Quảng cáo đánh bạc online bị xử lý như thế nào?

Phi Long Thứ sáu, ngày 19/07/2024 15:23 PM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp quảng cáo cá độ xuất phát từ các trang website trực tuyến được lập trái phép mà hướng tới người dùng mạng xã hội với mục đích để rủ rê, lôi kéo người khác đánh bạc sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Ngày 18/7, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nắm tình hình và xử lý nghiêm các đường dây tổ chức đánh bạc và quảng cáo đánh bạc.

Trước đó, trên các phương tiện báo chí, thông tin đại chúng đăng tải hình ảnh một số người dân, cửa hàng sử dụng áo, biển quảng cáo có chứa logo liên quan đến những trang website đánh bạc trực tuyến.

Điển hình tại quận Liên Chiểu, một số quán ăn nhỏ lẻ, quán nước giải khát được tài trợ làm biển quảng cáo và không để ý có logo lạ nên vẫn sử dụng bình thường.

Sau khi cơ quan chức năng phát hiện, đã tiến hành giải thích và yêu cầu không sử dụng biển quảng cáo có chứa logo này nữa.

Tuy nhiên, hình thức quảng cáo của các trang website này bắt đầu biến tướng sang hình thức tặng áo có chứa logo dẫn đến nhiều người dân không biết vô tư sử dụng.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng liên quan để tăng cường giám sát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng quảng cáo đánh bạc và đánh bạc dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không để cho các đối tượng tội phạm lợi dụng để tiếp tay và cổ súy cho hoạt động phạm tội trên địa bàn.

Quảng cáo đánh bạc online bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Quảng cáo cho các website đánh bạc online sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: PLTP.

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây những trang mạng có tên như Nhà cái, Nhà cái uy tín, Win, Bet… đều thu hút rất đông người theo dõi. Các trang này có hàng chục bài viết kêu gọi người khác đầu tư; bỏ tiền cá cược qua hình thức giao dịch như tài khoản ngân hàng, thẻ cào…

Thậm chí các trang cá cược này còn trả tiền cho nhà mạng để xuất hiện ở nhiều diễn đàn. Điều đáng nói, các trang này đều cam kết việc cá cược là hợp pháp, uy tín với người chơi và trang nào cũng hô khẩu hiệu "nhà cái uy tín hàng đầu Việt Nam".

Dù có chính sách hạn chế quảng cáo cá cược bằng tiền, tiền ảo… nhưng do các trang quảng cáo này trả tiền ở mức cao nên vẫn xuất hiện trên mạng tràn lan. Những tài khoản trên mạng hầu hết được xuất hiện, thậm chí còn được nhắn tin mời gọi tham gia.

Đặc biệt, hầu hết các trang này có ngôn ngữ tiếng Việt, hướng tới cộng đồng người Việt nhưng các máy chủ, tài khoản lại đặt ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chính điều này cũng ít nhiều gây khó khăn trong việc truy tìm và xử lý, xoá bỏ các trang quảng cáo cờ bạc online này của cơ quan chức năng.

Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, các hành vi cờ bạc, cá độ dưới bất kỳ hình thức nào cũng vi phạm pháp luật nên các loại hình này đều bị cấm quảng cáo theo khoản 1, Điều 7, Luật Quảng cáo 2012.

Ngoài ra, tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi: Lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Quảng cáo đánh bạc online bị xử lý như thế nào?- Ảnh 2.

Các trang website trực tuyến đánh bạc còn tặng áo cho người dân mặc in hình quảng cáo trái phép. Ảnh: PLTP.

Trường hợp quảng cáo cá độ xuất phát từ các trang website trực tuyến được lập trái phép mà hướng tới người dùng mạng xã hội với mục đích để rủ rê, lôi kéo người khác đánh bạc thì đây có thể là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính. 

Cụ thể: Căn cứ Điều 28, Nghị định số 144/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi rủ rê lôi kéo tham gia đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Một số hình thức xử phạt bổ sung có thể áp dụng đối với trường hợp này như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, thu tiền do vi phạm hành chính mà có, đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng.

Nếu là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính theo điều này có thể bị xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, chủ thể vi phạm có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp sau khi cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét hành vi quảng cáo cá độ, bài bạc trên mạng xã hội mà có dấu hiệu của tội phạm thì chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại Điều 197, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội quảng cáo gian dối: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuỳ vào hành vi cụ thể, chủ thể thực hiện hành vì còn có thể bị xử lý theo khoản 2, Điều 322, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội 'Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" đối với hành vi sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem