đây là nguyên nhân dẫn tới phản ứng quyết liệt từ nhóm doanh nghiệp này”, ông Tuấn nói.

img

Sự bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh vận tải là nguyên nhân dẫn tới phản ứng quyết liệt từ nhóm doanh nghiệp này (Ảnh minh họa)

Theo đó, đã có rất nhiều phiên bản dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86, trong đó cơ quan quản lý Nhà nước cố gắng nhận diện loại hình kinh doanh này. Trong các phiên bản đầu, các đơn vị này được là xác định là đơn vị cung ứng phần mềm công nghệ (tương tự như trong cơ chế thí điểm).

Ở các phiên bản sau này, các đơn vị này lại được xác định là đơn vị vận tải, cụ thể là hình thức vận tải theo hợp đồng – một trong 05 loại hình kinh doanh vận tải – nhưng là vận tải theo hợp đồng điện tử. cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cố gắng bổ sung các quy định đặc thù về “hợp đồng điện tử” để phân định loại hình kinh doanh này với các loại hình kinh doanh vận tải khác.

Song do tính khiên cưỡng của việc áp mô hình quản lý truyền thống (vận tải theo hợp đồng) vào mô hình kinh doanh mới, khá nhiều quy định mới đề xuất có nội dung can thiệp trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng một cách bất hợp lý.

Ông Đậu Anh Tuấn đề xuất: “Cách giải quyết không phải kéo Grab xuống ngang hàng taxi truyền thống, mà là gỡ bỏ điều kiện kinh doanh, tạo sự thông thoáng giúp doanh nghiệp taxi truyền thống cảm thấy nhẹ nhàng hơn với các quy định không khác biệt nhiều so với Grab.

Thêm vào đó, trong bối cảnh Grab ngày càng mở rộng , phát triển, quyền lợi của tài xế cũng cần được bảo vệ. Đồng thời, phải có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa khách hàng và lái xe, cơ chế giám sát thuế của doanh nghiệp”.

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam sợ lớn?

Phát biểu ngay sau đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, thay vì chỉ đơn thuần tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, những chính sách mới ra đời phải thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

img

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Theo ông Phan Đức Hiếu, một trong những thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hiện nay là động lực cải cách xuất phát từ Chính phủ. Chỉ Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải cải cách. Gần như chưa có cơ quan nào đưa sáng kiến cải cách, trình Chính phủ.

Ông Hiếu đặt câu hỏi: “Vậy động lực cải cách này sẽ ra sao khi Chính phủ không còn yêu cầu hoặc giảm bớt yêu câu đối với bộ ngành? Vậy đâu là động lực để duy trì cải cách?”

Một thách thức được ông Phan Đức Hiếu đặt ra là việc kiểm soát chất lượng của quy định của các điều kiện kinh doanh được ban hành mới.

“Ai dám bảo đảm năm 2019 sẽ có 169 - 170 nghị định tương đương năm 2018. Ai dám đảm bảo từng ấy nghị định trong năm 2019 sẽ tốt hơn năm 2018? Cơ chế nào đảm bảo thực thi các nghị định này?

Tôi chứng kiến rất nhiều điều kiện kinh doanh đang được Bộ này bãi bỏ thì Bộ kháclại đưa vào. Điều gì đảm bảo kiểm soát một cách có hiêu quả chất lượng của các quy định?”, ông Hiếu nêu thực trạng.

Ngoài ra, ông Phan Đức Hiếu cũng đề nghị bãi bỏ tất cả quy định giới hạn về thời gian. Ví dụ, chứng chỉ hành nghề chỉ có thời hạn 5 năm thay vì vô thời hạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh.

“Nếu tôi mở nhà máy, đầu tư nhiều tiền, giấy phép của tôi chỉ có 5 năm thì rủi ro là rất lớn. Thế sau 5 năm tôi không được gia hạn thì điều gì xảy ra? Quy định như vậy mà còn hỏi doanh nghiệp Việt Nam vì sao không chịu lớn, không đầu tư dài hạn. Cho nên đợt này tôi cho rằng không tranh cãi nữa, bãi bỏ hàng loạt, ngay lập tức”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem