Nông dân Quảng Bình rơi nước mắt nhìn ruộng lúa bị bồi lấp sau mưa lũ
Quảng Bình: Nhìn ruộng bị bồi lấp dày cả mét, nông dân mếu máo vì không biết trồng cấy làm sao
Trung Thuần
Thứ sáu, ngày 25/12/2020 16:39 PM (GMT+7)
Mưa lũ lịch sử ở tỉnh Quảng Bình vừa qua khiến một lượng đất cát lớn từ thượng nguồn đổ về vùi lấp nhiều diện tích đất nông nghiệp. Bà con nông dân ra đồng nhìn ruộng bị bồi lấp mà không cầm được nước mắt, không biết phải trồng cấy làm sao...
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một trong những xã có diện tích ruộng sản xuất bị đất cát bồi lấp nhiều nhất ở Quảng Bình.
Trên cánh đồng gần bước vào vụ lúa đông – xuân của xã Hưng Trạch, nhiều ruộng đang bị bồi một lớp đất dày từ 0,5 – 1m. Đất bồi lấp chủ yếu là đất sét, rất dẻo nên rất khó cải tạo.
Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hương (trú thôn Bồng Lai 1, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch), bày tỏ: "Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua khiến đất sạt lở nhiều, bồi hết ruộng lúa của chúng tôi. Nhà tôi có 5 sào ruộng mà bị đất bồi lấp dày quá, không thể canh tác được nữa. Mỗi lần ra đồng, nhìn ruộng bị đất phủ lên mà không cầm được nước mắt".
Clip: Nông dân Quảng Bình nhìn ruộng lúa bị bồi lấp.
"Nhìn ruộng bị đất bồi lấp xót xa quá, giờ không biết phải canh tác như thế nào, cả tháng nay ra xới đất lên nhưng đất bồi dày và dẻo nên không thể cải tạo được. Tôi đang tính chuyển đổi cây trồng nhưng đất này loại cây nào cũng khó phát triển" - bà Trần Thị An (trú ở thôn Hà Lời, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch) lo.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh này có hơn 120ha ruộng các loại bị bùn đất vùi lấp sau lũ. Trong đó, có khoảng một phần ba rơi vào tình trạng không thể sản xuất được.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, cho hay: "Trên địa bàn xã có hơn 26ha đất ruộng bị bùn đất vùi lấp sau trận lũ vừa qua, trong đó, có cả ruộng lúa và ruộng hoa màu. Hơn một tháng kể từ khi lũ rút, chính quyền xã đã tìm nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa có cách khắc phục được diện tích đất ruộng bị bồi lấp để giúp người dân sản xuất kịp mùa vụ".
"Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp nghiên cứu, khảo sát và triển khai mô hình trải bạt nuôi cá trên đất ruộng lúa bị bồi lắng có chủ động nguồn nước. Còn đối với diện tích đất cao bị bồi lấp sâu, chúng tôi sẽ đào hố, bỏ các loại phân chuồng hoai mục, rơm, để tạo sự tơi xốp rồi gieo các giống bí" - Ông Mai Văn Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.