Sài Gòn quán: Phở trên đường Hồ Hảo Hớn, bất ngờ cách kêu món lạ của khách quen

Hoàng Ba Đình Thứ năm, ngày 06/10/2022 12:08 PM (GMT+7)
Món ngon nếu lại vào tay một đầu bếp trứ danh người Hoa thì lại càng "lợi hại". Có một quán phở Việt – đầu bếp người Hoa, nằm ở cuối đường Hồ Hảo Hớn: phở Ngọc.
Bình luận 0

Phở là món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Đã là tài sản chung, thì ông Bắc, ông Nam, ông Trung… bán đều được, miễn thực khách chấp nhận là ổn. Bởi vì là món ngon, nếu lại vào tay một đầu bếp trứ danh người Hoa thì lại càng lợi hại. Có một quán phở kết hợp phở Việt – đầu bếp người Hoa, nằm ở cuối đường Hồ Hảo Hớn: phở Ngọc.

Các trải nghiệm khác nhau với phở Ngọc

Nói về hàng phở này, thì nhiều thực khách đến ăn đều phải công nhận về chất lượng. Anh Trần Khiêm (37 tuổi) chia sẻ: "Nhà tôi ở tận Hóc Môn. Để ăn được tô phở Ngọc, tôi phải chạy tầm 20 km. Quả thực chất lượng khỏi phải chê: nước dùng ngọt, lại thịt nhiều. Thậm chí, khi muốn ăn bánh phở, phải vén thịt ra mới ăn được".

Lối vào phở Ngọc ở hẻm 30 Hồ Hảo Hớn (quận 1)

Lối vào phở Ngọc ở hẻm 30 Hồ Hảo Hớn (quận 1). Ảnh: H.B.Đ

Còn với anh Nguyễn Hùng (Thủ Đức), món ăn này lại gắn liền với kỷ niệm thời thơ bé. "Quán này tôi ăn hồi nhỏ. Nhưng nói thật, phở Ngọc giá khá chát so với mức tiêu dùng tại TP.HCM. Cho nên dù thèm thì thèm, chỉ khi nào bị bệnh thì mới được ăn để giải cảm. Nói thật, ăn một tô phở Ngọc vào buổi sáng, tỉnh hết cả người, bệnh cảm cũng tan biến. Nhiều lúc muốn ăn, có khi còn phải giả vờ bị bệnh để được mẹ mua phở cho ăn", anh Hùng chia sẻ.

Cô Huỳnh Thanh (An Giang) kể: "Có lần tôi lên Sài Gòn. Đứa con gái tôi chở tôi đến tiệm phở Ngọc này để ăn sáng. Quả thật chất lượng ổn, tôi rất ấn tượng. Khi nào lên Sài Gòn sẽ ăn tiếp".

Không chỉ ghi dấu ấn với nhiều cá nhân, quán phở Ngọc cũng được review khá tốt trên mạng

Tài khoản Tram Phuong Nguyen cho biết: "Phở này mình ăn từ nhỏ đến lớn rồi, quán rất đông. Quán chỉ bán buổi sáng thôi và là một trong những quán phở mình yêu thích nhất. Trước đây mình thấy vị phở béo hơn, giờ không còn béo như xưa. Một tô phở rất chất lượng: nhiều thịt, nhiều bánh phở, nhiều nước lèo. Ăn phở vào sáng sớm thì nước hơi nhạt một tí. Thịt ở phở Ngọc có nhiều loại như tái, nạm, sụn… Nếu tranh thủ đi sớm, còn có xí quách khổng lồ. Nhìn chung, quán vẫn ngon, hương vị phở quán này rất đặc trưng, đấy cũng là một ưu điểm".

Quầy phở đầy ú hụ vào mỗi sáng sớm.

Quầy phở đầy ú hụ vào mỗi sáng sớm. Ảnh: H.B.Đ

Còn bạn Mia Thanh chia sẻ: "Đây là quán khá ưa thích của ông mình mỗi buổi sáng. Nên mỗi lần đi ăn cùng ông đa phần ông đều bảo mình lại quán này để ăn sáng. Về phần không gian quán thì không rộng rãi lắm nhưng cũng không hay bị hết bàn, lúc nào mình đến cũng thấy khách đông nghìn nghịt nhưng luôn có đủ chỗ cho những khách đến sau. Còn món phở ở đây thì cũng khá đa dạng với nhiều loại gầu, gân... như những nơi khác. Nhưng mình nghĩ sự khác biệt giúp khách đông như vậy là do phần nêm nếm nước dùng khá vừa miệng. Ngoài ra phở 70.000 đồng/ tô mà thịt thì siêu nhiều, ăn mệt mỏi luôn nhé".

Quán phở có số phận lênh đênh theo sóng gió

Tiếp xúc với chúng tôi là anh Hiếu, người giữ xe của quán. Anh Hiếu cũng là em út trong gia đình phở Ngọc. Anh Hiếu cho biết: "Gia đình tôi là người Hoa. Quán phở này xuất phát từ gánh phở của bà má. Gánh phở được bán vào năm 1968, tất cả anh chị em trong nhà đều phụ má bán. Mới đầu má bán bên khu Đồng Tiến (quận 1), quân nhân chế độ cũ ghé ăn rất đông".

Bãi xe - "giang sơn" riêng của anh Hiếu.

Bãi xe - "giang sơn" riêng của anh Hiếu.

"Sau 1975, quán thay đổi nhiều nơi. Đầu tiên, vào thời "cải cách thương nghiệp", quán phở Ngọc vào hợp tác xã. Lúc đấy quán bán trong nhà hàng Tự Do (quận 1). Sau đó, quán chuyển sang bán gần tòa Lãnh sự quán Nhật Bản (đường Hàm Nghi, quận 1). Tiếp theo, lại về 214 Nguyễn Trãi một thời gian. Năm 1988 quán dời về hẻm 30 Hồ Hảo Hớn. Đến 1989, bà má nghỉ bán, quán phở Ngọc chuyển giao cho chị em nhà tôi bán. Tính ra, bản thân tôi đã có 54 năm trong nghề phở", anh Hiếu kể.

"Với những biến chuyển như thế, tôi có thể cho rằng quán phở Ngọc có số phận lênh đênh theo sóng gió", anh Hiếu hài hước đúc kết.

"Con gà", "Đồng Nai" là những gì?
Đây chính thị một chén "con gà" và một "Đồng Nai".

Đây chính thị một chén "con gà" và một "Đồng Nai". Ảnh: H.B.Đ

Đến quán phở Ngọc ăn thử. Quán khá đông. Thỉnh thoảng có những thực khách gọi món theo kiểu rất lạ như: "Cho một Đồng Nai", "Cho một con gà". Nhóm thực khách chúng tôi rất lấy làm tò mò.

Để giải đáp, anh Huy Mía lên tiếng "cho một con gà nhé, lấy gà xối mỡ á". Một lát sau, quán mang lên. Té ra "con gà" ở đây ám chỉ "chén tiết hột gà". Còn "Đồng Nai" tức là "trà đá", "một Đồng Nai" tức là một ly trà đá.

Giải thích về cách gọi này, anh Hiếu cũng bảo rằng chẳng biết từ khi nào có cách gọi như trên. Chỉ biết rằng khách ăn quen lâu ngày, sẽ tự động hiểu ám ngữ này. Và thực tế, khách quen đều gọi như vậy. Còn khách mới lại hết sức thú vị với cách gọi không giống ai như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem