Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị chuyện yêu thầm nhớ trộm giữa phát thanh viên và quay phim

Huy Hoàng Thứ hai, ngày 24/08/2020 17:42 PM (GMT+7)
Ngoài những câu chuyện hậu trường về khó khăn, kỷ niệm đáng nhớ như dùng xe nôi làm đế để moniter, chiếc áo vest một năm lên hình chưa giặt... thì còn có những tiết lộ thú vị chuyện yêu thầm nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim khiến khán giả thích thú và bất ngờ trong chương trình "Quán Thanh Xuân – Bật tivi tìm ký ức".
Bình luận 0

Ngày 23/8, chương trình Quán Thanh Xuân tháng 8 hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày phát sóng chương trình đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam với tựa đề "Bật tivi tìm ký ức" do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, phát sóng trên VTV1 với sự tham gia của các cựu nhà báo, quay phim, phát thanh viên thế hệ đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam như: NSƯT Kim Tiến, nhà báo, nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh, nhà báo, nhà quay phim Thuỳ Vân, phát thanh viên Bích Ngọc, nữ đạo diễn NSƯT Bùi An Ninh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, NSƯT Đức Khuê…

 Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị yêu thầm, nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim  - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ và phát thanh viên, quay phim, MC Diễm Quỳnh, Lê Anh Tuấn trong buổi phát sóng chương trình Quán Thanh Xuân tháng 8 với tựa đề "Bật tivi tìm ký ức"

Chương trình Quán Thanh Xuân tháng 8 đã mang đến những câu chuyện xúc động, về những khó khăn, những kỷ niệm khó quên của các nhà báo, quay phim, phát thanh viên thời kỳ đầu của Đài truyền hình. Những hình ảnh, thước phim quý giá của các thế hệ đi sau như nhà báo Trần Bình Minh, nhà báo Lại Văn Sâm, nhà báo Diễm Quỳnh, Lê Anh Tuấn… Cùng đó là những chia sẻ của thế hệ vàng bình luận viên thể thao của Đài như BTV Long Vũ, Quang Tùng, Quang Huy.

 Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị yêu thầm, nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim  - Ảnh 2.

Nhà báo, nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh và nhà báo, MC Diễm Quỳnh

Mở đầu chia sẻ tại chương trình Quán Thanh Xuân tháng 8, nhà báo, nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh, một trong những nhà quay phim đầu tiên của Đài THVN cho biết: "Buổi lên hình đầu tiên đánh dấu sự ra đời của truyền hình ở miền Bắc Việt Nam được ghi hình tại studio 58 Quán Sứ, ngày 7/9/1970, là sản phẩm tự chế của các kỹ sư khi ấy. Sau nhiều ngày đêm miệt mài nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật đã lắp được chiếc camera điện tử đầu tiên mang tên "Ngựa trời", cho ra những hình ảnh lờ mờ trôi trên màn hình. 

Mọi người rất vui và phấn khởi khi thấy với những linh kiện dùng cho phát thanh được gom từ nhiều nguồn cùng những nỗ lực không mệt mỏi, chiếc camera đã cho ra hình ảnh có thể sử dụng được. Tuy nhiên chiếc camera "Ngựa trời" này chỉ dùng thực hiện trong 2 tiếng, thực hiện vai trò lịch sử của nó, là buổi phát sóng đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của truyền hình, rồi sau đó may mắn Chính phủ cho Đài nhập truyền hình lưu động của Ba Lan, trong đó có 4 máy quay camera. Thực sự lúc đó chúng tôi rất bất ngờ và tự hào lắm".

Nói về những khó khăn thời kỳ đầu, nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh nói: "Trong 6 năm, chúng tôi chưa có thiết bị ghi hình, toàn bộ các chương trình đều được quay và phát trực tiếp, từ bản tin thời sự tới chương trình âm nhạc, thiếu nhi, thậm chí có cả những vở kịch dài. Máy quay chỉ lấy được nét ở một vị trí cố định. Trước khi quay, mấy anh chị em phải lao vào tìm vị trí đứng nào để lấy được nét, sau đó bắt phóng viên đứng đúng một chỗ đó cấm di chuyển.

Thời kỳ đầu không có nhiều moniter theo dõi nên nhà báo Lê Quý phải mang tới Đài một chiếc xe nôi để moniter lên đó, để cho phát thanh viên và ê-kíp theo dõi. Chiếc xe nôi ấy được nhà báo Lê Quý mua ở nước ngoài về cho con, sau này thì mang tới làm việc. Đó là một trong những kỷ niệm khó quên".

Không chỉ chia sẻ những khó khăn, vất vả của thời kỳ đầu ghi hình của Đài truyền hình Việt Nam, nhà báo, nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh còn tiết lộ mối quan hệ giữa nhà quay phim và phát thanh viên cũng có nảy sinh tình cảm, thương thầm, nhớ trộm.

"Phát thanh viên luôn luôn gắn với quay phim, người bắt hình của mình, chính vì vậy mà cũng có nảy sinh tình cảm, yêu thầm, nhớ vụng giữa hai người với nhau. Ngày đó không có ánh sáng chuyên nghiệp và thông thường cũng có sự tỵ nạnh nhau một chút, kiểu: Tại sao hôm qua chị được bắt hình đẹp thế, còn hôm nay đến lượt em hôm nay lại thế này…".

 Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị yêu thầm, nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim  - Ảnh 3.

Nhà quay phim Thuỳ Vân chia sẻ kỷ niệm thời kỳ đầu ghi hình

Đồng cảnh ngộ với nhà báo, nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh, nhà quay phim Thuỳ Vân chia sẻ: "Ngày đó, cảm giác chung được gói gọn trong chữ "sợ". Sợ vì những gì đang làm là quá mới mẻ. Còn nói đến kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi hồi đó, chính là việc tôi làm rơi ảnh. Tôi được đạo diễn giao nhiệm vụ ngồi lật ảnh, nhưng vì cuống mà tôi đánh rơi luôn".

Có mặt tại trường quay Quán Thanh Xuân tháng 8, phát thanh viên đầu tiên, NSƯT Kim Tiến là gương mặt được khán giả yêu thương rất nhiều qua màn ảnh nhỏ một thời gian dài chia sẻ: "Chúng tôi như những người đi khai hoang, bởi trước chúng tôi chưa được nhìn ai đi trước mình trên truyền hình và lúc ấy cũng chưa có vệ tinh để xem truyền hình nước ngoài, xem họ lên truyền hình thì như thế nào. Nên lúc đó tôi nghĩ, muốn được người xem yêu mến mình thì mình phải là khán giả. Nếu mình thích điều gì thì hãy làm điều đó cho khán giả. Tôi nghĩ rằng khán giả sẽ thích sự khiêm nhường, tôn trọng".

 Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị yêu thầm, nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim  - Ảnh 4.

Nhà quay phim Thuỳ Vân và NSƯT Kim Tiến gặp gỡ tại chương trình "Quán Thanh Xuân - Bật tivi tìm ký ức"

Nói thêm về công việc của mình, NSƯT Kim Tiến cho biết, ngày đó bà không chỉ làm một công việc là phát thanh viên bản tin thời sự mà còn phát thanh viên cho nhiều chuyên mục khác nhau, phải chạy đi chạy lại giữa các chuyên mục. Mà không phải trường quay của các chuyên mục ở cùng một chỗ, mà phải đi xe máy mới đến kịp giờ lên hình. 

Trong khi, ngồi vị trí phát thanh viên phải mặc áo dài, nhưng nếu đi xe máy mà mặc áo dài có vẻ không ổn, chính vì vậy, bà cũng như nhiều phát thanh viên khác đã biến tấu, người thì mặc áo dài hoặc mặc vest nhưng bên dưới mặc quần bò, hoặc quần áo dài đã được cách điệu, cắt ngắn để không bị vướng víu.

