Quảng Nam: Bước chuyển mình của Đại Hồng hôm nay

Trần Hậu Thứ năm, ngày 22/07/2021 10:57 AM (GMT+7)
Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mà giờ đây, diện mạo nông thôn Đại Hồng đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể.
Bình luận 0

Quê hương Đại Hồng thay "áo mới"

Ông Phạm Ích Khiêm – Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết, Đại Hồng đã cán đích xã NTM năm 2015, tuy nhiên địa phương xác định cán đích NTM chỉ là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ngay sau khi về đích Đại Hồng đã xây dựng các kế hoạch giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bằng những giải pháp và hành động cụ thể nên nhận được sự đồng thuận rất cao của bà con nhân dân.

Quảng Nam: Bước chuyển mình của Đại Hồng hôm nay - Ảnh 1.

Xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Trần Hậu.

Địa phương thường xuyên thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh từ xã đến thôn đảm bảo truyền tải thông tin về tình hình duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trên địa bàn xã.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đại Hồng đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác phối hợp với các thành viên trong mặt trận để tổ chức và thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" như: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, về công tác bảo vệ môi trường, về giảm nghèo bền vững… từ đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Quảng Nam: Bước chuyển mình của Đại Hồng hôm nay - Ảnh 2.

Ông Phạm Ích Khiêm – Chủ tịch UBND xã Đại Hồng. Ảnh: Trần Hậu.

Bên cạnh đó, địa phương còn thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" gắn với phong trào xây dựng NTM, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã đẩy mạnh cuộc tuyên truyền vận động đến chị em phụ nữ trên địa bàn xã về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động, đồng thời hướng dẫn cho các chị em phụ nữ đăng ký thực hiện mô hình "5 không, 3 sạch" gắn với phong trào xây dựng NTM…

Ông Khiêm cho biết thêm, giai đoạn 2016-2020 Đại Hồng đã huy động 8,948 triệu đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, vốn trực tiếp từ Chương trình xây dựng NTM là 8,652 triệu đồng, gồm: Ngân sách Trung ương là 4,234 triệu đồng, ngân sách của tỉnh là 3,132 triệu đồng, ngân sách huyện 716 triệu đồng, ngân sách xã là 480 triệu đồng, vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư là 386 triệu đồng.

Đến nay, đường giao thông trục xã, liên xã đã bê tông hóa đạt chuẩn được 10,314km, đạt tỷ lệ 100%; đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn 15,992km đạt 94,45%; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện quanh năm.

Trong 5 năm qua, địa phương đã hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn: Tuyến từ cầu ông Quỳnh – cổng làng Dục Tịnh dài 370m; tuyến đường từ cổng làng Hà Vy – đến QL 14B dài 80m; tuyến từ nhà Bá Kiến – ông Nhấn Ngọc Kinh Đông dài 30m; làm mới 110m mương thoát nước từ ngã tư 2 thôn Ngọc Kinh Đông, Ngọc Kinh Tây đến mương Đầm; nâng cấp đường ĐX4 từ QL 14B – cầu Khe Ngang (Hà Vy) dài 220m; nâng cấp đường ĐX5 từ Khe Ngang (Hà Vy) đến cầu Khe Bò (Lập Thuận) dài 1.070m…

Quảng Nam: Bước chuyển mình của Đại Hồng hôm nay - Ảnh 3.

Trường học được xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

Nhìn chung hệ thống giao thông trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đường được bê tông hóa đạt tỷ lệ cao, không có đường lầy lội vào mùa mưa.

Trên địa bàn xã có 1 thôn được công nhận "Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu" đó là khu dân cư thôn Ngọc Kinh Đông đã được UBND huyện Đại Lộc có quyết định công nhận vào năm 2020.

Đời sống người dân ngày càng đi lên

Ông Nguyễn Bình – Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Ngọc Kinh Đông cho biết, trước đây, các con đường trong thôn nhỏ hẹp lắm, về mùa mưa chỉ lội bộ đi, con em đi học rất khó khăn, cũng nhờ Chương trình xây dựng NTM mà các tuyến đường này được đầu tư nâng cấp và mở rộng, giúp giao thông thuận lợi.

"Khi triển khai thi công các tuyến đường này, gia đình tôi và các hộ ở đây đã tự nguyện hiến đất ở và dỡ bỏ tường rào cổng ngõ, cây cối, để cùng chính quyền địa phương xây dựng. Giờ đây diện mạo xã nhà ngày càng khang trang, kinh tế khấm khá, bà con chúng tôi vui và phấn khởi lắm...", ông Bình vui mừng nói.

Quảng Nam: Bước chuyển mình của Đại Hồng hôm nay - Ảnh 4.

Trụ sở UBND xã Đại Hồng. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Phạm Ích Khiêm – Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết, những năm qua lĩnh vực kinh tế của Đại Hồng có những bứt phá mới và phát triển toàn diện theo đúng định hướng cơ cấu ngành. Tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế năm 2020 ước đạt 414,9 tỷ đồng, trong đó ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng đạt 172,9 tỷ đồng (chiếm 41,67%), ngành thương mại – dịch vụ - du lịch đạt 162,3 tỷ đồng (chiếm 39,11%), ngành nông lâm nghiệp đạt 79,7 tỷ đồng (chiếm 19,22%).

Đại Hồng là xã thuần nông, đất sản xuất nông nghiệp 420ha, trong đó đất lúa là 44ha, đất màu 376ha chủ yếu sản xuất thuốc lá, ngô, ớt và rau đậu các loại. Ngoài ra Đại Hồng cũng đã xây dựng được nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả như chăn nuôi bò 3B, mô hình trồng ngô, lạc, thuốc lá, trồng dâu nuôi tằm... cũng đem lại giá trị kinh tế cao.

Quảng Nam: Bước chuyển mình của Đại Hồng hôm nay - Ảnh 5.

Xã Đại Hồng đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mới đem lại giá trị cao. Ảnh: Trần Hậu.

Trên lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thời gian qua cũng có bước phát triển, trong 5 năm qua đã thành lập thêm 2 công ty TNHH và 1 cơ sở may công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 300 lao động.

Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển mạnh, đa dạng các loại hình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hiện chợ Đại Hồng đã xây dựng xong chuẩn bị đi vào hoạt động, khi đi vào hoạt động sẽ tạo điểm nhấn cho địa phương trong thời gian đến. Các điểm du lịch là thế mạnh của địa phương như Bằng Am, Khe Lim ngày càng thu hút đông khách đến tham quan, du lịch.

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay Đại Hồng đã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Quảng Nam năm 2020 gồm: Bột Ngũ Cốc Hồng An, dầu phụng Đại Hồng.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao giá trị trên cùng đơn vị canh tác đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập của người dân đã tăng cao hơn so với trước. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,62 triệu đồng/người/năm (tăng 18,1 triệu đồng so với năm 2015), hộ nghèo giảm còn 1,38% (giảm 2,18% so với năm 2015).

"Là xã miền núi, hàng năm chịu sự ảnh hưởng thiên tai bão lũ, hạn hán. Vì vậy, để Đại Hồng đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2024, xa hơn là xã NTM kiểu mẫu, địa phương còn rất nhiều việc phải làm, nhất là nguồn vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu dân cư tránh bão lũ. Địa phương, kính đề nghị các cấp, ban ngành tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí cho địa phương để tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng…", ông Phạm Ích Khiêm – Chủ tịch UBND xã Đại Hồng đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem