Quảng Bình: Dân bức xúc vì cho rằng lạc giống hỗ trợ bị lép, mốc?

Phan Phương Thứ năm, ngày 09/03/2017 06:11 AM (GMT+7)
Vụ đông xuân vừa qua, bà con nông dân nghèo ở thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) được hỗ trợ giống lạc. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con, phần lớn số lạc giống này bị teo tóp, hỏng mốc.
Bình luận 0

Người nghèo than thở

Ông Đinh Xuân Bình (thôn Tiền Phong) cho biết, gia đình ông được hỗ trợ 10kg lạc giống, nhưng khi mở bao giống ra có hơn 60% số hạt bị thâm đen, teo tóp, vỡ vỏ… khi tách vỏ lạc, phần lớn bị teo tóp, nhiều hạt còn bị mốc.

img

 Ông Đinh Xuân Bình bức xúc khi được hỗ trợ giống lạc kém chất lượng. Ảnh: Phan Phương

Vụ đông xuân vừa qua, hộ nghèo ở 15 xã (trừ thị trấn Quy Đạt) của huyện Minh Hóa được hỗ trợ các loại giống để phát triển sản xuất theo chương trình hỗ trợ sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn. Riêng xã Trung Hóa được hỗ trợ hơn 12 tấn lạc giống (trị giá 500 triệu đồng).

Để thử xem những hạt lạc này có thể nảy mầm được không, ông Bình lấy 10 hạt để ươm thử nhưng kết quả chỉ có 3 hạt nảy mầm, nhưng được một vài ngày mầm cũng queo lại.

“Nhà nông khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ giống để sản xuất thì mừng lắm. Nhưng khi mở bao lạc giống được hỗ trợ ra tôi rất thất vọng, đành lấy lạc giống của nhà mà gieo chứ không dám gieo loại giống này” - ông Bình nói.

Tương tự, chị Cao Thị Long (cũng trú thôn Tiền Phong) được hỗ trợ 10kg lạc giống, than thở: “Nhận lạc giống hỗ trợ về bóc vỏ ra để chuẩn bị gieo trỉa nhưng chỉ sử dụng được khoảng 50%. Tôi đã gieo hơn 1 tuần nay mà chưa thấy hạt lạc nào nảy mầm. Tôi rất lo lắng, nếu lạc không nảy mầm, phải gieo lại sẽ chậm thời vụ, cầm chắc thất bại vì khí hậu ở đây khắc nghiệt lắm”.

img

Bao bì đựng lạc người dân cho PV xem. Ảnh Phan Phương

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Sòng - Chủ tịch UBND xã Trung Hóa cho biết, ông chưa nhận được phản ánh của người dân về việc giống lạc hỗ trợ có chất lượng kém, bởi số lạc giống này người dân nhận trực tiếp từ Phòng NNPTNT huyện chứ không qua chính quyền xã.

Theo ông Sòng, trước đây dự án hỗ trợ giống cây, con như thế này thường được giao cho xã, nhưng từ năm 2015 đến nay giao cho các phòng chức năng của huyện.

“Trước đây làm chủ đầu tư, chúng tôi đều điều tra nhu cầu của người dân rồi mới hỗ trợ, nên rất hiệu quả. Nay thì “cho gì người dân phải nhận nấy” chứ không xét đến nhu cầu người dân. Đơn cử như việc cấp lạc gống cho xã Trung Hóa, có phải người dân nào của Trung Hóa cũng cần lạc giống đâu. Chúng tôi thấy cứ thực hiện như hiện nay, rõ ràng không hiệu quả” - ông Sòng nói.

Dân nói có, huyện nói không

Ông Hồ Phước-cán bộ địa chính, nông lâm xã Dân Hóa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết: “Cũng theo chương trình hỗ trợ sản xuất cho các xã 135, năm nay người dân ở xã Dân Hóa được hỗ trợ 66 con dê giống, tuy nhiên sau khi nhận về đã có 9 con chết chưa rõ nguyên nhân. Xã đã làm công văn gửi Phòng NNPTNT huyện nhưng chưa thấy phòng cử người về kiểm tra, tìm nguyên nhân”.   

Làm việc với NTNN, ông Đinh Trọng Yên - Phó Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa khẳng định đã hỗ trợ hạt giống đảm bảo chất lượng, hoàn toàn không đúng như phản ánh của người dân.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Nhà nước, pháp luật, trước UBND huyện về chất lượng giống. Đừng nghe vỉa hè, dân phản ánh như vậy không đúng” – ông Yên nói.

Ông Yên cho biết, giống lạc mà huyện hỗ trợ cho bà con nông dân ở các xã trong vụ đông xuân năm 2016 - 2017 là giống lạc L23 do Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành (có trụ sở tại tỉnh Quảng Trị) trúng thầu cung ứng. Sau khi nhận giống về, Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa đã cử cán bộ chuyên môn kểm tra lý lịch, ngày tháng sản xuất, đơn vị cung ứng… sau đó mới nhận.

“Khi giao giống cho dân, chúng tôi cũng đồng thời có cán bộ chuyên môn của phòng lấy mẫu thử tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, đều cho kết quả nảy mầm từ 86-100%” - ông Yên khẳng định.

img

img

Biên bản kiểm tra chất lượng giống lạc tại thôn 2 Thanh Liêm. Ảnh Phan Phương

Theo ông Yên, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc nhận hỗ trợ hạt giống kém chất lượng, Phòng NNPTNT đã về tận nơi để kiểm tra và kết luận giống lạc L23 do Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành cung ứng đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn cho sản xuất. Đồng thời, ông Yên cũng cung cấp cho phóng viên biên bản làm việc giữa Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa và UBND xã Trung Hóa lập ngày 6.3, theo đó, đoàn đã kiểm tra giống lạc tại thôn 2 Thanh Liêm. Tuy nhiên, thôn có người dân phản ánh nhận lạc giống kém chất lượng là thôn Tiền Phong.

Theo ghi nhận trực tiếp của phóng viên NTNN/Báo điện tử Dân Việt tại thôn Tiền Phong, giống lạc mà bà con đưa ra có tỷ lệ hư hỏng rất cao, với trên 50% số hạt bị thâm đen, teo tóp, bể vỏ. Số giống lạc nêu trên được đựng trong bao màu xanh, mặt ngoài bao ghi: Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Bắc; giống  lạc: L23; phần cấp giống, mã lô giống, ngày sản xuất, hạn sử dụng đều bỏ trống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem