Quang Huy gọi rapper "xỉa xói" Sơn Tùng là "vô học"

Ngọc Khanh Thứ tư, ngày 07/10/2015 11:11 AM (GMT+7)
Ông bầu mát tay cho rằng, việc xúc phạm Sơn Tùng của rapper Bueno là "vô học".
Bình luận 0

Hai ngày trở lại đây, cư dân mạng và đặc biệt là cộng đồng Sky - fanclub của Sơn Tùng M-TP đang xôn xao bởi một clip có nội dung chê bai, nhằm thẳng vào chàng ca sĩ Chắc ai đó sẽ về.

Được thực hiện bởi rapper Bueno - một thành viên của nhóm nhạc underground F.O.E Team, clip  không chỉ gọi Sơn Tùng là "vua bắt chước", cho rằng anh hoàn toàn "đạo nhái" G-Dragon mà còn liên tục "chế" những lời bài hát của Sơn Tùng M-TP đồng thời khuyên nam ca sĩ nên "về quê cày bừa".

Bueno "tặng" Sơn Tùng một clip dài gần 2 phút.

img

Hình ảnh trong MV.

Giọng điệu mạnh mẽ và có phần gay gắt của clip này khiến nhiều người sốc bởi từ trước đến giờ, chưa có ai "dám" ra hẳn một bài hát tiêu cực về Sơn Tùng như vậy vì ai cũng biết rằng nam ca sĩ Thái Bình hiện là một trong những người có đông fan cuồng nhất showbiz.

Tuy việc nói Sơn Tùng đạo nhái BigBang hay G-Dragon là chuyện không mới nhưng phong cách thể hiện gay gắt của clip này cũng như việc dùng những lời lẽ nặng nề khiến nhiều cư dân mạng cho rằng, đây là hành động dằn mặt của Bueno dành cho "đàn em" một thời trong giới underground.

Ngay khi clip này được công bố, ông bầu Quang Huy - quản lí hiện tại của Sơn Tùng đã lên tiếng trên trang cá nhân. Vị đạo diễn này cũng dành nhiều lời lẽ chỉ trích hành động "xỉa xói" Sơn Tùng của Bueno.

img

Quang Huy bênh vực Sơn Tùng và gọi hành động của Bueno là "vô học".

Viết  một note rất dài nói về cộng đồng Underground cũng như cách các nghệ sĩ của cộng đồng này truyền cảm hứng cho khán giả của mình, Quang Huy không quên lên án cách đoạn clip xúc phạm Sơn Tùng M-TP rồi lại được mang đi rêu rao như một chiến lợi phẩm. Theo ông chủ của Wepro, hành động này "không có từ nào khác nhẹ hơn từ vô học".

Quang Huy còn cho rằng, các rapper underground thể hiện cá tôi của mình bằng việc đả kích, xúc phạm người khác cũng không có gì là sai, dù việc đả kích đó cũng là đi copy (sao chép) lại từ nước ngoài: "Điều đó cho thấy, ở underground hay mainstream (âm nhạc chính thống) là do ý muốn lựa chọn của mình, ở đâu mà mình thoải mái sáng tạo nhất, cống hiến được nhiều nhất, truyền cảm hứng được mạnh nhất, thì mình ở đấy. Under hay “over” chẳng có gì là xấu, là sai… các em copy lối sống underground của Tây, Đông, Bắc, Nam gì đó cũng không có gì là sai, muốn dùng âm nhạc, hình ảnh, tác phẩm của mình để công kích, chỉ trích người khác, đó cũng là một lối sống khá Tây đấy, cũng copy đấy, nhưng chấp nhận được, cái gì hay thì học thôi".

Trước vụ việc Sơn Tùng bị Bueno đả kích này, chàng ca sĩ người Thái Bình từng vướng vào lùm xùm về việc đạo phần rap của rapper Binz trong phần trình diễn Em của ngày hôm qua trên sân khấu Giọng hát Việt.

Trước đây, Sơn Tùng từng là một nghệ sĩ underground, tham gia hoạt động trong nhóm Young Pilots (Phi công trẻ) thuộc cộng đồng Ladykillah danh tiếng nhưng việc nổi tiếng quá sớm cùng với việc thay đổi phong cách, âm nhạc khiến anh bị nhiều "anh em" trong giới "quay mặt" hoặc có nhiều lời lẽ không hay.

Nguyên văn phần chia sẻ của đạo diễn Quang Huy:

"Chợt thấy đâu đó nâng quan điểm Underground là một lối sống. Mình thích quan điểm này, chỉ không thích là nó được nâng lên để bảo vệ một câu chuyện tào lao.

Trên thế giới, lối sống, hay đúng hơn là cộng đồng underground đã cung cấp cho giới chuyên nghiệp nhiều tác phẩm và nghệ sĩ được đông đảo công chúng thừa nhận và yêu thích. Ở Việt Nam, tên gọi Underground theo cá nhân mình biết thì được du nhập vào chắc đâu đó trên dưới chục năm nay. Lúc đó giữa lúc mình đang ngán ngẩm mấy tác phẩm rap chế chẳng ta chẳng tây thì nghe được những bài của LK (có thể viết không chính xác tên), thấy có cảm hứng lạ, vì nó vẫn rất đậm chất rap mà cách dùng từ và nhả chữ phát âm rất đặc trưng, rất đậm dấu cá nhân LK. Đó là nghệ sĩ cho mình biết đến cái tên Underground.

Cái tên Underground, vì nó được du nhập vào bởi một trào lưu, cộng đồng trên thế giới nên những người Việt Nam tham gia vào nó định nghĩa khái niệm Underground phần nhiều cũng bị ảnh hưởng theo trào lưu chung từ nước ngoài. Đó chính là khái niệm mà các bạn đang nâng quan điểm thành một lối sống như bây giờ.

Nhưng thực ra, theo mình ở Việt Nam, khái niệm underground nên được hiểu thêm không chỉ là những nghệ sĩ không chuyên hoạt động trên mạng, trong các cộng động underground, còn có thể hiểu rộng thêm chỉ ra những nghệ sĩ hát nhà hàng, phòng trà, đám tiệc, các bạn trẻ mới bước vào nghề và tích luỹ kinh nghiệm từ những “sân bóng phủi”… nói chung là hoạt động độc lập, không nhà sản xuất, không quản lý, không cần hoặc chưa có những bộ máy chuyên nghiệp hỗ trợ…

Mình biết đến giới Underground (theo khái niệm của riêng mình) từ hồi cái tên underground chưa có mặt ở Việt Nam. Từ thời theo bố mẹ bước vào thế giới âm nhạc từ những năm 1980, những nghệ sĩ underground thời đó phải tìm tòi băng cassette, video của các ban nhạc quốc tế để cập nhật xu hướng âm nhạc, thời trang chứ không có kiểu “one click" trên internet như bây giờ… để chơi cho thoả chí và kiếm sống. Lâu dần, trong số đó có cơ hội được nhà sản xuất nào đó để ý đến, hay biên tập/bầu show sân khấu nào đó quan tâm, những nghệ sĩ đó sẽ có cơ hội được sản xuất băng cassete, đĩa CD, được kẻ tên trên băng rôn, được giới thiệu trong những chương trình có uy tín… và dần dần nếu có khả năng và phấn đấu vươn lên họ có thể gia nhập vào hàng ngũ chuyên nghiệp, may mắn và tài năng hơn thì họ trở thành các ngôi sao được yêu mến. Có thể kể đến 80-90% các tên tuổi hàng đầu hiện nay đều đi qua những con đường đó.

Những nghệ sĩ đó, chưa chắc họ đã tài năng hơn những người ở lại underground. Nhưng chắc chắn rằng, họ đam mê thành công, đam mê chiến thắng, dấn thân vì đam mê đó, họ chấp nhận tham gia vào cuộc chơi lớn hơn, kết nối và truyền cảm hứng, tạo ảnh hưởng ở sân chơi rộng hơn, có “thương hiệu” hơn. Những người ở lại, có nhiều dạng, hoặc họ không thích bon chen, không quen phải làm việc nhiều ekip, không thích phụ thuộc vào đám đông, thích tự chủ và an phận. Hoặc, có những người muốn, nhưng đã thất bại, hoặc đã thử và thấy không phù hợp. Điểm chung của cả 2 giới này thời đó là họ đều lăn lộn như nhau, mắc võng nằm ngủ dưới gầm sân khấu, trải chiếu phòng hoá trang, lây lất trên các chuyến xe khắp cả nước, mài đũng quần xuống sàn sân khấu để tập với ban nhạc, uống trà đá sau mỗi show diễn vã mồ hôi. NÊN, họ nhìn nhau và hiểu rằng, chẳng có một trang facebook hay forum nào đưa tác phẩm của họ đi xa hơn, chỉ có mồ hôi và sự lao động mới xứng đáng với thành quả những nghệ sĩ vươn lên từ underground của ngày đó. Nên, họ cũng chẳng có một status facebook nào, youtube nào để công kích đả phá thành công của người khác. Chỉ có những quán café, sinh tố, vỉa hè để những con người ở 2 thế giới nhưng 1 lối sống đó tề tựu sau các show diễn hằng đêm, dù có kẻ bước xuống từ sân khấu cao, to, lộng lẫy và có kẻ bước ra từ quán bar, nhà hang, show tạp kĩ… Họ, dù “trên" hay “dưới" ground, đều tôn trọng nhau và hiểu rõ giá trị lao động của nhau.

Nếu các em muốn tôn hoạt động của mình lên thành một lối sống, điều đó quá tuyệt vời vì bây giờ khoảng cách giữa underground và mainstream cũng không khác nhau quá xa. Anh từng thấy nhiều bạn underground cũng leo lên các sân khấu lớn rồi, và chính tay anh cũng từng đôi lần bước lên sân khấu trao giải thưởng mainstream cho vài bạn underground. Đấy, các bạn cũng có người thích tác phẩm của mình được chú ý, cá nhân mình được toả sáng mà.

Điều đó cho thấy, ở underground hay mainstream là do ý muốn lựa chọn của mình, ở đâu mà mình thoải mái sáng tạo nhất, cống hiến được nhiều nhất, truyền cảm hứng được mạnh nhất, thì mình ở đấy. Under hay “over” chẳng có gì là xấu, là sai… các em copy lối sống underground của Tây, Đông, Bắc, Nam gì đó cũng không có gì là sai, muốn dùng âm nhạc, hình ảnh, tác phẩm của mình để công kích, chỉ trích người khác, đó cũng là một lối sống khá Tây đấy, cũng copy đấy, nhưng chấp nhận được, cái gì hay thì học thôi. Đặt cái tựa bài hát chửi thề vào cha mẹ người ta, thôi cũng được, văn hoá đến đâu thì câu chữ đến đấy. Nhưng mà đ** vào hình ảnh người ta, nó có 2 cấp độ. Cấp độ 1 là đ** vào hình ảnh mặt người ta mà không ai biết thì có thể suy ra là không nhìn thấy, theo tâm lý thông thường chẳng ai làm thế, trừ khi dùng mũi để tìm chỗ đ** chứ không dùng mắt. Cấp độ 2 là đ** vào hình ảnh người ta rồi rêu rao và quay hình phổ biến, thì đó không có từ nào khác nhẹ hơn từ vô học.

Mình tin, đó không phải là lối sống Underground".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem