Quảng Nam: Ban hành kết luận của UBND tỉnh sau buổi đối thoại với nông dân
Quảng Nam: Ban hành kết luận của UBND tỉnh sau buổi đối thoại với nông dân
Trương Hồng
Thứ năm, ngày 18/08/2022 19:15 PM (GMT+7)
Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều hướng giúp nông dân, đó là đẩy mạnh phát triển một số cây con chủ lực như sâm Ngọc Linh, dỗi ăn hạt, măng cụt, lúa giống, nuôi tôm, bò..., và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Thaco Trường Hải, Masan, Nutifood,... trong hợp tác đầu tư liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản.
Ngày 18/8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã có kết luận sau khi lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đối thoại với nông dân trên địa bàn.
Theo đó, tại buổi đối thoại, nông dân đặt câu hỏi, phản ánh nêu lên ý kiến, kiến nghị dành cho các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp. Nội dung tập trung vào môt số nhóm vấn đề như, giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19; quy hoạch đất đai để nông dân được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; việc thúc đẩy liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp để giải quyết đầu ra sản phẩm của nông dân; xây dựng nông thôn mới; việc tiếp cận các nguồn vốn vay của nông dân; môi trường nông thôn; việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện,...
Sau khi đối thoại với nông dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách giúp nông dân phát triển (Ảnh: T.H).
Sau khi nghe các câu hỏi, ý kiến phản ánh của nông dân ở 210 điểm cầu trên địa bàn tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trả lời, giải đáp các câu hỏi, kiến nghị của nông dân, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, buổi đối thoại đã hoàn thành các nội dung, chương trình theo kế hoạch đề ra, các câu hỏi, ý kiến trao đổi, phản ánh, kiến nghị là tâm tư nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân, các sở, ngành liên quan đã trực tiếp trả lời tại buổi đối thoại.
"Tuy nhiên, thời gian có hạn nên một số câu hỏi chưa được giải đáp đầy đủ và một số câu hỏi khác chưa được trả lời trực tiếp tại buổi đối thoại. Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của bà con nông dân, đề nghị Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp tất cả các câu hỏi tại buổi đối thoại và gửi cho các sở, ban, ngành liên quan tham mưu trả lời để đăng tải lên Smart Quảng Nam", kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu còn đề nghị các địa phương hướng dẫn bà con nông dân cài Smart Quảng Nam vào điện thoại để truy cập, tiếp cận thông tin. Trong thời gian tới, nếu bà con nông dân có nội dung cần kiến nghị, phản ánh thì có thể gọi qua số 1022 Quảng Nam để được hướng dẫn, trả lời.
"Thời gian qua, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách, các chương trình, kế hoạch liên quan đến ngành NNPTNT; đề nghị sở NNPTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thông tin, phổ biến và hướng dẫn, tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận, hưởng lợi các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ chỉ đạo, định hướng của tỉnh trong đẩy mạnh phát triển một số cây con chủ lực như sâm Ngọc Linh, dỗi ăn hạt, măng cụt, lúa giống, nuôi tôm, bò…, ngành NNPTNT tỉnh cùng các địa phương nghiên cứu, có kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương; đồng thời, chủ động làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Thaco Trường Hải, Masan, Nutifood,... trong hợp tác đầu tư liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn…", ông Bửu yêu cầu.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu sở NNPTNT khẩn trương tham mưu thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng; trình UBND tỉnh trong tháng 8/2022 để xem xét, quyết định. Đối với sở Công Thương cần tăng cường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để giới thiệu, đưa sản phẩm nông sản của người nông dân, chủ thể OCOP đến với người tiêu dùng, đặc biệt là trên các kênh thương mại điện tử; đồng thời, chủ động phối hợp với Hội Nông dân tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại hằng năm để làm phong phú, đa dạng hóa nguồn sản phẩm nông sản.
"Trong những năm đến, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành với nông dân theo định kỳ mỗi năm 1 lần, thời gian tổ chức trong Quý III. Giao Hội Nông dân tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch ngay từ đầu năm để chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện tổ chức buổi đối thoại đạt kết quả.
Đối với ở cấp huyện, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch tổ chức các buổi đối thoại với nông dân trên địa bàn để lắng nghe, nắm bắt kịp thời nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, qua đó hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền", ông Bửu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.