Thông tin từ UBND quận Tây Hồ, hai doanh nghiệp chủ động tháo dỡ, di dời du thuyền là Công ty TNHH đầu tư Thương mại và Dịch vụ Kim Linh; Công ty CP Du lịch thương mại Tây Hồ. Du thuyền tháo dỡ cao 2-3 tầng, đã xuống cấp rỉ sét.
Khu vực Đầm Bảy vẫn còn khoảng 5 thuyền cao 2-3 tầng đang neo đậu, chiếm một góc hồ Tây.
Tất cả đều trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, cũ nát và không còn giá trị sử dụng. Việc tháo dỡ sẽ chia làm ba đợt và hoàn tất cuối năm 2022.
Trước đây, khu vực Đầm Bảy có gần 100 phương tiện thủy của khoảng 10 đơn vị doanh nghiệp.
Thời gian qua, sau khi quận tuyên truyền các chủ trương của thành phố trong việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao và du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, cần phải di dời các phương tiện nổi ra khỏi hồ Tây, vừa qua đã có 5 đơn vị chấp hành tự di chuyển, tháo dỡ.
Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu dừng hoạt động bến thủy nội địa và các hoạt động kinh doanh có liên quan khu vực hồ Tây do không đảm bảo các điều kiện về môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông...
Đầu tháng 2/2017, UBND quận Tây Hồ cưỡng chế di dời các nhà nổi, du thuyền trên hồ Tây tại khu vực từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi về tập kết tại Đầm Bảy. Tháng 2/2017, Nhà chức trách yêu cầu các doanh nghiệp tháo dỡ công trình nhà nổi, di dời du thuyền ở khu vực hồ Tây, xong trước ngày 20/2, nếu không "sẽ có phương án xử lý".
Tháng 11/2021, ba chiếc thuyền neo đậu tại Đầm Bảy đã được tháo dỡ khi nước tràn vào trong khoang, có nguy cơ chìm tàu. Các doanh nghiệp cho biết, việc tháo dỡ ước tính tốn hàng trăm triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.