Dù không xuất hiện trực tiếp tại trường quay nhưng nhà báo Lại Văn Sâm – nguyên Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí cũng gây bất ngờ và thú vị cho khán giả trong Quán Thanh Xuân tháng 8. Hình ảnh nhà báo Lại Văn Sâm xuất hiện thời kỳ đầu đi quay chương trình VKT về môi trường với thân hình gầy gò, khuôn mặt xương xương khiến nhiều khán giả không thể nhận ra anh.

 Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị yêu thầm, nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim  - Ảnh 5.

Nhà báo Lại Văn Sâm thời kỳ làm phóng sự chương trình VKT

 Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị yêu thầm, nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim  - Ảnh 6.

Chia sẻ về những năm tháng đó, nhà báo Lại Văn Sâm cho biết: "Nhớ thời kỳ đó đi làm, lần đầu tiên nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh được ngồi trên chiếc máy bay chuyên dụng và quay phim tại con sông Ngã bảy của Hậu Giang và anh cho tôi biết, chưa bao giờ được quay phim trong một điều kiện lý tưởng như vậy. 

Tôi có tý ghen tỵ, nên tôi đã đề nghị mình được ngồi lên máy bay một chút chút. Khi được ngồi trên máy bay, ngắm con sông Ngã bảy đó tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp của nó. Tôi thấy những công việc của tôi thật thú vị, không chỉ đáp ứng tính thích sáng tạo, thích đi đây đi đó của mình mà còn đóng góp được tiếng nói của mình cho xã hội. Tôi vẫn nói cảm ơn số phận đã đưa tôi đến với VTV và tôi cảm ơn VTV đã cho tôi được làm những điều tôi thích. Và còn điều gì hơn nữa khi con người được làm những điều mình thích".

Cựu biên tập viên tiếng Pháp Nguyễn Thanh Lâm cho biết: "Thời kỳ đó nhiều khó khăn, khi kỹ thuật, công nghệ còn thô sơ, đi làm gặp nhiều vất vả, khó khăn, nhưng cảm giác phóng sự của mình được phát sóng vào bản tin chính là điều vô cùng xúc động và hạnh phúc. Ngày xưa anh em làm việc thức đêm nhiều nên sáng ra để kịp giờ lên hình chỉ kịp khoác vội chiếc áo vest, chiếc áo mà có khi cả năm chưa được giặt".

 Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị yêu thầm, nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim  - Ảnh 7.

 Quán Thanh Xuân: Những tiết lộ thú vị yêu thầm, nhớ vụng giữa phát thanh viên và quay phim  - Ảnh 8.

NSND Trung Đức và NSND Thu HIền biểu diễn ca khúc "Anh ở đầu sông em cuối sông"

Không chỉ có những câu chuyện, những chia sẻ của các nhà báo, quay phim và phát thanh viên về chuyện hậu trường, Quán Thanh Xuân tháng 8 còn gợi nhớ cho những thế hệ ở thập niên 1970 - 1980 về chiếc tivi đen trắng, về những buổi đi xem các chương trình yêu thích như Những bông hoa nhỏ.

Những ai ở vào thập niên này đều không thể quên, tuổi thơ của họ là những buổi tối háo hức chờ tới giờ được xem chương trình Những bông hoa nhỏ. Là ăn nhanh  để còn xin phép bố mẹ sang nhà hàng xóm, đến rất sớm để được ngồi trên nhìn màn hình cho rõ.

Rồi cũng không thể quên, những buổi xem đang say sưa, chương trình đang rất hay thì tivi nhiễu sóng, mất tín hiệu và rồi người thì sửa ăng ten, người đứng vỗ bồm bộp vào chiếc tivi và màu nhiệm hiện ra là tivi lại nét, lại có thể xem được. Bên cạnh các chia sẻ và những thước phim thời kỳ đầu của truyền hình là những ca khúc đi theo năm tháng qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ được khán giả yêu mến như: NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền, NSƯT Trọng Tấn. NSƯT Thanh Lam…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem