Nam Định: Nuôi loài cá đặc sản ăn được cả thịt lẫn xương, có bao nhiêu thương lái “ôm” hết

Đức Thịnh Chủ nhật, ngày 22/08/2021 19:06 PM (GMT+7)
Từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Xuân Trường, Nam Định đã xuất hiện và lan tỏa nhiều điển hình nông dân giỏi với nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Mô hình nuôi cá chạch sụn, mô hình nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng và cá trắm đen… là những mô hình hay đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Nuôi chạch sụn, cá trắm đen đặc sản

Anh Nguyễn Hữu Bằng với mô hình nuôi chạch sụn đặc sản ở xóm 1, xã Xuân Phú (Xuân Trường) là điển hình nông dân giỏi ở huyện Xuân Trường.

Anh Bằng cho biết: từ năm 2018, anh Bằng cùng với 4 người anh em rủ nhau  thuê diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đầu tư trang trại, làm ao nuôi cá chạch sụn. Khi mới nuôi cá chạch sụn, anh đi học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá chạch sụn ở huyện Nghĩa Hưng về áp dụng.

Nam Định: Nuôi loài cá đặc sản ăn được cả thịt lẫn xương, có bao nhiêu thương lái “ôm” hết - Ảnh 1.

Cùng với mô hình nuôi cá chạch sụn của anh Nguyễn Viết Bằng ở huyện Xuân Trường, nhiều nông dân ở huyện Ý Yên, Nam Định cũng có thu nhập cao từ mô hình này. Trong ảnh: Kiểm tra thức ăn tại máng ăn tự động trên ao nuôi cá chạch sụn ở gia đình anh Tô Văn Mạnh, thôn Lữ Đô, xã Yên Phương (Ý Yên). Ảnh Đ.T

Đến nay, anh Bằng có đã có 7 ao nuôi chạch sụn với tổng diện tích trên 7,4ha. Trung bình một năm thu 2 lứa cá chạch sụn thương phẩm, tổng sản lượng khoảng 35-40 tấn cá. Nhờ chất lượng ngon nên đầu ra của cá chạch sụn luôn đảm bảo ổn định do một công ty chuyên cung cấp thực phẩm sạch ở Hà Nội nhận thu mua. Ngoài ra, cứ 2 tháng một lần, trang trại của anh xuất một lứa cá giống khoảng 40 đến 50 vạn con.

Anh Bằng bộc bạch: Cá chạch sụn là loài tương đối dễ tính, kỹ thuật nuôi không quá khó, tỷ lệ sống cao, ít dịch bệnh. Cá đặc sản này có chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng, lại có xương sụn mềm ăn được cả thịt lẫn xương, khác hẳn chạch đồng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Mô hình 11ha nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng và cá trắm đen của tỷ phú nông dân Trần Thanh Năm ở xóm 19, xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường là mô hình điển hình ở địa phương. 

Nam Định: Nuôi loài cá đặc sản ăn được cả thịt lẫn xương, có bao nhiêu thương lái “ôm” hết - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh cá trắm đen của tỷ phú nông dân Trần Thanh Năm (ngoài cùng bên phải) ở xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, Nam Định.

Ông Năm cho biết: "Khi nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng và cá trắm đen thì 2 đối tượng này sẽ hỗ trợ lẫn nhau để phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh, môi trường nuôi cũng sạch hơn. Khi tôm bị dịch bệnh yếu thì cá sẽ tiêu diệt con tôm bệnh khiến dịch bệnh không thể lây lan rộng".

Giúp nông dân sản xuất giỏi, làm giàu

Ông Trần Đức Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Trường cho biết: Với sự hỗ trợ từ Hội Nông dân các cấp, hội viên nông dân huyện Xuân Trường tích cực tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Bình quân hàng năm, huyện Xuân Trường có 19.500 hộ nông dân đăng ký và có 14.800 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tiêu biểu; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trong chăn nuôi, tiêu biểu như ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh; ông Lê Văn Bản, xã Xuân Hòa; ông Nguyễn Viết Bằng, xã Xuân Phú; ông Nguyễn Văn Trung, xã Xuân Ninh nuôi trồng thủy sản; ông Nguyễn Văn Thanh, thị trấn Xuân Trường nuôi cá lồng; ông Nguyễn Văn Thang, xã Xuân Đài với trang trại chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập bình quân từ 500 triệu đến 2,2 tỷ đồng/năm...

Theo ông Mạnh: Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện đã thành lập mới 7 mô hình tổ hợp tác với 68 thành viên tham gia; 4 tổ hội nghề nghiệp với 42 thành viên tham gia. Các mô hình kinh tế tập thể này đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Hội còn tăng cường phối hợp với các phòng, ban liên quan để khai thác, vận động tạo nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Đã có 105 hộ hội viên nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tổ chức Hội với số tiền trên 2,4 tỷ đồng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem