Quảng Nam: Mạnh dạn vay vốn nuôi lợn, có lúc trắng tay vì dịch tả lợn Châu Phi, nữ nông dân vượt khó ngoạn mục

Đình Cuối Thứ ba, ngày 24/08/2021 08:26 AM (GMT+7)
Chị Triệu Thị Thảo (sinh năm 1974, thôn 5 xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) là một nữ nông dân ở miền núi đã quyết tâm xây dựng mô hình chăn nuôi lợn (heo) nái, lợn thịt và vươn lên trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Bình luận 0

 Mạnh dạn vay vốn nuôi lợn

Đến thôn 5, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn hỏi thăm ai cũng biết về gia đình chị Triệu Thị Thảo, một nông dân điển hình năng động, dám nghĩ, dám làm và đã thành công từ mô hình chăn nuôi heo nái, heo thịt.

Với bản lĩnh và ý chí không chịu đói nghèo của mình cộng với tính chịu khó, năng động, sự quyết tâm làm giàu, chị Triệu Thị Thảo - sinh năm 1974, thôn 5 xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đã quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi heo nái, heo thịt mà mình từng tâm huyết, từng gắn bó.

Quảng Nam: Gương sáng nữ nông dân miền núi mạnh dạn chăn nuôi lợn và vươn lên thành nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 1.

Mô hình nuôi heo của gia đình chị Triệu Thị Thảo thôn 5 xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.Ảnh: Đình Cuối

Chị Triệu Thị Thảo cho biết, năm 2010, thông qua Hội Nông dân huyện Phước Sơn, gia đình tôi vay 15 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện đầu tư vào chăn nuôi heo nái sinh sản và heo thịt. Qua 2 năm đầu chăn nuôi, gia đình đã trả được số vốn vay và có thêm một ít tiền lãi. Với số vốn có được, gia đình tiếp tục đầu tư chăn nuôi, từng bước phát triển và nhờ chăn nuôi hèo, gia đình từ hộ nghèo dần trở thành hộ khá trong xã.

"Năm 2020, trước khi dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, gia đình tôi chăn nuôi có dư lãi được bao nhiêu lại đầu tư mua đất để xây dựng thêm chuồng trại, mua thêm con giống. Khi dịch bệnh xảy ra, các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn đều bị thua lỗ và có hộ phải bỏ nghề. Tại thời điểm đó, gia đình tôi cũng không ngoại lệ, đàn heo đã bị bệnh chết, gia đình bị thua lỗ..." – Chị Thảo nhớ lại.

Trong lúc khó khăn, bên cạnh sự động viên ủng hộ nhiệt tình từ phía gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Nông dân đã càng thôi thúc chị và gia đình có thêm động lực để xây dựng lại mô hình nuôi heo, với hy vọng sau một thời gian giá heo sẽ tăng dần lên sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2020.

Chị Thảo cho biết thêm, đến tháng 1/2021, gia đình tôi chính thức bắt tay vào công việc sau gần nửa năm chuồng trại bị bỏ không. Gia đình tôi mạnh dạn một lần nữa vay tiền Ngân hàng CSXH huyện Phước Sơn 100 triệu đồng và vay vốn Qũy hỗ trợ nông dân huyện 20 triệu đồng. Với số tiền vay được, gia đình tôi đã đầu tư cải tạo lại chuồng trại, mở rộng diện tích trồng chuối, rau màu các loại và mua 15 con heo nái giống để nuôi. Đến nay đàn heo đã sinh trưởng hơn 60 con heo con với giá bán heo giống hiện nay 200.000/kg.

Vươn lên thành nông dân sản xuất giỏi

Tháng 04/2021, dịch tả lơn châu Phi tiếp tục bùng phát, tuy nhiên với kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi và làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh, nên trang trại của gia đình chị Thảo không bị ảnh hưởng, đàn heo vẫn sinh trưởng tốt.

"Đến nay trang trại với diện tích khoảng hơn 1.500m2,  luôn duy trì thường xuyên số lượng từ 150-200 con heo. Hiện tại, heo nái 15 con, heo nhỡ 60 con, heo sữa 80 con và đã cho xuất chuồng nhiều lứa lợn thịt được giá cao, kinh tế gia đình đã được cải thiện và tích lũy đảm bảo cuộc sống ổn định..."- Chị Thảo phấn khởi nói.

Quảng Nam: Gương sáng nữ nông dân miền núi mạnh dạn chăn nuôi lợn và vươn lên thành nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 2.

Hiện tại, mô hình chăn nuôi của chị Thảo có nái 15 con, heo nhỡ 60 con, heo sữa 80 con và đã cho xuất chuồng nhiều lứa lợn thịt được giá cao, kinh tế gia đình đã được cải thiện và tích lũy đảm bảo cuộc sống ổn định. Ảnh: Đình Cuối

 Được biết, để đạt được những thành quả  như trên chị Thảo đã không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, kiên trì vượt qua mọi khó khăn trong suốt quá trình chăn nuôi và đã thực hiện nghiêm ngặt cách phòng trừ dịch bệnh cho heo theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Nhất là xây dựng trang trại mô hình khép kín, tự cung cấp nguồn lợn giống, thường xuyên vệ  sinh, khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường xung quanh nước thải, phân lợn đảm bảo an toàn... 

Đại diện Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Phước Sơn cho hay, ngoài việc làm kinh tế giỏi, chị Thảo luôn tích cực tham gia trong các phong trào do Hội Nông dân các cấp và địa phương phát động, đặc biệt gia đình chị Thảo có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới của xã. Theo đánh giá của Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Phước Sơn, chị Triệu Thị Thảo là một hội viên nông dân năng động, sáng tạo, say mê học hỏi những cách làm hay để phát triển kinh tế; đoàn kết tương trợ giúp nhau trong lao động sản xuất kinh doanh, ở địa phương. 

Mô hình chăn nuôi heo nhà chị Thảo là một tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm, nhiều năm liền được các cấp công nhận nông dân sản xuất kinh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem