Quan trọng là tác phẩm phải mang hồn Việt

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 07:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nguyễn Trọng Tạo được biết đến với rất nhiều tác phẩm thơ và nhạc đậm đà tình cảm quê hương, đất nước. Hãy nghe ông chia sẻ về “chất liệu” mà ông gia công nên nhưng tác phẩm ấn tượng ấy.
Bình luận 0

Từ lâu, tôi vẫn băn khoăn một điều là sao anh phổ nhạc cho thơ của người khác rất hay nhưng thơ anh lại thường được người khác phổ nhạc?

- Cái này là chuyện bình thường thôi. Khi mình làm thơ thì chỉ có cảm hứng về thơ, tức là mình nghĩ bài thơ của mình hoàn chỉnh rồi nên khi phổ nhạc cũng khó. Nhưng mà người khác đọc nó, họ có cảm xúc mới thì sẽ có một sự cộng hưởng. Cũng như mình đọc bài thơ của ai mà thấy thích thì mình có cảm hứng âm nhạc mạnh. Thơ mình đọc mãi rồi thì khó mà có cảm hứng âm nhạc đột xuất, mạnh mẽ như với những người khác.

img
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Thơ và nhạc của anh thấm đẫm tình cảm quê hương, Tổ quốc, con người, đậm đà chất liệu dân gian, thế nhưng anh lại là người luôn đòi hỏi sự đổi mới... Có mâu thuẫn nội tại nào chăng?

- Thế hệ các nhà văn chống Pháp, chống Mỹ hay viết về nhân dân, đất nước, các vấn đề mang tính thời cuộc, số phận của dân tộc. Đó là những tư duy thường trực trong con người họ. Các vấn đề đó bao giờ cũng là vấn đề rất lớn đối với văn chương. Trong văn chương có khi bắt đầu từ những vấn đề rất nhỏ nhưng lại liên hệ với những vấn đề rất lớn, hay nói một cách khác là nó có tính khái quát hóa, điển hình hóa cao. Nhưng chắc chắn rằng, nếu anh đau đáu về một vấn đề lớn của dân tộc, của thời đại thì tư duy của anh luôn hướng tới tư tưởng lớn, dù nó bắt đầu từ một vấn đề nhỏ hay một câu chuyện tình yêu.

Anh là người xứ Nghệ, sáng tác những bài hát về xứ Nghệ hẳn nhiên là đậm chất Nghệ rồi, thế nhưng khi sáng tác những bài hát ở những vùng văn hóa khác, như Bắc Ninh chẳng hạn, anh lại cho người nghe thấy một Nguyễn Trọng Tạo rất Kinh Bắc như liền anh liền chị. Anh làm thế nào mà “phân thân” tài vậy?

- Trong âm nhạc, tôi chủ trương khác với một số người quá đặt nặng về vấn đề chất liệu nên có thể người ta lấy nguyên xi một câu dân ca hay một làn điệu dân ca. Tôi chỉ cần nắm được cái hồn của nó, cho nên khi nghe những tác phẩm của Nguyễn Trọng Tạo người ta chỉ biết nó ở vùng nào chứ không biết nó được lấy chất liệu từ điệu dân ca nào.

Điều quan trọng là tác phẩm mang hồn Việt. Bài “Khúc hát sông quê” của tôi khoảng 10 năm nay được phổ biến quá rộng, đến mức tôi đi đến nước nào, thì người Việt ở đó cũng có thể mời về nhà nuôi cả tuần, cả tháng được. Cảm động lắm.

Có chuyện vui thế này, nhạc sĩ Phó Đức Phương trong một lần uống rượu đã nói: Ông Tạo 2 lần “đè” tôi. Lần thứ nhất tôi đang có “Những cô gái quan họ”, tưởng là không ai viết hay hơn được nữa, nhưng khi ông Tạo ra “Làng quan họ quê tôi”, người ta quay ra hát bài của ông. Rồi khi tôi có bài “Về quê” đang hot thì ông ra “Khúc hát sông quê” nhảy lên đầu bảng, “đè” tôi lần nữa... Những câu chuyện đó thực sự mang lại niềm vui cho nghệ sĩ chúng tôi.

Anh có đồng tính với ý kiến rằng nỗi đau khổ là yếu tố kích thích sự sáng tạo và nguồn cảm hứng?

- Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường quan niệm nỗi buồn là căn nhà ở đời của thơ. Còn một nhà thơ nổi tiếng của Czéch có bài thơ nói đại ý rằng, sẽ mang nỗi buồn đi thật xa, đến một nơi hoang vắng, ở đó sẽ lấy nỗi buồn dựng lên một căn nhà, và sẽ trú ngụ ở trong đó.

Tại sao tôi lại nhớ bài thơ đó? Tại vì, nỗi buồn là sự riêng tư của mỗi người, nhưng khi viết ra thơ là họ muốn giải thoát, muốn chia sẻ. Hãy biết trân trọng nỗi buồn. Nhiều người thấy nỗi buồn thì chán chường, muốn xua đuổi nó, nhưng nếu biết quí trọng nỗi buồn thì nó sẽ trở nên cao đẹp hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem