Quảng Bình: Cán bộ chiếm đất, rừng của dân

Thứ tư, ngày 25/04/2012 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi hàng trăm hộ ở thôn Đồng Lâm (xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) không có công ăn việc làm vì thiếu đất canh tác thì hơn 110ha rừng sản xuất (ở địa phận thôn Đồng Lâm) lại nằm trong tay một số cán bộ xã và người nhà của họ...
Bình luận 0

Thiếu minh bạch khi chia đất rừng

Theo đơn của ông Đoàn Xuân Niệm (thôn Đồng Lâm) từ năm 2002 – 2003, Nhà nước có chủ trương giao đất lâm nghiệp và rừng đến tận tay người dân quản lý. Người dân thôn Đồng Lâm rất mừng vì lâu nay sống cạnh rừng nhưng đời sống của họ vô cùng khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên người dân chờ mãi mà không thấy chủ trương được triển khai tại địa phương.

Mãi đến năm 2005, khi có chương trình của Dự án 661 (dự án trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng), người dân Đồng Lâm lại thấy một số người từ địa phương khác đến khu rừng ở thôn mình để khai hoang và trồng keo, bạch đàn. Những người này cho biết, đây là đất rừng của họ, đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất...

Trong buổi làm việc với PV NTNN, ông Đoàn Xuân Trường – Trưởng thôn Đồng Lâm cho biết: “Năm 2005, khi được bầu làm Trưởng thôn Đồng Lâm thay ông Hoàng Xuân Thành chuyển lên làm Trưởng Công an xã, được giao nhiệm vụ chia tiền chăm sóc bảo vệ rừng theo Dự án 661 cho người dân, tôi mới phát hiện diện tích rừng ở tiểu khu 85 (110ha) là của ông Hoàng Xuân Thành và ông Nguyễn Văn Hạnh (cán bộ địa chính xã Đức Hóa) cùng 9 hộ dân khác đều là anh em và bà con thân thích của 2 ông này. Rõ ràng, đã có sự thiếu minh bạch và không công bằng trong việc chia đất rừng”.

Chính quyền xã “bó tay”

Chúng tôi tới bản Trầm, một xóm của thôn Đồng Lâm gồm 33 hộ, 134 nhân khẩu, nằm sát tiểu khu 85. Năm 1994, thực hiện chủ trương dãn dân xây dựng làng mới, những hộ dân này đã vào đây khai hoang lập nghiệp. Ngày đó, mỗi hộ chỉ được cấp chưa tới 5 sào đất để sản xuất nên họ cũng rất mong chờ được giao đất, rừng theo chủ trương của Nhà nước. Thế nhưng hiện hầu hết các hộ dân ở bản Trầm đều không có rừng và đất rừng dù họ sống bên nách rừng.

Không những thế, kể từ khi các “chủ rừng” mới vào Tiểu khu 85 phát, đốt cây để trồng và khai thác rừng (thường là khai thác trắng), nguồn nước tự nhiên ở đây cũng bị khai thác cạn kiệt, ô nhiễm khiến người dân bản Trầm lâm vào cảnh khó khăn.

Trước đây, gia đình anh Đoàn Xuân Tý (44 tuổi) có 4 ao cá và 2 sào ruộng nước để sản xuất, mỗi năm thu 15-20 triệu đồng. Nhưng từ năm 2005 đến nay, nguồn thu không còn do con suối từ rừng tiểu khu 85 chảy ra đã bị cạn và ô nhiễm. Anh Tý cùng gia đình 6 người đành phải đi làm thuê, làm mướn qua ngày.

“Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng về thanh tra, làm rõ những sai phạm của các cán bộ chiếm đất rừng; đồng thời chia lại diện tích rừng ở tiểu khu 85 cho người dân để chúng tôi có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Làm việc với lãnh đạo xã Đức Hóa, chúng tôi được ông Đoàn Xuân Nhơn – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hóa xác nhận việc ông Hạnh và ông Thành chiếm đất rừng chia cho người thân.

Tuy nhiên, theo ông Nhơn: “Trước đây không biết bằng cách gì, hồ sơ làm như thế nào nhưng những hộ dân đó đã được cấp quyền sử dụng đất lâu dài. Chính vì vậy, hiện chính quyền xã chúng tôi không đủ thẩm quyền để xử lý vụ việc mà phải chờ cấp trên”.

Cũng theo ông Nhơn, vụ việc ở thôn Đồng Lâm hiện đang làm “đau đầu” lãnh đạo xã Đức Hóa khi hiện nay nhiều người dân đã lấy lý do này để vào những khu rừng khoanh nuôi bảo vệ của xã tự ý phát, đốt rừng khiến chính quyền xã không thể quản lý nổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem