Quảng Bình: Hợp tác xã, doanh nghiệp vượt khó qua mùa dịch Covid-19 nhờ vốn vay ưu đãi

Trần Anh Thứ tư, ngày 17/11/2021 10:30 AM (GMT+7)
Nhiều Hợp tác xã, doanh nghiệp ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để duy trì sản xuất, trả lương cho công nhân khi phải đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Bình luận 0

Hợp tác xã trồng nấm, bán rượu ngâm từ trái đặc sản vượt qua mùa dịch nhờ vốn vay ưu đãi

Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1977, ở thôn 3, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Tôi xuất thân từ gia đình nông dân, vừa làm ruộng vừa chăn nuôi. Tôi luôn trăn trở làm sao để vươn lên làm giàu chính đáng và giúp bà con nông dân trên địa bàn cùng vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương".

"Với ý nghĩ đó, tôi dành thời gian, công sức tìm hiểu trồng nấm rồi sau này bén duyên với việc ngâm rượu từ thứ đặc sản là sim rừng. Đến năm 2019, tôi vận động chị em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành lập Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng (HTX Xuân Hưng) để cùng đồng hành phát triển kinh tế", chị Xuân nói.

Người sử dụng lao động ở Bố Trạch (Quảng Bình) vượt khó qua mùa dịch Covid-19 nhờ vốn vay ưu đãi - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Xuân bên trong trại trồng nấm rộng 500m2. (Ảnh: Trần Anh)

Theo chị Nguyễn Thị Xuân, những năm đầu thành lập, HTX Xuân Hưng tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, giúp các lao động từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã gặp vô vàn khó khăn, nguồn thu giảm rất nhiều.

Người sử dụng lao động ở Bố Trạch (Quảng Bình) vượt khó qua mùa dịch Covid-19 nhờ vốn vay ưu đãi - Ảnh 2.

Tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch, chị Nguyễn Thị Xuân đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất rượu sim. (Ảnh: Trần Anh)

Để ổn định sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, đầu năm 2021, chị Nguyễn Thị Xuân vay 70 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch. Có vốn trong tay, chị trả lương cho công nhân, phần còn lại chị mở rộng việc sản xuất rượu sim.

Đến nay, hoạt động sản xuất của HTX Xuân Hưng được đẩy mạnh, việc sản xuất kinh doanh tốt nên HTX thu lãi 400 triệu/năm từ việc trồng nấm và bán rượu sim. HTX giúp nhiều lao động nghèo có việc làm ổn định trong mùa dịch.

Vốn vay thiết thực giúp doanh nghiệp vượt khó mùa dịch

Cũng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ông Trần Đình Tĩnh – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Composite miền Trung (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết: "Công ty tôi thành lập vào năm 2005, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống, như: thuyền du lịch, cứu hộ; thùng xe chở rác; chắn cống thủy lợi; bể bơi... Trên 15 năm hoạt động, công ty luôn có doanh thu khoảng 15-18 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động (chủ yếu lao động nghèo) thường xuyên với mức lương từ 5 đến 9 triệu đồng/người/tháng".

"Thế nhưng, trong 2 năm qua, dịch Covid-19 ập đến khiến công việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tôi gặp nhiều khó khăn và đứng trước thách thức lớn để duy trì hoạt động", ông Tĩnh nói.

Người sử dụng lao động ở Bố Trạch (Quảng Bình) vượt khó qua mùa dịch Covid-19 nhờ vốn vay ưu đãi - Ảnh 3.

Ông Trần Đình Tĩnh là người đầu tiên đưa công nghệ sản xuất Composite về Quảng Bình, những năm trước, doanh nghiệp của ông luôn có doanh thu khoảng 15-18 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Trần Anh)

Theo ông Tĩnh, qua báo đài, ông biết đến nguồn vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất của Ngân hàng CSXH. Sau đó, ông đã đến Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch để làm thủ tục vay vốn.

Chỉ trong thời gian ngắn đăng kí, tháng 8/2021, doanh nghiệp của ông tiếp cận được vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với số tiền 102 triệu đồng, sau đó, doanh nghiệp trả lương cho 10 công nhân.

"Tôi rất mừng khi tiếp cận được vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Vốn vay đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiền trả lương cho công nhân và ổn định hoạt động. Đây là chính sách rất thiết thực giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn mùa dịch Covid-19", ông Tĩnh cho hay.

Người sử dụng lao động ở Bố Trạch (Quảng Bình) vượt khó qua mùa dịch Covid-19 nhờ vốn vay ưu đãi - Ảnh 4.

Tiếp cận được nguồn vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bố Trạch, ông Tĩnh đã trả lương cho công nhân, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất. (Ảnh: Trần Anh)

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Mai Ngọc Sơn - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch, cho biết: "Sau khi Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp cùng các Tổ chức chính trị xã hội, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện tích cực tuyên truyền phổ biến chính sách của Chính phủ hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến các cấp hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, hội viên và nhân dân được biết".

"Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch đã phân công cán bộ tín dụng và gửi thông tin đến các doanh nghiệp, người sử dụng lao động để khảo sát, hướng dẫn, làm thủ tục vay vốn. Đến nay, có 3 doanh nghiệp vay vốn với số tiền là 267,5 triệu đồng để trả lương cho 35 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19", ông Mai Ngọc Sơn cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem