Quán trong làng cổ Đường Lâm (kỳ 2)

Hà Nguyên Huyến Thứ bảy, ngày 11/07/2020 08:00 AM (GMT+7)
Quán Gió: Có một cái quán mang tên Quán Gió nhưng chưa bao giờ có thật trên đất làng tôi. Chuyện là thế này…
Bình luận 0

Làng tôi có một người tên là Phan Khắc Đoạt, dân làng quen gọi là ông Cả Đoạt. Ông Cả Đoạt anh em về bên ngoại, bố tôi phải gọi ông là cậu. Sinh thời, ông Đoạt cũng như bao người đàn ông khác trong làng, cày cấy là nghiệp nông gia.

Trưởng thành, khoảng những năm 40 của thế kỷ XX, ông Đoạt ra tỉnh (thị xã Sơn Tây) làm ăn, rồi ông lấy vợ, gia đình bên vợ là một hãng xe khách chạy tuyến Sơn Tây – Hà Nội. Có vốn liếng, ông Đoạt mua nhà và mở một lò bánh Tây (bánh mì). Trong thời kỳ Sơn Tây bị tạm chiếm (1946 – 1954) ông Cả Đoạt mở cửa hàng giày da. Bố tôi ra tỉnh học sec-ti-phi-ca đã vẽ cho ông một cái quảng cáo rộng mấy mét vuông, rất đẹp… 

Sau năm 1954, chẳng biết nghĩ ngợi thế nào ông cả Đoạt tính đường "đi Nam". Ông về làng rủ bố tôi, bố tôi không đi, các chú tôi cũng không ai đi. Ông Đoạt cùng gia đình xuống Hải Phòng rồi lên tàu thủy vào Nam. Vào Nam ông Đoạt không làm gì ngoài kinh doanh…

Kể chuyện làng: Quán trong làng cổ Đường Lâm (kỳ 2) - Ảnh 1.

Quán Giang

Sau giải phóng miền Nam, bố tôi có gặp lại ông Đoạt ở Sài Gòn. Riêng tôi, mỗi khi có dịp qua thành phố này đều ghé thăm ông Cả Đoạt. Ông Cả Đoạt bảo tôi: Từ ngày vào Nam, đặt chân lên đất Biên Hòa, rồi đến Sài Gòn, 9 lần ông làm chủ nhưng cả 9 lần đều thất bại. Nói là thất bại nhưng không phải là phá sản hay vỡ nợ. Xem cách sống của ông Đoạt cho đến những năm 1980 – 1985 còn phong lưu lắm. 

Một đôi lần ông tâm sự với tôi và với nhiều người làng: Nhất định ông sẽ về quê, về quê ông sẽ bày biện vài mươi mâm cỗ đãi làng. Ông Cả Đoạt sẽ dành thời gian ở làng để thực hiện ước mơ của ông từ ngày còn trai trẻ là xây một cái quán, lấy tên là "Bồng Lai quán" ở Cội Đa Gươm bây giờ. Xây để dân làng lấy chỗ nghỉ ngơi trong lúc làm đồng tránh mưa, tránh nắng…

Lần cuối cùng ông nói với tôi: Lúc nào chú Khoái hết nghĩa vụ quân sự thì ông về. Ông Đoạt đông con nhưng chỉ có chú Phan Khắc Khoái là trai, lúc này chú Khoái đang tại ngũ ở chiến trường biên giới Tây Nam. Thế rồi tuổi tác và bệnh tật xồng xộc đến. Cho đến cuối đời ông Cả Đoạt không thực hiện được mơ ước của mình! 

Tôi nghĩ, ông Đoạt chưa bén cái "duyên" với đất làng. Mà như vậy cũng hay. Cái quán "Gió" ông Cả Đoạt xây trong tâm tưởng mọi người vẫn có từ xưa. Đó là những cây đa như cái lọng xanh nổi lên giữa cánh đồng che nắng, che mưa cho bao cuộc đời nông phu "một nắng, hai sương". Chúng ta sẽ trồng thêm nữa cho màu xanh, xanh mãi trên mảnh đất làng!

Kể chuyện làng: Quán trong làng cổ Đường Lâm (kỳ 2) - Ảnh 2.

Quán Lồ Biêu

Cứ để cho một số quán tồn tại như nó đã tồn tại. Vài năm nay ít khi quán được dùng đến bởi ai cũng bảo: Cụ cháu (hoặc thân nhân) về đến nhà được một lúc, sau khi rút ống "xông" mới… "thăng"! Không gia đình nào muốn và cũng không ai đi truy nguyên đến tận cùng, bởi hai tiếng "chết đường, chết chợ" là nỗi ám ảnh đau lòng. Xưa kia y học còn kém, y tế cộng đồng chưa phát triển, không cho người chết vào làng là để ngăn chặn dịch dã lây lan. Cái nhân lõi "duy vật" ấy phải được "khoác" vào một yếu tố tâm linh là "động làng" để làm cái "ngưỡng" ngăn chặn mọi người.

Viết về những cái quán trong "Làng cổ Mông Phụ" là để mọi người thêm hiểu cấu trúc một ngôi làng mà những kiến trúc sư vô danh để lại. Các kiến trúc sư ấy có một người "thầy lớn", đó là thực tế đời sống của những cộng đồng cư dân cổ…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem